Gameshow nhí “chín ép trái non”: Lỗi của người lớn
Gameshow nhí “chín ép trái non”: Lỗi của người lớn
Mi Mi
Thứ sáu, ngày 29/05/2020 06:40 AM (GMT+7)
“Bản thân tôi sẽ không mong các con mình tham gia gameshow hay học theo con đường nghệ thuật dù có bố là nghệ sĩ mà để con tự học tập, rèn luyện một cách lành mạnh”, danh hài Chiến Thắng bày tỏ.
Loạt gameshow nhí, chương trình tìm kiếm tài năng dành cho trẻ em bị nhiều người cho là biến các em thành những "trái chín ép" không quá xa lạ vài năm gần đây. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - người vừa xác lập kỷ lục "Nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam" cho rằng, việc trẻ em tham gia gameshow truyền hình, cuộc thi âm nhạc nhí… bị gọi là "chín ép trái non" thì lỗi trước hết là của những người lớn.
"Họ làm chương trình thiếu nhi nhưng lại không vì thiếu nhi. Đáng lẽ chúng chỉ nên được ca hát một cách vui vẻ, vô tư thì trên truyền hình, chúng lại phải mang một áp lực nặng nề của việc thi thố thể hiện kỹ thuật bản thân, thể hiện sự "có vẻ chuyên nghiệp". Và buồn nhất là phải làm mục tiêu cho người lớn phán xét, đánh giá, soi mói, mang lại rating cao cho nhà đài, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho nhà sản xuất", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhấn mạnh.
Từ góc độ khác, danh hài Chiến Thắng không bàn sâu đến việc các nhà sản xuất cuộc thi, gameshow cho trẻ em thu được lợi nhận thế nào. Vấn đề nam danh hài bàn tới là ý thức cũng như quyết định của những bậc phụ huynh khi cho con mình tham gia những chương trình này.
Theo danh hài Chiến Thắng, cách tốt nhất là để cho trẻ em được phát triển một cách tự nhiên tức là vẫn được thể hiện khả năng của mình nhưng qua quá trình học tập, rèn luyện thay vì "một bước thành sao".
Nam danh hài lý giải: "Không thể phủ nhận có nhiều sao nhí khi tham gia gameshow đạt được thành tựu cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực có thể nhìn thấy đằng sau đó là một tảng băng chìm. Bản thân tôi sẽ không mong các con mình tham gia gameshow hay học theo con đường nghệ thuật dù có bố là nghệ sĩ mà để con tự học tập, rèn luyện một cách lành mạnh. Cũng giống như một cái non, ta biết vun trồng chắc chắn sẽ cho những trái sạch, vị ngon ngọt.
Mặt khác, nếu như ta vội vàng thu hoạch cây non đó bằng cách "phun thuốc kích thích", thậm chí "một đêm thu hoạch" thì sẽ nhận về những hiểm họa khó lường".
Nam danh hài cho rằng, trẻ em cũng vậy khi đạt được thành tích trong một gameshow nhí trước mắt các em sẽ được hứa hẹn trở thành gương mặt đại diện cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng. "Các em sẽ kiếm ra tiền sớm nhưng phải đánh đổi môi trường sống, thậm chí đánh mất một phần tuổi thơ như bao đứa trẻ khác mà cả đời các em dù có nhiều tiền cũng không thể lấy lại được", danh hài Chiến Thắng chia sẻ.
Trước đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) đặt ra tại Kỳ họp Quốc hội khoá 14, ngày 27/5, phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật và phòng chống xâm hại trẻ em nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Cụ thể, đại biểu Nhân thẳng thắn đề cập đến loạt chương trình thực tế trên truyền hình như: "Giọng hát Việt nhí", "Thần tượng âm nhạc nhí", "Bước nhảy hoàn vũ nhí", "Gương mặt thân quen nhí", "Người hùng tí hon", "Người mẫu nhí Việt Nam 2019"...
Đại biểu Phạm Trọng Nhân nhận định: "Đó không đơn thuần là sự bùng nổ các gameshow thiếu nhi mà là sự đối đầu của các nhà sản xuất trước lợi nhuận bất chấp những giá trị phi đạo đức".
Ông cũng băn khoăn việc sau những cuộc thi này, những đứa trẻ còn được hứa hẹn trở thành gương mặt đại diện cho các nhãn hàng nổi tiếng, khó là môi trường phù hợp để trẻ được sống an toàn và lành mạnh theo quy định của pháp luật. "Có chăng nó chỉ trang trí, thoả mãn cho sự hãnh tiến của các bậc phụ huynh, khoản lợi nhuận không hề nhỏ cho nhà sản xuất, nhà đài và sự vô trách nhiệm của nhà quản lý", ông Nhân thẳng thắn nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.