Xưởng trồng nấm của chị Tú nằm trong khu vườn, cách nhà hơn 10m, rộng chừng 300m2, được quây lưới đen xung quanh, mái lợp lá cọ. Được biết, chị Tú mới sinh em bé cách đây gần 2 tháng.
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, chị Tú giới thiệu: Nấmsò nhà chị sản xuất không chỉ sạch mà còn rất ngon, được khách hàng đánh giá cao. Chị đến với nghề trồng nấm cũng hết sức ngẫu nhiên. Xuất phát từ việc trong gia đình chị, ai cũng thích ăn nấm. Có giai đoạn, cả nhà ăn chay, chị thường xuyên phải mua nấm ở chợ về chế biến món ăn chay.
Chị Đặng Thị Tú, bản Mé, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La đã trồng nấm được hơn 4 năm
“Tôi không yên tâm khi mua nấm ngoài chợ về sử dụng. Nấm ở chợ không để được lâu mà khi ăn, nấm có mùi chua. Để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà, tôi đã bàn với chồng xây dựng xưởng sản xuất nấm sò. Trước đây, bố chồng tôi từng tìm hiểu về cách làm nấm nên việc mở xưởng nấm của gia đình diễn ra khá thuận lợi” – chị Tú chia sẻ.
Nói là làm, năm 2014, vợ chồng chị Tú bắt tay vào xây dựng xưởng trồng nấm sò. Chồng chị đảm nhiệm việc thiết kế nhà xưởng, còn chị lo khâu tìm hiểu về giống nấm. Sau gần 1 năm, 2 xưởng trồng nấm ở Hà Nội và ở Sơn La của chị Tú đi vào hoạt động.
Trồng nấm sò chỉ là nghề phụ của chị Tú
Thay vì sử dụng bông để làm giá thể trồng nấm như nhiều người khác, chị Tú dùng mùn cưa cao su làm nguyên liệu trồng nấm sò.
“Tôi lấy mùn cưa gỗ cao su đã xử lý, trộn với phân vi sinh rồi đem ủ trong một khoảng thời gian nhất định. Sau khi ủ xong, tôi tiến hành đóng mùn vào bịch (to hơn cái phích nước) và cho vào lò hơi để hấp khử trùng, rồi mới cấy giống nấm” – mẹ bỉm sữa tiết lộ.
Theo chị Tú, có 2 cách để ra nấm, đó là: ra cổ nút và rạch trên thân bịch. Mỗi cách có ưu, nhược điểm riêng. Đối với cách ra nấm bằng cổ nút thì số lượng thành phẩm ít, nhưng bù lại thân nấm to hơn, mập hơn, ăn cũng ngon, ngọt hơn.
Chia sẻ kỹ thuật trồng nấm sò với Dân Việt, chị Tú cho biết: Muốn nấm sò phát triển tốt, thân mập, ngon thì ngoài việc chọn giống tốt, chất lượng thì phải làm nhà xưởng thông thoáng, mát mẻ. Nấm sò ưa độ ẩm cao. Độ ẩm càng cao, nấm sò nở càng nhanh.
Vì cho nấm theo kiểu cổ nút nên mỗi lần thu hoạch, chị Tú chỉ hái được một cây nấm/bịch
“Tuy không đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật nhưng người trồng nấm phải đặc biệt chú ý đến công tác phòng chống côn trùng phá hại nấm, nhất là đối với ruồi. Tôi thường quây lưới chống côn trùng quanh khu treo bịch hoặc khi đã mở nút. Việc làm này hạn chế được ruồi tấn công” – chị Tú cho hay.
Ngoài việc thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, rắc vôi bột khử trùng nơi trồng nấm, chị Tú còn lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt để tưới cho các bịch nấm, giúp cho nấm sinh trưởng, phát triển tốt.
Nấm sò thành phẩm của bà mẹ bỉm sữa này có đặc điểm thân to, ăn ngon và giòn
Chỉ vào những bịch nấm sò được xếp gọn gàng trên giá sắt, bà mẹ bỉm sữa vui vẻ nói: “Nấm do tự tay làm nên khi ăn mình cũng thấy yên tâm hơn. Nấm sò của gia đình sản xuất tới đâu hết tới đó. Nhiều người đến tận xưởng để mua nấm tươi về ăn”.
Việc ủ mùn, hấp bịch, cấy giống nấm chủ yếu được thực hiện tại cơ sở sản xuất nấm tại Hà Nội. Khi các bịch nấm ra 2/3 tơ thì chị Tú mới chuyển lên Sơn La để tiếp tục chăm sóc.
Xưởng trồng nấm tại Sơn La của chị Tú có sức chứa khoảng 20.000 bịch. Khi mở nút các bịch nấm, chị Tú không mở đồng loạt mà mở cách ngày, mỗi ngày 5.000 bịch. Thời gian cho thu hoạch 1 bịch nấm kéo dài khoảng 5 tháng. Vì vậy, khi các bịch nấm sò cho thu hoạch, ngày nào chị Tú cũng có nấm để bán cho khách. Mỗi ngày, chị bán ra thị trường khoảng 20kg nấm.
Vừa bán bịch, vừa bán nấm thành phẩm, bình quân mỗi tháng chị Tú lãi khoảng 10 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.