Gặp gia đình nông dân có duyên với nghề chế tác nhạc cụ

Thứ ba, ngày 09/10/2012 08:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gia đình nghệ nhân Dương Công Trung có 5 anh em. Tuổi thơ của họ luôn ngập tràn trong những tiếng đàn bầu, tiếng nhị mượt mà của người cha đáng kính. Và rồi cả 5 người đều được cha truyền cho nghề làm nhạc cụ.
Bình luận 0

Chiếc đàn chỉ có một dây dài chừng 0,5m nằm giữa hai thanh gỗ được đỡ bằng một bầu đàn ở phía dưới, khi chơi người ta gảy vào dây, rồi bóp vào hai thanh gỗ tạo độ rung nghe rất lạ... Đó là một sản phẩm của gia đình nghệ nhân Dương Công Trung.

Duyên đến bất ngờ

Ông Dương Công Trung (thôn Nhị Khê, xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội) cho chúng tôi biết, đó là chiếc đàn gopichand (ektara) xuất xứ từ Ấn Độ, do gia đình ông sản xuất. Ở Nhị Khê chỉ có mỗi gia đình ông sản xuất được nhạc cụ truyền thống này. Chuyện gia đình họ Dương sản xuất nhạc cụ truyền thống thế giới, ông Trung nói, âu cũng là một cái duyên.

img
Anh em ông Dương Công Trung bên những nhạc cụ dân tộc.

Năm 2002, có một người nước ngoài đến thăm xưởng sản xuất của ông Trung. Vị khách đặc biệt này đến từ Đức, tên là Clemens Voight, có một cửa hàng chuyên sưu tầm và bán các nhạc cụ truyền thống các nước trên thế giới ở Berlin. Anh Clemens cho biết, khi đến xem các nhạc cụ được bày bán ở Hàng Nón (Hà Nội), anh rất thích và hỏi về nơi sản xuất thì người ta chỉ đến gặp ông Trung.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng, vị khách người Đức này đã đặt của ông Trung vài chiếc đàn bầu, sáo, đàn tính của Việt Nam. Hai tháng sau, anh Clemens quay lại với một đoàn khách gần 10 người, gồm người Đức và người Nhật. Họ ăn ngủ ở nhà ông Trung trong gần 5 ngày. Họ mang theo một cuốn catalogue có rất nhiều hình chụp các loại nhạc cụ truyền thống các nước trên thế giới và yêu cầu ông làm các nhạc cụ giống như vậy. Họ trực tiếp xem ông Trung làm rồi thẩm âm các nhạc cụ này. Trước khi về nước, đoàn khách đặt ông một lô hàng lớn gồm các loại nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và thế giới.

Từ đó đến nay cũng đã hơn 10 năm. Năm nào cũng vậy, anh Clemens lại sang Việt Nam trực tiếp hướng dẫn xưởng nhà ông Trung sản xuất các loại nhạc cụ truyền thống thế giới. Mỗi năm lại có thêm các loại nhạc cụ mới ra đời ở xưởng của ông.

Trăn trở giữ nghề

Ông Trung cho biết, gia đình ông có truyền thống làm nhạc cụ dân tộc từ lâu. Thắp nén hương lên bàn thờ người cha vừa mới mất, ông Dương Công Trung xúc động kể lại: Cha ông là cụ Dương Công Bôn, sinh năm 1934, là một trong những người thợ lành nghề bậc nhất của làng tiện gỗ nổi tiếng Nhị Khê.

Trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước, ở làng Nhị Khê có một hợp tác xã tiện gỗ, chủ yếu là sản xuất hàng quân dụng và gia dụng. Sau những buổi làm ở hợp tác xã về, cụ Bôn lại cặm cụi mày mò nghiên cứu các nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, nhị, đàn tính… sau đó cụ tự chế tác những loại nhạc cụ này, ban đầu với mục đích để chơi lúc “trà dư tửu hậu”. Đến khi trình độ điêu luyện, cụ đã làm và bán những nhạc cụ này.

Nghĩ nhiều đến cha, nên dù kinh tế khó khăn, ông Trung vẫn quyết tâm giữ lấy nghề này, đúng như tính cách của người Nhị Khê: “Bao giờ Thường Tín hết cây/Sông Tô cạn nước, Nhị Khê bỏ nghề”.

Ông Trung cho biết, gia đình ông có 5 anh em, tuổi thơ của họ luôn ngập tràn trong những tiếng đàn bầu, tiếng nhị mượt mà của người cha đáng kính. Và rồi cả 5 người đều được cha truyền cho nghề làm nhạc cụ. Vì mưu sinh, giờ thì gia đình ông chỉ còn lại 2 người theo nghề là ông và em trai Dương Công Sơn.

Để nối tiếp nghề của cha, ban đầu ông Trung sản xuất các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Sau này, để đáp ứng nhu cầu thị trường, ông đã tự mày mò chế tác ra các loại nhạc cụ mới, bán cho các dàn nhạc dân tộc, các cửa hàng đồ lưu niệm ở Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem