Gần 20 năm "săn ảnh" rùa hồ Gươm ở Đồng Mô

Văn Hoàng Chủ nhật, ngày 12/03/2023 06:30 AM (GMT+7)
Gần 20 năm qua, ông Nguyễn Văn Trọng cán bộ Chương trình bảo tồn rùa Châu Á - dành ít nhất 8 giờ đồng hồ mỗi ngày lênh đênh trên mặt hồ Đồng Mô chỉ để quan sát, chụp ảnh rùa Hoàn Kiếm (nhiều người quen gọi là rùa hồ Gươm).
Bình luận 0

Công việc "săn" rùa hồ Gươm tưởng chừng như đơn giản nhưng gần 20 năm qua chưa ai thay thế được ông Nguyễn Văn Trọng.

Hành trình tìm “hậu duệ” rùa hồ Gươm (Bài 2): - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Trọng chia sẻ công việc "săn" ảnh rùa hồ Gươm thường ngày với phóng viên Báo điện tử Dân Việt. Ảnh: Văn Hoàng

"Họ hàng" rùa hồ Gươm từng được bán cho nhà hàng

Có lẽ để tìm được một người thực hiện công việc mà ông Trọng đang làm suốt gần 20 năm qua cũng khó khăn như việc đi tìm hậu duệ của "cụ" rùa hồ Hoàn Kiếm (hay còn gọi là rùa hồ Gươm) ở khắp các tỉnh phía bắc nước ta. Khi chúng tôi nói ông Trọng là một con người rất hiếm, ông cười và đáp lại: "Chỉ đam mê thôi chưa đủ, cần có sự yêu nghề, kiên nhẫn mới làm được".

Rùa Hoàn Kiếm (rùa hồ Gươm) tại hồ Đồng Mô. Video: Nguyễn Tài Thắng/ATP

Trước khi đến với "nghề" chụp ảnh rùa hồ Gươm từ 20 năm trước, ông Nguyễn Văn Trọng cũng có từng ấy thời gian hành nghề đánh cá mưu sinh trên hồ Đồng Mô. 

"Khi tham gia đánh cá tôi đã nhiều lấy chứng kiến những con rùa giống với rùa Hoàn Kiếm (rùa hồ Gươm) nằm phơi mình trên cỏ ven bờ hồ. Những con bé rất nhanh, khi thấy người dù đang quay đầu hướng lên bờ nhưng chúng lập tức lùi xuống nước trong vài giây", - ông Trọng kể.

Giờ đây, đang lênh đênh cùng con thuyền hằng ngày tìm chụp ảnh rùa hồ Gươm, từ sự quý hiếm của loài rùa này, ông Trọng mới thấy hối tiếc, xót xa khi vào những năm 1990 đến năm 1994 có hàng chục cá thể rùa hồ Gươm từng bị bẫy bắt đem bán cho thương lái và các nhà hàng phục vụ món nhậu cho thực khách. 

Ông Trọng nhớ lại: "Các cá thể rùa nặng từ 100kg đến gần 200kg, cá biệt có cá thể nặng tới 240kg bị dính câu vương của người dân rồi bán hoặc xẻ thịt chia nhau ăn".

Hành trình tìm hậu duệ của "cụ" rùa hồ Gươm (Bài cuối): - Ảnh 3.

Tấm bảng tuyên truyền sự quý hiếm của rùa Hoàn Kiếm (rùa hồ Gươm) đang đặt tại ven hồ Đồng Mô. Ảnh: Văn Hoàng

Chân chèo thuyền, tay ông Trọng chỉ về hướng có mặt hồ Đồng Mô mênh mông, ông bảo hôm nay mặt nước lặng sóng, ngư dân ít đánh cá và trời sắp hửng nắng, nếu may mắn nhà báo sẽ gặp được rùa lên bệ cỏ phơi nắng. 

Ít phút sau, chiếc thuyền chòng chành đưa chúng tôi ra giữa hồ, ông Trọng hô to "rùa kìa các chú", hướng mắt theo tay ông chỉ đúng là đầu rùa nổi lên mặt nước, đang chuẩn bị bò lên bệ cỏ phơi nắng. Như đã phát hiện có người đến gần, chỉ khoảng 3 giây rùa đã lặn mất tăm, "cụ" lặn mạnh đến nỗi tạo sóng nước vỗ vào mạn thuyền.

Ông Trọng cùng một cán bộ bảo tồn rùa khác trên thuyền liền ghi chép lại những thông tin liên quan đến việc nhìn thấy rùa nổi. Ông Trọng cho biết, đây là con rùa lớn, bởi theo ông trong hồ Đồng Mô còn có con rùa khác bé hơn, ông đã từng nhiều lần chụp được bức ảnh có hai con rùa nổi lên cùng một thời điểm nhưng chưa bắt được để xác định loài xem có đúng rùa hồ Gươm hay không?

Video: "Họ hàng" rùa Hoàn Kiếm (rùa hồ Gươm) nặng 86kg được các chuyên gia và nhà bảo tồn thả về hồ Đồng Mô sau khi vây bắt lấy mẫu để xét nghiệm ADN. Video: Nguyễn Tài Thắng/ATP

Khi được hỏi về những ký ức ấn tượng và để lại trong tâm trí ông trong suốt gần 20 "hóng" rùa hồ Gươm, ông Trọng không cần suy nghĩ mà nói: "Đó là khoảnh khắc lần đầu chụp được rùa. Hôm đó rùa nổi lên ở xa mà máy ảnh không zoom lại gần được nên tôi phải chụp qua ống nhòm. 

Điều đáng nhớ nữa là những ngày đêm, mưa gió rét mướt cũng lênh đênh trên hồ. Nếu tôi không yêu nghề tôi bỏ lâu rồi nhưng nghề này ăn vào tâm trí óc rồi, hôm nào mà không thấy rùa là tôi buồn lắm".

Mong sớm thành lập Khu bảo tồn rùa

Lần đầu tiên ông Trọng chụp được ảnh rùa hồ Gươm ở hồ Đồng Mô vào năm 2008, để chụp được ảnh, người chụp phải nhanh tay nhanh mắt vì rùa chỉ nổi trong tích tắc, và không phải ngày nào cũng nổi, để chụp được rùa hồ Gươm ngoài sự kiên nhẫn cần phải có duyên, bởi đã nhiều lần có khi cả tháng ăn trực nằm chờ ông Trọng cũng không gặp rùa lần nào.

Hành trình tìm hậu duệ của "cụ" rùa hồ Gươm (Bài cuối): - Ảnh 5.

Hiện nay các cán bộ của Chương trình bảo tồn rùa Châu Á đã thuê người dân làm 8 bệ cỏ như thế này để cho rùa lên "tắm nắng" và rùa đã xuất hiện ở 7 bệ cỏ trên hồ Đồng Mô. Ảnh: Văn Hoàng

Theo ông Trọng và các chuyên gia bảo tồn rùa tại hồ Đồng Mô, hiện nay có một số mối nguy hiểm tác động đến môi trường sinh sống cũng như trực tiếp đến loài rùa hồ Hoàn Kiếm (rùa hồ Gươm) là việc một số người dân sử dụng kích điện để đánh cá, người dân đi du lịch quanh hồ hay bỏ rác thải nhựa, tui nilon xuống hồ, nếu không may "cụ rùa" ăn phải tắc ruột là chết. Rồi tiếng ồn của thuyền đánh cá và đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của một số cơ sở nuôi trồng quanh hồ cũng gây ảnh hưởng đến rùa.

"Hồ Đồng Mô trước khi đắp đập là một nhánh của sông Hồng, hồ được đắp từ những năm 1970. Trong lúc ngăn sông rùa có thể đã có sẵn trên các khúc sông này" - ông Nguyễn Văn Trọng, người sinh ra, lớn lên và gắn bó với hồ Đồng Mô cho biết.

Là người hiểu rất rõ tập tính rùa hồ Gươm ở Đồng Mô, ông Trọng cùng cộng sự luôn đau đáu một điều là làm sao có môi trường trong sạch, có nhiều chính sách để bảo vệ và bảo tồn rùa hơn nữa. 

Đặc biệt là mong nhà nước thành lập Khu bảo tồn rùa tại Đồng Mô rồi có những giải pháp giúp rùa sinh sôi, có nhiều cá thể hơn, làm sao để công tác bảo tồn rùa được an toàn, không bị tác động nhiều bởi các hoạt động của con người.

Hành trình tìm hậu duệ của "cụ" rùa hồ Gươm (Bài cuối): - Ảnh 7.

Bức ảnh thể hiện hai cá thể rùa hồ Hoàn Kiếm (rùa hồ Gươm) ở hồ Đồng Mô. Ảnh: ATP

Qua hàng chục năm quan sát, ông Trọng nói: "Rùa thường có tập tính lên cái mũi đầu tiên không thấy động tĩnh mới lên cái đầu, mà không thấy gì nó mới nhô cái mu lên, nếu mình ngồi kín rùa nổi mấy phút cũng có. Tôi quay được rùa lên bãi cỏ quay được 3 phút 58 giây vào năm 2017".

Ông Trọng có nguyện vọng làm công việc theo dõi và chụp ảnh rùa hồ Gươm cho đến khi già yếu, mắt kém mới nhường cho thế hệ sau. Dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn dẻo dai như thời hành nghề đánh cá trên hồ Đồng Mô, nhưng sự kiên nhẫn, sự yêu nghề luôn cháy bỏng trong ông Trọng. 

Bất kể đêm, ngày, khi hay tin những người đánh bát quái, đánh lưới bắt được con nhỏ là ba ba hay rùa ông Trọng cùng cán bộ bảo tồn đều đến chụp ảnh, lấy mẫu.

Hành trình tìm hậu duệ của "cụ" rùa hồ Gươm (Bài cuối): - Ảnh 7.

Một góc hồ Đồng Mô, nơi sinh sống của ít nhất một cá thể rùa hồ Gươm. Ảnh: Văn Hoàng

Sau khi ấy mẫu xét nghiệm, "nếu đúng loài rùa mà mình đang cần thì động viên người dân không được bán mà thả ra môi trường tự nhiên. Giờ chỉ mong bắt được thêm những cá thể khác. Hi vọng có thêm những cá thể rùa con ở hồ này, chúng tôi vẫn đang đi tìm" - ông Trọng mong muốn.

Điều đáng mừng là năm 2017 đã phát hiện một cá thể rùa hồ Gươm nữa tại hồ Xuân Khanh chỉ cách hồ Đồng Mô khoảng 10km, hiện cá thể rùa ở hồ Xuân Khanh cũng đang được bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt.

Được biết, hiện nay công tác bảo tồn rùa hồ Gươm tại hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh đang được thực hiện xuyên suốt từ năm 2007 đến nay, ngoài việc tìm kiếm thêm những con rùa khác, mỗi năm cán bộ bảo tồn cùng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho học sinh ở các xã Yên Bài, Sơn Đông, Cổ Đông, Xuân Khanh, Kim Sơn thuộc huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây về công tác bảo tồn rùa, không có các hành vi gây hại đến rùa.

Hành trình tìm hậu duệ của "cụ" rùa hồ Gươm (Bài cuối): - Ảnh 8.

Công việc "săn" rùa hồ Gươm tưởng chừng như đơn giản nhưng gần 20 năm qua chưa ai thay thế được ông Nguyễn Văn Trọng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem