Gạc Ma - nước mắt lăn dài ở hậu phương

Đình Thiên Thứ bảy, ngày 12/03/2016 13:49 PM (GMT+7)
“Thương thằng Khoa, bố nó mất khi nó mới 15 tháng tuổi. Khuôn mặt bố, nó cũng chỉ được nhìn đúng một lần mà thôi. Đầu tháng 3.1988, anh Trừ được nghỉ phép về thăm vợ con. Anh mới từ đơn vị về nhà được 2 ngày thì nhận lệnh phải quay lại đơn vị. Ngày tiễn anh, tôi không có mặt ở sân ga vì con còn nhỏ. Cha tôi tiễn anh ra tàu. Không ngờ đấy cũng là lần cuối tôi còn nhìn thấy anh...”.
Bình luận 0

Căn hộ đặc biệt

Sáng 12.3, UBND TP.Đà Nẵng đã tổ chức lễ bố trí căn hộ chung cư cho anh Vũ Xuân Khoa - con trai của liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Phi Trừ (thuyền trưởng tàu HQ 604, đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma và Cô Lin ngày 14.3.1988). Căn hộ của TP.Đà Nẵng bố trí cho anh Khoa nằm ở trung tâm TP, nơi chỉ dành ưu đãi cho những nhân tài đặc biệt của TP.

img

UBND TP.Đà Nẵng giao nhà cho anh Khoa. Ảnh: Đình Thiên

Tại buổi lễ, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch TP.Đà Nẵng - nhắc lại sự kiện ngày 14.3.1988 còn được gọi với cái tên “hải chiến Trường Sa 1988”: Đầu tháng 3.1988, Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa để chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao của Việt Nam. Trong khi Trung Quốc có tàu chiến và vũ khí, lực lượng công binh Việt Nam tại đây chỉ có cuốc, xẻng… trong tay, nhưng họ đã anh dũng kết thành vòng tròn bất tử để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến không cân sức đó. Và trong những người con Việt Nam ngã xuống hôm đó có liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Phi Trừ.

Liệt sĩ Vũ Phi Trừ, quê Thanh Hóa - nguyên là thuyền trưởng tàu hải quân HQ 604 - con tàu đã bị Trung Quốc bắn chìm trong trận chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988. Vũ Phi Trừ đã hy sinh anh dũng cùng 63 đồng đội của mình, để lại vợ trẻ và 2 con thơ.

Con trai đầu của liệt sĩ là anh Vũ Xuân Đăng (hiện công tác trong lực lượng Hải quân Việt Nam, đóng ở TP.HCM) và con trai thứ là anh Vũ Xuân Khoa, hiện là cán bộ Công ty Tân Cảng (Bộ Quốc phòng) - Chi nhánh tại Đà Nẵng. Anh Khoa hiện chuẩn bị cưới vợ, song chưa có nhà ở, chưa có nơi chăm sóc mẹ già.

"Anh Vũ Phi Trừ mãi mãi ở lại với biển đảo Tổ quốc, để lại người vợ và hai con thơ (lúc đó con lớn 3 tuổi và con nhỏ chỉ mới 1 tuổi). Thế mà chị Tần (vợ liệt sĩ Vũ Phi Trừ) đã vượt qua bao khốn khó của cuộc sống, nuôi hai con khôn lớn, nên người. Cách đây vài ngày, tôi được biết con trai lớn đã tiếp nối sự nghiệp người cha, đang trực tiếp bảo vệ trên quần đảo Trường Sa, con trai nhỏ đang công tác tại Đà Nẵng nhưng gia đình chưa có chỗ ở ổn định. Lãnh đạo TP quyết định bố trí cho gia đình căn hộ chung cư, trước là một nén nhang lòng với anh Vũ Phi Trừ, sau là cùng gia đình vượt qua khó khăn trong cuộc sống", ông Thơ xúc động nói.

Ông Thơ nhắn nhủ: “Việc bố trí căn hộ chung cư cũng là lòng thành, tâm niệm của lãnh đạo TP với những người đã ngã xuống vì biển đảo Tổ quốc. Trong tình hình hiện nay, Biển Đông ngày càng phức tạp, căng thẳng, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đang bị thách thức khó lường. Đà Nẵng đang có huyện đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Chính quyền và người dân TP luôn đau đáu về phần máu thịt thiêng liêng lắm trầm luân này. Mong cháu Khoa và thế hệ trẻ cố gắng học tập, rèn luyện để góp phần làm giàu cho TP và ra sức bảo vệ từng tấc đất, mét biển của đất nước…”.

Giọt nước mắt lăn dài

Chia sẻ cảm xúc trước nghĩa cử đáng trân trọng của TP.Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Tần xúc động nói: “Lúc này tôi buồn vui lẫn lộn. Rất vui vì con trai sắp lấy vợ mà chính quyền lo cho cái nhà rồi, nhưng buồn vì lại nhớ anh Trừ…”.

img

Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt bà Nguyễn Thị Tần khi nhắc về chồng - liệt sĩ Vũ Phi Trừ. Ảnh: Đình Thiên

Gạt nước mắt khi nói về chồng, bà Tần kể lại: "Chúng tôi quen nhau được 5 năm trong hoàn cảnh anh đi biền biệt. Năm 1982, hai gia đình xác định tổ chức lễ cưới nên anh Trừ xin nghỉ phép để về Thanh Hóa.

Phong tục quê tôi ngày 20 tháng Chạp thì đưa lễ, ngày 22 ăn hỏi và ngày 26 thì tổ chức lễ cưới. Nhưng không may ngày 25 bà nội của anh Trừ mất nên không tổ chức được lễ…

Thương thằng Khoa, bố nó mất khi nó mới 15 tháng tuổi. Khuôn mặt bố, nó cũng chỉ được nhìn đúng một lần mà thôi. Đầu tháng 3.1988, anh Trừ được nghỉ phép về thăm vợ con. Anh mới từ đơn vị về nhà được 2 ngày thì nhận lệnh phải quay lại đơn vị. Ngày tiễn anh đi, tôi không có mặt vì con còn nhỏ. Cha tôi tiễn anh ra tàu. Không ngờ đấy cũng là lần cuối… tôi nhìn thấy anh".

Chồng mất khi tuổi bà Tần lúc đó còn xuân xanh (28 tuổi), nhưng bà chia sẻ chưa bao giờ có ý định đi bước nữa. Bà nói: "Tôi thương anh lắm nên dặn lòng mình phải hy sinh để nuôi hai đứa con của anh cho tốt. Lâu nay, thằng Đăng đã có gia đình ở TP.HCM. Nó đi trực ở Trường Sa suốt nên tôi vào giữ con cho nó. Lâu lâu tôi lại ra Đà Nẵng, rồi đến ngày giỗ của anh lại về Thanh Hóa làm mâm cơm thắp hương cho anh…".

img

Hai mẹ con bà Tần tại ngôi nhà mới. Ảnh: Đình Thiên

Trong buổi lễ đón nhận căn hộ, luôn đứng bên cạnh người mẹ đã hy sinh cả đời cho mình, anh Khoa tâm sự: “Cảm ơn chính quyền TP.Đà Nẵng đã quan tâm đến gia đình. Bố tôi mất đã lâu, anh em tôi ai cũng muốn lo cho mẹ hết cả. Có căn nhà này, tôi sẽ đưa mẹ về để chăm sóc. Không biết nói gì hơn lúc này, tôi chỉ nguyện lòng mình sống xứng đáng với người cha đã hy sinh mà tôi không thể nhớ được khuôn mặt…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem