Mái tóc đã lốm đốm bạc, trong bộ dạng liêu xiêu như người vừa ốm dậy, Nguyễn Hoàng Kiệt (46 tuổi), tay anh chị khét tiếng một thời đang tất bật chăm lo cho đàn heo rừng tại mảnh đất vài ngàn mét vuông dưới chân cầu Rạch Lăng, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Anh Nguyễn Hoàng Kiệt
Cách đây gần 30 năm, mảnh đất Bình Thạnh gần chân cầu Rạch Lăng đầy cây tràm bông vàng, sóc chồn, cò và rắn rết. Vùng đất Sở Thùng này được ví như nơi các “anh hùng Lương Sơn Bạc” ẩn mình giữa một tam giác vàng gồm phường 3, 5, 11 của quận Bình Thạnh. Nguyễn Hoàng Kiệt khi ấy là một thanh niên mới lớn đã nghe theo lời xúi giục của các tay anh chị tham gia một chuyến vận chuyển hàng “nóng”. Chuyến đi bị lộ và Kiệt phải cải tạo 20 năm trời.
Khi mãn hạn tù, anh được chị Huỳnh Thị Kim Lệ có biệt danh giang hồ là má hai Trùm Le, cô ruột giúp đỡ giao cai quản đàn heo rừng của mình. Công việc hàng ngày của anh là thả heo lên khu đất trống, chiều tối lại nhốt vào chuồng. Mỗi ngày anh đi thu gom thức ăn thừa tại quán ăn, nhà hàng để cho heo ăn.
Từ 2 con heo ban đầu, sau một thời gian dưới tay chăm sóc của anh, đàn đã sinh sôi ra hàng trăm con, chạy nhảy khắp lô đất. Ai chạy xe ngang qua cầu Rạch Lăng đều vừa ngạc nhiên lại thích thú khi tận mắt thấy những con heo rừng lấm bùn ngay giữa đất Sài Gòn.
“Đứa nào đau bịnh cũng anh cu Đĩ (tên thân mật của anh Kiệt), đứa nào hết tiền ăn cơm cũng anh cu Đĩ. Cả một đám cứ khi cần là đến gặp nó”, má hai Trùm Le vui vẻ kể về đứa cháu của mình. Cô nói, cô cũng từng là giang hồ, từng cho vay nặng lãi, con nợ chai mặt không trả nên phải tới đòi thì bị họ kêu công an bắt, phải cải tạo 2 năm. Cô thương những con người kia vì nhiều lý do phải vào nơi đó, khi ra đời, họ như đứa con nít lớn xác không biết bắt đầu từ đâu.
Anh Kiệt rất thường xuyên đau bệnh khi mà hệ quả của những tháng năm lầm lỡ khiến anh bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, cả mấy phường khi nghe đến anh đều biết anh đã cưu mang rất nhiều số phận giống anh. Những người ra tù không có việc làm đều tìm đến anh để tá túc một thời gian, anh cho ăn ở rồi kiếm việc làm. Những người đau ốm đều được anh mua gạo cho. Hàng trăm số phận đã được cứu từ những ký gạo, liều thuốc mà anh Kiệt đã cho.
“Mình biết khi nào có người nhờ nó cũng tìm mọi cách để giúp. Trước kia nó dữ dằn, giang hồ bao nhiêu thì giờ nó hiền lành, thương người bấy nhiêu”, cô Hai sau câu khen ngợi lại thở dài về gia cảnh của cháu mình. Cô kể anh Kiệt cũng có gia đình một vợ, một con. Hồi đó anh Kiệt không biết nhiễm HIV nên sinh con. Giờ cả vợ lẫn chồng đều nhiễm bệnh, chỉ có đứa con may sao khỏe mạnh.
Trong hành trình tìm lại con người và ánh sáng lương thiện kia anh như mệt mỏi và cố dùng chút sức lực cuối cùng của mình để làm một điều gì đó. Có lẽ anh đang nói đến ngôi nhà tang lễ đơn sơ mà anh đã xây được vài năm nay. Chỉ rộng vài chục mét vuông nhưng đầy đủ bàn thờ, nhang đèn, ghế kê hòm… Đây là nơi những số phận hẩm hiu không người thân thích, những con người dưới đáy bị xã hội ruồng bỏ, quên lãng được anh khâm liệm.
“Mình không có nhiều tiền nhưng thấy hoàn cảnh họ đáng thương quá. Bữa nào chưa có lương của cô Hai thì liều mang heo đi bán mua cho họ cái hòm. Họ cũng là người thì chết cũng cho giống người chứ”, hỏi anh có bị cô Hai rầy không, anh chỉ cười trừ: “Tôi bán không biết bao nhiêu con heo rồi. Đáng lẽ đàn heo này giờ đông lắm nhưng do nhiều người cần mình. Chắc cô Hai cũng hiểu”.
Người chết được tẩm liệm nơi này đủ mọi thành phần. Chết do đói rét, do bệnh tật, chết vì HIV gia đoạn cuối không ai dám đụng hay những người không ai đến nhận xác, sống thân cô giữa Sài Gòn đô hội. Những số phận khác nhau, những cái chết khác nhau, dù ngày hay đêm đều được mang về đây và được bàn tay anh Kiệt tẩm liệm và thắp nén nhang từ biệt.
Đốt điếu thuốc gắn lên lư hương của người quá cố, anh nói: “Sống trên đời này dù nghèo nhưng phải có cái nghĩa, cái tình. Đến khi nào còn xoay sở được, còn đủ sức thì tôi vẫn cố duy trì nhà tang lễ này”.
Mấy hôm nay trời trở lạnh, mưa liên hồi. Cơ thể người đàn ông vốn không còn nhiều sức đề kháng này bắt đầu hành hạ anh. Có đợt chỉ bị cảm cúm nhưng phải mất nửa tháng trời anh mới bước xuống giường được. Nhìn thân hình hom hem, ốm yếu của anh chúng tôi không khỏi xót xa. Trong tấm thân ấy là một trái tim ấm nồng tình người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.