Gắn sao OCOP lên nông sản, siêu thị đặt hàng liên tục
Gắn sao OCOP, nông sản Thủ đô được nâng tầm, siêu thị đặt hàng liên tục
Minh Huệ
Thứ sáu, ngày 08/01/2021 05:15 AM (GMT+7)
Hà Nội hiện đang là một trong những địa phương thuộc top đầu của cả nước về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tại đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm lần thứ 2 tổ chức mới đây, Thủ đô đã có thêm 424 sản phẩm OCOP được gắn sao, vượt chỉ tiêu đề ra năm 2020 với hơn 1.000 sản phẩm OCOP.
Điều đáng nói là sau khi được gắn sao OCOP, nhiều sản phẩm nông sản đã lên kệ siêu thị, được đông đảo người tiêu dùng biết tới và tìm mua, qua đó gia tăng giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho các chủ thể.
Đạt sao OCOP, siêu thị đặt hàng liên tục
"Sở NNPTNT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành, báo chí truyền thông để tuyên truyền về sản phẩm OCOP, quảng bá tới người tiêu dùng, xây dựng các điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP của Thủ đô…".
Ông Chu Phú Mỹ
Năm 2012, HTX Nông nghiệp Thanh Hà (Thường Tín, Hà Nội) là đơn vị tiên phong đưa dòng sản phẩm rau mầm vào thị trường và cuối năm 2017, HTX tiếp tục ra mắt dòng sản phẩm mới "Rau baby leaf". Đây cũng chính là những "đứa con" xuất sắc nhất được HTX đưa đi tham gia Chương trình OCOP của thành phố.
Bà Bùi Thị Thanh Hà - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Hà cho biết, hiện HTX đang sản xuất trên diện tích 1,5ha. Toàn bộ sản phẩm đều được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị.
"Tham gia OCOP, ban đầu chúng tôi thấy rất khó khăn, bởi phải chuẩn bị hồ sơ nhiều hạng mục, chứng minh cho sản phẩm - một điều những nông dân như chúng tôi chưa bao giờ làm. Rất may nhờ có sự quan tâm, tư vấn của Tổ tư vấn giúp việc Chương trình OCOP, đơn vị đã có 15 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao" - bà Hà cho biết.
Đặc biệt, từ khi được gắn sao, sản phẩm của HTX có dịp xuất hiện tại nhiều hội chợ triển lãm, sản lượng tiêu thụ tăng vọt, từ chỗ chỉ đạt trung bình 125 tấn/năm, đến thời điểm này đã đạt khoảng 175 tấn.
Cũng theo bà Hà, nhờ HTX áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nên chất lượng sản phẩm ổn định, giá bán cao dù chính vụ hay trái vụ. HTX liên tục nhận được lời mời hợp tác của các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và đã có những chuyến xe phân phối hàng về các tỉnh Quảng Ninh, TP.Hải Phòng…
Trong khi đó, anh Phan Ngọc Tú (thôn Xuân Hòa, xã Vân Hòa, Ba Vì, TP.Hà Nội) cũng bày tỏ vinh dự khi sản phẩm thịt đà điểu sạch, thịt gà đồi của gia đình đã đạt tiêu chí 3 sao OCOP.
Đây cũng là 2 sản phẩm nông sản đầu tiên của huyện Ba Vì được gắn sao, mở ra cơ hội đưa sản phẩm đến rộng rãi với người tiêu dùng.
Anh Tú cho biết, ban đầu gia đình anh chỉ nuôi 20 con đà điểu. Sau 1 năm phát triển thuận lợi, anh tiếp tục đầu tư thêm 50 con để nuôi lấy thịt và thực hiện úm đà điểu giao cho các hộ chăn nuôi. Hiện nay, cơ sở chăn nuôi đà điểu của gia đình anh Tú đã hoạt động ổn định, hàng năm cung cấp ra thị trường trên 10 tấn giò đà điểu và thịt đà điểu sạch.
Vượt chỉ tiêu sản phẩm OCOP
Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, các sản phẩm tham gia OCOP của thành phố chủ yếu tập trung ở các huyện, thị xã.
Vừa qua, thành phố đã tiến hành đánh giá, phân hạng cho 424 sản phẩm dự thi đợt 2 của 20 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Qua đó đã phân hạng 3 sao cho 111 sản phẩm; 4 sao 310 sản phẩm; tiềm năng đạt 5 sao có 3 sản phẩm.
Trước đó, trong đợt 1, Hà Nội đã có quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng 329 sản phẩm OCOP. Như vậy, tính lũy kế cả giai đoạn 2019-2020, toàn thành phố có 1.054 sản phẩm OCOP, vượt chỉ tiêu thành phố đề ra (chỉ tiêu đến năm 2020 có 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng).
Phát biểu tại hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2/2020 mới đây, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT TP. Hà Nội cho rằng: Việc đạt sao OCOP cũng tương tự như tờ giấy thông hành đưa sản phẩm rộng rãi ra thị trường. Tuy nhiên sau khi được công nhận và được gắn sao, các chủ thể sản phẩm phải tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Mỹ cho biết: "Một số cơ sở sau khi được cấp chứng nhận, chúng tôi kiểm tra đột xuất lại cho thấy việc tuân thủ các quy trình sản xuất không đảm bảo chất lượng như ban đầu. Do đó, thời gian tới Sở NNPTNT sẽ tham mưu thành phố có cơ chế quản lý các sản phẩm này. Dù được gắn sao, nhưng kiểm tra nếu không đạt sẽ xử phạt, hoặc thu hồi chứng nhận OCOP".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.