Gần 1.000 nghệ sĩ tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc

Hoàng Giang Thứ năm, ngày 03/11/2022 16:01 PM (GMT+7)
Liên hoan Cải lương toàn quốc sẽ diễn ra từ ngày 5 đến ngày 20/11/2022 tại thành phố Tân An (tỉnh Long An) với gần 1.000 nghệ sĩ diễn viên tham dự trong 27 vở diễn.
Bình luận 0

Sáng 3/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An tổ chức tổ buổi họp báo giới thiệu Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021 (năm 2021 bị hoãn do Covid-19). Liên hoan có sự tham gia của 22 đơn vị nghệ thuật Cải lương chuyên nghiệp từ Trung ương tới địa phương. 

Gần 1.000 nghệ sĩ tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc  - Ảnh 1.

Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn phát biểu tại họp báo. Ảnh: NL

Theo ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, năm nay có 27 vở diễn tham gia liên hoan, trong đó 7 viết đề tài lịch sử, 16 vở đương đại và 4 vở dân gian. Đặc biệt có 300 diễn viên trẻ dưới 35 tuổi trong số 1.000 diễn viên tham gia. 

Các vở diễn tham gia Liên hoan phải đảm bảo có thời lượng từ 90 đến 150 phút, được dàn dựng từ năm 2017 đến nay hoặc được phục dựng với ê kíp sáng tạo mới nhưng đơn vị chưa tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và địa phương tổ chức. 

Cải lương là loại hình nghệ thuật có sự tổng hợp của hát bội, đờn ca tài tử và chịu ảnh hưởng của kịch nghệ phương Tây. Theo năm tháng, loại hình nghệ thuật này đã có những biến cải về nội dung tuồng tích, điệu ca, lời hát cho đến cách thức bài trí sân khấu... Song, có thể khẳng định, dù có thay đổi, cải tiến đến đâu thì những giá trị cốt lõi của nghệ thuật cải lương như tính trữ tình, nét bi, sự khôi hài… vẫn tồn tại trong nhiều vở diễn kinh điển của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Gần 1.000 nghệ sĩ tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc  - Ảnh 2.

Vợ chồng nghệ sĩ Kim Tử Long - Trinh Trinh trong vở "Rạng ngọc Côn Sơn" tại Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2018. Ảnh: Thanh Hiệp

Qua từng giai đoạn phát triển, cải lương luôn hướng tới những đặc tính thẩm mỹ, nhân văn gắn liền với những dấu ấn thời đại. Ngày nay, với nhiều loại hình giải trí số hấp dẫn, mới mẻ, việc bảo tồn và phát triển cải lương cũng đứng trước nhiều thử thách.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn thông thông qua những Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương không chỉ là của những người làm nghề mà còn cần sự chung tay của mọi công dân nhằm nuôi dưỡng tình yêu quê hương, tình thương dân tộc, đồng thời, góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa Việt Nam, tạo nền tảng tinh thần vững chắc để xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Ban tổ chức sẽ trao HCV, HCB, HCĐ cho các vở diễn có chất lượng nội dung nghệ thuật cao; HCV, HCB, HCĐ cho các cá nhân nghệ sĩ biểu diễn. Diễn viên tham gia nhiều vai diễn trong Liên hoan đều đạt khung điểm xét giải thì chỉ được nhận một giải thưởng cao nhất. Đồng thời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng trao tặng giải xuất sắc (nếu có) cho các thành phần sáng tạo của vở diễn gồm: tác giả; đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem