Gặp "đại gia" nhím biết nắm thời cơ

Thứ năm, ngày 29/03/2012 11:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông là người tiên phong trong phong trào trồng đào, quất, cây cảnh và đưa "con đặc sản" về làng. Bước đi đầu bao giờ cũng khó khăn, nhưng ông đã vượt qua và trở nên giàu có, mà theo ông là do biết “nắm bắt được thời cơ".
Bình luận 0

Người mà chúng tôi muốn nói đến là ông Phạm Ngọc Bào, 54 tuổi, ở thôn Trưng Vương, xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông là 1 trong 6 người được tỉnh đề cử tham dự Đại hội Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ IV sắp tới.

img
Ông Phạm Ngọc Bào đang chăm sóc cây cảnh.

Nắm bắt và quyết định nhanh

Chúng tôi hỏi về bí quyết làm giàu, ông Bào nói luôn: "Trong kinh doanh cũng như làm nông nghiệp, thời cơ đều rất quan trọng. Nói vậy không phải mình làm ăn "chộp giật", nhưng ai nắm được thời cơ, dám mạnh dạn đi đầu người ấy sẽ thắng".

Ông Bào kể, năm 1978, vừa tốt nghiệp trung cấp kế toán thì xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc nên ông vào bộ đội và đến năm 1982 thì xuất ngũ. Từ năm 1988 đến 1999, ông làm Phó rồi Chủ nhiệm HTX Vũ Lăng. Đến năm 2000, ông được bầu làm Chủ tịch Hội ND xã và năm 2009 được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Vũ Lăng.

"Chức vụ là vậy, bà con tín nhiệm thì mình làm, nhưng tôi vẫn là một nông dân. Ngoài giờ hành chính với công việc chính quyền, đoàn thể, tôi vẫn phải xắn quần xắn áo để nuôi lợn, nuôi nhím, làm kinh tế gia đình" - ông Bào nói.

Năm 1990, khi ở Vũ Lăng chưa có ai trồng đào, quất, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng 3 sào để bán vào dịp Tết. Hồi đó, ông là người độc quyền ở Vũ Lăng về món hàng chơi Tết này. Công việc đang thuận lợi, trong một lần sang Nam Định và thấy phong trào trồng cây cảnh ở đây rất phát triển, nghề "làm chơi ăn thật" này đã mê hoặc ông. Vậy là vào cuộc, bắt đầu từ những cành phôi giâm, dần dần ông đã có hàng trăm cây cảnh, nhiều cây có giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Cứ "lấy ngắn nuôi dài", bán cây nhỏ mua cây to, cây có thế đẹp về chăm sóc và tạo thế để bán thu lời. Trung bình mỗi năm ông bán từ 20 - 30 cây cảnh, trừ chi phí lãi 150 triệu đồng. "Tôi vừa trồng cây, vừa nuôi lợn, gà. Những năm 1997 - 2000, trong chuồng nhà tôi lúc nào cũng có hơn 100 con lợn thịt, trung bình mỗi năm xuất khoảng 8 - 9 tấn hơi, trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu đồng" - ông Bào cho biết.

“Đại gia” nhím ở Vũ Lăng

Năm 2005, khi phong trào nuôi nhím mới bắt đầu manh nha và được một người bạn ở Sơn La tư vấn, nhận định đây là con đặc sản có tiềm năng giá trị kinh tế cao, sau một đêm suy nghĩ, ông Bào đã quyết định mua 3 đôi nhím với giá 22 triệu đồng/đôi về nuôi. Ông kể, lúc mua nhím về, ông còn chưa biết nhím ăn gì và nuôi chúng như thế nào.

Từ năm 2006 đến nay, ông Bào đã dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 50 lao động. Nhiều người đã thoát nghèo, giàu lên nhờ được ông Bào hỗ trợ nhím giống, kỹ thuật. Ngoài ra, hàng năm ông còn chi khoảng 20 triệu đồng làm từ thiện.

Dẫn chúng tôi đi thăm đàn nhím, ông Bào cho hay: "Hóa ra nhím nuôi rất dễ, nó chủ yếu ăn ngô, bí, hoa quả thối... mà những thứ này ở đây lại rất sẵn. Thấy nuôi nhím dễ, năm 2007 tôi đầu tư 20 đôi về nuôi. Hiện tôi có 150 con, trong đó 80 con bố mẹ, trung bình mỗi năm xuất 20 đôi nhím giống và khoảng vài tạ nhím thịt. Năm 2009 - 2010, nhím giống đắt (18 - 25 triệu đồng/đôi) nên mỗi năm tôi lãi khoảng 350 - 400 triệu đồng. Hiện nhím thịt 200.000 - 250.000 đồng/kg, nhím giống chỉ còn 8 triệu đồng/đôi, nhưng vẫn lãi từ 1,5 - 2 triệu đồng/con/năm".

Ông Bào giờ là "đại gia" với nhà cửa khang trang. Nhưng điều mà ông vui nhất là con cái trưởng thành và ông đã đưa được con nhím về Vũ Lăng và cùng bà con ND làm giàu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem