Gần 9 triệu người viêm gan: Kiệt quệ với “kẻ giết người thầm lặng”

Minh Nguyệt Thứ bảy, ngày 22/07/2017 06:04 AM (GMT+7)
Với gần 9 triệu người mắc viêm gan B và C, Việt Nam đang phải chịu những tổn thất nặng nề trong việc suy giảm sức lao động và chi phí khám chữa bệnh.
Bình luận 0

Kẻ giết người thầm lặng

Thông tin được đưa ra tại hội thảo phổ biến kết quả mô hình ước gánh nặng bệnh tật do virus viêm gan B và C và phân tích hiệu quả đầu tư do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức ngày 21.7. Theo WHO, ước tính trên thế giới có trên 4 triệu ca viêm gan B mắc mới hàng năm, trong đó có khoảng 350 triệu ca mãn tính (chiếm 4% dân số toàn thế giới) và khoảng 620.000 ca tử vong hàng năm do virus viêm gan gây ra.

img

Tiêm phòng cho trẻ là cách tốt nhất để phòng bệnh.    Ảnh:  Diệu Linh

Ông Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, năm 2017 tại Việt Nam có 7,8 triệu người nhiễm viêm gan B mãn tính. Trong đó, số người bị xơ gan là hơn 51.000 người, ung thư tế bào gan là hơn 14.000 và hơn 32.000 người bị tử vong có liên quan tới viêm gan. Còn viêm gan C có 991.000 ca nhiễm mãn tính. Trong đó, xơ gan là hơn 13.000 ca, ung thư tế bào gan là gần 6.000 ca, tử vong liên quan đến gan là hơn 6.400 ca. Điều đáng nói, có rất nhiều người mắc viêm gan B và C nhưng không biết, chỉ khi diễn biến bệnh nặng thì mới phát hiện. “Viêm gan B và C là bệnh truyền nhiễm phổ biến, có thể gây biến chứng nguy hiểm như xơ gan, viêm gan cấp dẫn tới tử vong. Do vậy bệnh này được WHO mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” – ông Long nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, tình trạng viêm gan virus B và C là vấn đề y tế công cộng. Tỷ lệ nhiễm viêm gan B là khoảng 6%, có vùng lên đến 20%; ở vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ mắc cao hơn do điều kiện chăm sóc y tế chưa thuận lợi. Viêm gan C có tỷ lệ mắc từ 0,4% đến 4%.

img

Ông Long nhận định, hiện bệnh viêm gan B chưa có phương thức điều trị nào hiệu quả. Viêm gan C có thể điều trị được, nhưng kinh phí điều trị rất cao. Kinh phí điều trị viêm gan C trên thế giới là trên 1.000 USD/ liệu trình - gần 23 triệu đồng.

Còn tại Việt Nam, trị Viêm gan C chi điều cao hơn rất nhiều, khoảng 45 triệu/ liệu trình 3 tháng nên nhiều người thậm chí chấp nhận “đánh bạc với trời”, không điều trị. Nhưng nếu viêm gan B và C chuyển sang xơ gan, ung thư gan thì chi phí điều trị sẽ rất lớn, nếu ghép gan sẽ mất khoảng 800 triệu đồng.

 Có vaccine phòng ngừa

Theo Thứ trưởng Long, Việt Nam đang duy trì chiến lược phòng bệnh viêm gan B và C bằng cách tiêm phòng vaccine. Cụ thể, là áp tiêm vaccine liều sơ sinh phòng lây truyền từ mẹ sang con ngay sau sinh và sử dụng chương trình tiêm chủng quốc gia cho trẻ em. “Viêm gan B lây lan rất nhanh, nhanh hơn cả HIV/ADS. 160.000 bà mẹ nhiễm virus viêm gan B (tương đương với 10% phụ nữ mang bầu). 25% trẻ sơ sinh có nguy cơ bị xơ gan, ung thư gan nếu không được tiêm chủng” – ông Long nói.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã cố gắng làm tốt việc tiêm chủng, siết chặt quản lý vaccine... Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vaccine viêm gan B trong cả nước chỉ đạt 65%. Đặc biệt, tình trạng tiêm phòng cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh khá thấp. Trong khi đó, nếu tiêm vắc xin cho trẻ sau sinh 7 ngày thì tỷ lệ phòng bệnh giảm đi rất nhiều, khả năng lây nhiễm lên tới 50%.

Hiện tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B của Việt Nam còn thấp (năm 2016 đạt 68%), không đồng đều ở các địa phương. Nhiều tỉnh thuộc khu vực miền Bắc, Quảng Bình, Tây Ninh, tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt 50%.

Việc tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan B cũng đang gặp nhiều khó khăn do trạm y tế chưa triển khai được do không có tủ lạnh bảo quản, không sẵn có vaccine. Đặc biệt tại các tình miền núi, vùng khó khăn tỷ lệ trẻ em được tiếp cận để tiêm vaccine viêm gan B lại càng khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem