Chỉ ho đã… suýt chết
Bệnh nhi tên N nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM trong tình trạng sốt cao; nổi ban da toàn thân; kết mạc mắt bị viêm đỏ; lở loét niêm mạc môi miệng gây đau họng, khó nuốt; rỉ dịch ở niêm mạc mũi, kết mạc mắt, đường tiết niệu, hậu môn... Theo các bác sĩ, đây là bệnh lý rất hiếm gặp nhưng khi xảy ra có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Bác sĩ khám lâm sàng cho trẻ mới có thể kê đơn chính xác, điều trị hiệu quả. Ảnh minh họa: Diệu Linh
Theo PGS Dũng, khi thấy con uống thuốc theo đơn đúng liều lượng mà bệnh không giảm hoặc xuất hiện triệu chứng lạ như mẩn ngứa, nổi ban trên da… cần đưa trẻ đi khám ngay. |
Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ được biết trước đó 4 ngày, cháu N bị sốt, ho, sổ mũi, ngứa vùng kín nên đến khám và mua thuốc uống không rõ loại tại phòng khám tư nhân. Nhưng sau khi uống thuốc, cháu bị nổi hồng ban đỏ ở mặt, lan toàn thân nên phải nhập viện tại địa phương cấp cứu. Sau khi nhập viện, bé vẫn sốt cao, hồng ban da lan rộng khắp toàn thân, lở loét niêm mạc môi miệng, rỉ dịch ở niêm mạc mũi, kết mạc mắt, đường tiết niệu, hậu môn, nên được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu bé mắc hội chứng Stevens Johnson do dị ứng thuốc.
Các bác sĩ đã điều trị tích cực với truyền dịch bù nước điện giải, dinh dưỡng năng lượng cao, chăm sóc giảm thiểu thương tổn da niêm, kháng sinh phòng chống bội nhiễm. Bé được nằm phòng cách ly ở Khoa Hồi sức tích cực để tránh bị nhiễm trùng thêm. Kết quả là sau gần một tuần điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực, đến nay, tình trạng cháu bé đã dần cải thiện, tỉnh táo hơn, ăn uống được, da niêm bớt tổn thương, đang trong quá trình lành lại.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, hội chứng Stevens Johnson (tên được đặt theo tên của 2 bác sĩ đầu tiên mô tả bệnh lý này) là một bệnh lý tuy hiếm gặp nhưng khi xảy ra sẽ rất trầm trọng, có thể nguy hiểm tới tính mạng trẻ. Nguyên nhân thường do dị ứng thuốc như kháng sinh nhóm hoặc thuốc chống động kinh hay do nhiễm siêu vi, vi trùng... Biến chứng thường gặp là nhiễm trùng huyết, viêm phổi, mất nước, rối loạn điện giải, thậm chí suy gan, suy thận... Có đến 2/3 bệnh nhân có bóng nước và lở loét toàn thân, thậm chí tương đương với bỏng độ I, II.
Tự dùng thuốc bổ cũng nguy hiểm
"Xe đạp hỏng chúng ta không dám tự sửa mà phải mang ra hàng. Tại sao con ốm, cha mẹ lại tự chữa. Chẳng nhẽ con mình không bằng cái xe đạp, xe máy sao?”.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi
(Bệnh viện Bạch Mai)
|
Dị ứng vì dùng thuốc không rõ nguồn gốc, không theo đơn kê của bác sĩ là điều không hiếm gặp và hội chứng Stevens Johnson chỉ là một trong những triệu chứng người dùng thuốc có thể gặp phải.
Trước đó, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) đã điều trị cho bệnh nhân P.T.B (Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng cơ thể đỏ rực như tôm luộc, toàn thân phù, bí tiểu. Chị B đã chạy thận 10 ngày ở một bệnh viện khác mà không đỡ. Chị cho biết, 2 năm trước, sức khỏe của chị giảm sút, hay cáu giận, chuyện chăn gối khó khăn vì “khô hạn”. Qua lời mách của bạn bè, chị mua và sử dụng một bài thuốc được quảng cáo là bồi bổ khí huyết, giúp da căng mịn và quan trọng là giải quyết tình trạng “khô hạn”, giúp chị có đời sống vợ chồng hạnh phúc.
Sau một thời gian sử dụng, chị B thấy mình ngủ ngon, ăn khỏe, da dẻ căng mọng. Nhưng sau đó, chị lại thấy cơ thể nặng nề, kém ăn, chân tay phù nề, tiểu ít. Khi đi khám, chị bị chẩn đoán suy thận do hội chứng thận hư (Lupus ban đỏ). Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân có thể do cơ thể chị đã sẵn có các bệnh mãn tính, thận lại bị tổn thương nhẹ sau khi sử dụng đông dược không rõ nguồn gốc khiến thận suy kiệt hơn.
Bác sĩ Bùi Văn Khánh (Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng) cho biết, khi dùng bất cứ loại thuốc nào, dù đông dược hay tây dược, thậm chí với cả những loại thuốc vitamin, thực phẩm chức năng, mọi người đều phải được khám và tư vấn. Vì các vitamin dư thừa có thể gây bất lợi cho cơ thể. Những người mắc bệnh mãn tính như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tim mạch, gan, thận, nếu được bồi bổ quá nhiều sẽ càng khiến bệnh nặng hơn. Ngoài ra, việc bổ sung nội tiết tố bừa bãi còn có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung nếu phụ nữ đã từng có u sợi tuyến vú, nhân xơ tử cung...
Thuốc đông y được nhiều người cho là lành tính, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng cũng thường xuyên gặp các ca dị ứng vì uống thuốc đông y. Bác sĩ Phạm Huy Thông - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, tình trạng dị ứng thuốc đông y rất đa dạng. Có người nổi ban, ngứa ngáy, có người nhiễm độc da, gây phồng rộp, lở loét toàn thân, hoại tử toàn bộ thượng bì da ở lưng, không nằm được. Có người lại loét miệng không ăn được, người thì bị viêm dị ứng kết mạc, ảnh hưởng đến thị lực. Việc điều trị cho các ca dị ứng thuốc cũng tốn thời gian, chi phí lớn.
Không nên sử dụng lại đơn thuốc cũ
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, phụ huynh không nên tự ý sử dụng thuốc cho con em mình, cũng không nên sử dụng lại đơn thuốc cũ để điều trị cho con. “Cùng là viêm họng nhưng mỗi trẻ có triệu chứng, mức độ khác nhau. Hoặc tại mỗi thời điểm, bệnh viêm họng của trẻ cũng khác nhau. Khi khám, bác sĩ phải khám lâm sàng, nghe tim phổi, soi họng, xem biểu hiện bệnh của trẻ, hỏi về tình trạng bệnh và loại thuốc từng dùng mới có thể kê đơn thuốc phù hợp. Nếu cha mẹ tự ý dùng thuốc cho con có thể sẽ làm bệnh của trẻ không những không khỏi, mà còn nặng hơn hay bị kháng kháng sinh, thậm chí bị dị ứng thuốc, có thể nguy hiểm đến tính mạng trẻ dù bệnh con mắc chỉ là viêm họng, sốt, ho” - PGS Dũng cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.