Gameshow nhí ép trái non chín sớm, đầu độc tuổi thơ

Huy Hoàng Thứ năm, ngày 28/05/2020 18:25 PM (GMT+7)
Sau những bộ váy áo sang trọng, trang điểm đậm màu, đứng dưới ánh đèn sân khấu lung linh cùng những tràng pháo tay tán thưởng…, các bé tham gia các gameshow nhí cũng phải chịu đựng mặt trái của ánh hào quang sân khấu khi bị đánh cắp tuổi thơ, là những trái non bị chín ép...
Bình luận 0

Ép trái non chín sớm

Vài năm trở lại đây, bên cạnh sự bùng nổ gameshow của người lớn thì các gameshow nhí cũng được dịp bung ra như nấm, cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất, nhà đài. Gần như có gameshow gì hot dành cho người lớn thì sẽ có phiên bản nhí dành cho trẻ em. Khán giả không còn xa lạ gì với những Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Người hùng tí hon, Người mẫu nhí Việt Nam 2019…

Mặt trái của những gameshow này đã được chính các phụ huynh, nghệ sĩ từng tham gia với vai trò huấn luyện viên liên tục lên tiếng cảnh tỉnh, nhắc nhở các nhà sản xuất, nhà đài không nên quá lạm dụng, vì siêu lợi nhuận mà bất chấp.

Gần nhất, vấn đề này tiếp tục được đặt ra tại Kỳ họp Quốc hội khoá 14, ngày 27/5, phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật và phòng chống xâm hại trẻ em, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) đã đặt ra vấn đề các gameshow nhí không đơn thuần là sự bùng nổ các gameshow thiếu nhi mà là sự đối đầu của các nhà sản xuất trước lợi nhuận, bất chấp những giá trị phi đạo đức…

Một trong những chương trình gây nhiều tranh cãi trong dư luận là Model Kid Vietnam 2019 (Người mẫu nhí Việt Nam 2019). Rất nhiều khán giả đã lên tiếng phản đối gameshow này, bởi đã biến các em nhỏ thành những người mẫu già đời, cho những cô bé, cậu bé 5-6 tuổi  trang điểm lòe loẹt, ăn mặc "sexy", đi dáng "cat walk", đánh hông, lắc vai như người lớn. 

Gameshow nhí, mặt trái của ánh hào quang là bị đánh cắp tuổi thơ, ép trái "non" chín sớm!  - Ảnh 2.

Model Kid Vietnam 2019 gây nhiều tranh cãi

Tệ hơn nữa, đây là chương trình dành cho lứa tuổi thiếu nhi, cần sự hồn nhiên, năng động và thể hiện khả năng sáng tạo, kỹ năng sống, thế nhưng nhà sản xuất, các huấn luyện viên không nói rõ, đưa ra tiêu chí cụ thể để các phụ huynh nắm rõ. Vậy là các phụ huynh đua nhau trang điểm cho con em mình thật đậm, tạo sự bất ngờ bằng phong cách thật hở hang, với ý nghĩ càng gây bất ngờ sẽ càng ấn tượng. Để rồi khi chương trình lên sóng, có khá nhiều bé bị điểm trừ vì chải chuốt quá mức, không phù hợp với lứa tuổi. 

Chưa hết, sau những tập đầu lên sóng, Người mẫu nhí Việt Nam 2019 còn vướng vào lùm xùm tranh chấp bản quyền khiến chương trình phải tạm dừng phát sóng, gây hoang mang cho chính các phụ huynh và các bé tham gia. Dù chưa biết đây liệu có phải một cách tạo chiêu trò, scandal để thu hút khán giả hay không, nhưng tất cả những điều đó cũng đã hằn trong suy nghĩ của con trẻ nếu muốn thu hút sự chú ý thì cần phải làm gì.

Với chương trình Shark nhí, phiên bản của Shark người lớn, khán giả chứng kiến cảnh các em đưa những dự án kinh doanh ra phân tích, gọi vốn. Dù có thể kích thích tư duy độc lập, sáng tạo của trẻ, nhưng mặt trái của nó là những đứa trẻ bắt đầu biết toan tính ngay ở tuổi ngây thơ, toan tính ngay cả ở viên kẹo, thay vì cho bạn học ăn thì đem bán kiếm tiền… Tệ hơn sẽ hình thành thói quen tính toán, ích kỷ và chỉ nghĩ đến bản thân thay vì nghĩ cho người khác.

Các gameshow về âm nhạc nhí dành cho trẻ em cũng đã một thời nở rộ và góp phần "làm hỏng" các tài năng nhí, khi mà nhà sản xuất chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà bắt các em nhỏ lao vào khổ luyện để bắt chước theo phong cách người lớn từ ăn mặc, đi đứng, nói năng đến biểu diễn. Đấy là chưa kể áp đặt tư duy của người lên các em nhỏ. 

Các cuộc thi Giọng hát Việt nhí, Đồ rê mí, Thần tượng âm nhạc nhí... có thời gian cũng bị phản ứng dữ dội, khi chương trình không tạo được sự trong sáng, hồn nhiên cho các bé. Thí sinh luôn phải gồng mình hát những bài hát của người lớn, yêu đương anh em, chia xa, ly biệt, nức nở, ai oán với ca từ, giai điệu, thậm chí còn phải nhập vai, biểu cảm để bài hát có hồn, có cảm xúc.

Nhạc sĩ Thanh Bùi, từng tham gia với vai trò là huấn luyện viên, cũng không đồng tình khi ép các em nhỏ hát các ca khúc người lớn, khiến các em bị gọi là "trái chín ép""Tôi không ủng hộ điều đó. Tôi muốn trẻ em phải được sống và ca hát đúng lứa tuổi các em. Khi bị tạo áp lực quá lớn, các em sẽ mất đi sự hồn nhiên. Đó là tội lỗi rất lớn của người lớn".

Gameshow nhí "đầu độc" tuổi thơ

ĐBQH Phạm Trọng Nhân đã nhấn mạnh: "Đã có nghiên cứu nào đong đếm những tổn hại mà các em phải gánh chịu so với những gì mà các em và gia đình nhận được sau mỗi chương trình. Các kịch bản gameshow đều hướng đến sự cạnh tranh khốc liệt với những chiêu trò nhằm thu hút người xem, mà ở đó trẻ em không khác gì những "con rối" trong tay các nhà sản xuất.

Nhìn những giọt nước mắt khi bị loại khỏi cuộc chơi hay những lúc căng như dây đàn mong đến lượt biểu diễn và chờ nghe kết quả thì tội tình gì để những đứa trẻ phải chịu áp lực, mà ngay cả phụ huynh còn phải bật khóc tức tưởi sau cánh gà. Đâu là tình thương và đâu là sự bất nhẫn của người lớn đối với những tâm hồn của những đứa trẻ chỉ mới lên 5, lên 6 tuổi".

Khán giả Nguyễn Thanh Hiệp cũng cho hay: "Việc đưa trẻ em lên các show truyền hình hay gameshow dành cho lứa tuổi trẻ thơ mà có sự thắng thua, với các phần thưởng không phù hợp như máy giặt hay bàn ghế... Nội dung của các show này cũng đáng quan tâm. Trẻ em lên show truyền hình mà hát nhạc tình của người lớn, đáp trả treo người dẫn chương trình... Đây là những show truyền hình hay gameshows mang tính đầu độc tuổi thơ".

Khán giả Hoàng Nguyễn thì nhận xét: "Trẻ em thì phải sống với tuổi thơ hồn nhiên. Bậc cha mẹ đừng có ham tiền mà đưa con mình cho người khác khai thác, nhồi nhét, uốn nắn để thành quán quân, tội nghiệp lắm".

Khán giả Nguyễn Anh Tuấn thì đưa ra giải pháp hạn chế: "Nên hạn chế độ tuổi được tham gia gameshow, vì các em còn nhỏ nên nếu có bình luận xã hội dù tốt hay xấu cũng có ảnh hưởng tâm tính các em. Tốt nhất là phải từ 15 tuổi (cấp 3) trở lên mới được tham gia".

Không sai khi cho rằng cần xem xét thật nghiêm túc việc có nên hay không tiếp tục các gameshow nhí, hay giới hạn độ tuổi các em tham gia gameshow. Bởi trong những cuộc thi, càng em nhỏ sẽ phải nỗ lực để chiến thắng, nhưng đồng thời cũng học được cả sự bất công, chiến thắng nhờ ưu ái và thua cuộc không rõ lý do. 

Gameshow nhí, mặt trái của ánh hào quang là bị đánh cắp tuổi thơ, ép trái "non" chín sớm!  - Ảnh 3.

Các em giành chiến thắng phải đối mặt với hào quang của nổi tiếng, với áp lực của dư luận. Những em khác phải đối diện với cảm giác của người bị loại, thất bại và thua cuộc. Cùng với đó là áp lực của HLV, áp lực mà các bậc cha mẹ thích danh tiếng áp đặt lên những đứa con của mình.

Chưa kể, thời gian ghi hình muộn, kéo dài ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, phải tạm gác chuyện học hành, một số bé còn bảo lưu kết quả học tập để tham gia nghệ thuật. Thực tế, có một số em nhỏ giành được giải đã bỏ bê học hành để chạy show liên tục, bị bóc lột sức lao động quá mức để đem lại lợi nhuận cho người lớn... 

Hệ luỵ của nó, những gameshow nhí với sự ăn thua của người lớn vô tình ngấm sang chúng, là một tác nhân khiến các em nhỏ bị già đi so với tuổi, kể cả thể xác và tâm hồn, đánh cắp tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng của các em.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem