Từ hai bàn tay trắng…
Vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó, tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Văn Sơn đã lớn lên trong cái đói nghèo bủa vây, với biết bao thăng trầm, bão táp. Nhấp ngụp chè mặn chát, ông Sơn trải lòng mình với PV.
Nơi chôn nhau cắt rốn, mảnh đất thành cổ Sơn Tây, vốn không được thiên nhiên ưu đãi, con người tuy hiền lành, chịu thương chịu khó, tằn tiện, chăm chỉ làm ăn nhưng cái đói, cái nghèo vẫn là nỗi ám ảnh dai dẳng đối với con người nơi đây.
Khi bước vào tuổi đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất của một đời người, chàng trai Nguyễn Văn Sơn đã lên đường nhập ngũ. Tới năm 1984, ông xuất ngũ, rồi chuyển sang làm xây dựng. Tuy vậy, cuộc sống vẫn không thể thoát nghèo. Không bằng lòng với cuộc sống thực tại, bao đêm ông Sơn trăn trở, tìm lời giải cho bài toán thoát nghèo.
|
Ông Sơn bên cây sanh cổ từng được trả giá 5-6 tỷ đồng. |
Nhìn mảnh vườn hơn 1.000 m2 do ông cha để lại bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, đã khiến tim ông Sơn đau nhói. Tình cờ một lần nghe đài phát thanh, phát chương trình giới thiệu về mô hình trồng hoa đạt hiệu quả năng suất cao, ý tưởng biến mảnh đất cha ông để lại thành vườn trồng hoa đã lóe lên trong đầu người nông dân ấy.
Nghĩ là làm, ông Sơn đã tìm đọc đủ loại sách, báo dạy trồng và chăm sóc hoa, rồi lặn lội đi khắp nơi có mô hình trồng hoa đạt năng suất cao để học hỏi kinh nghiệm. Khi kiến thức đã có, bài toán về kinh tế lại trở thành một rào cản lớn trên con đường thoát nghèo của ông.
"Có những thời điểm tôi thực sự cảm thấy bế tắc đến cùng cực, đã từng có ý định buông xuôi tất cả, nhưng rồi vợ cùng những người thân trong gia đình đã luôn đứng bên cạnh động viên tôi cố gắng hơn", ông Sơn trải lòng, đôi mắt bỗng đỏ hoe vì xúc động.
Với niềm tin rằng mình nhất định sẽ làm giàu được trên chính mảnh đất quê hương, ông Sơn đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư mua các giống hoa quý. Với tư duy đi trước đón đầu, cùng những kinh nghiệm quý báu mà ông đã học hỏi được từ sách báo, cùng kinh nghiệm thực tế, những trái ngọt đầu tiên đã đến với lão nông này.
Ngay mùa hoa đầu tiên, đã bội thu. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài" vợ chồng ông Sơn càng chăm chỉ làm ăn, quy mô trồng hoa ngày càng được mở rộng, kinh tế cũng ngày càng khấm khá lên trong sự thán phục của mọi người. Ngày đó, gia đình ông Sơn chính là đầu mối lớn nhất của các lái buôn hoa, trước khi phân phối đi khắp các vùng.
Có thể nói, ông Sơn chính là một trong những người đi tiên phong trong việc xây dựng mô hình trồng hoa ở mảnh đất Sơn Tây. Sau những thành công bước đầu, ông Sơn đã truyền lại kinh nghiệm của mình cho những người dân ở đây, nhiều gia đình đã học tập và tạo nên những trang trại trồng hoa quy mô lớn. Đời sống của người dân dần được nâng cao.
Trở thành tỷ phú
Theo đuổi nghề trồng hoa được 3 năm, tới năm 1992, với tư duy của một người có óc kinh doanh nhạy bén, ông Sơn nghĩ rằng: Hiện tại, các trang trại trồng hoa mọc lên ngày càng nhiều và ở khắp các nơi, nên nếu vẫn đi theo nghề này thì mãi sẽ đi theo một lối mòn quen thuộc.
Thời điểm đó, qua tìm hiểu, ông Sơn được biết, trào lưu trồng cây cảnh đang thịnh hành ở một số nơi và lợi nhuận kinh tế thu về từ hình thức kinh doanh này cũng rất lớn và tiềm năng. Với nguồn vốn kha khá tích cóp được từ việc kinh doanh hoa trước đó, ông Sơn đã mạnh dạn chuyển hẳn sang đầu tư trồng và kinh doanh cây cảnh.
Thời điểm này, tại thị xã Sơn Tây cũng manh nha thành lập Hội sinh vật cảnh, nắm bắt cơ hội đó ông Sơn đã tham gia để học hỏi kinh nghiệm, với bản tính cần cù, ham học hỏi và có chút năng khiếu về cây cỏ, nên tình yêu đối với cây cảnh bắt đầu ngấm vào máu thịt của lão nông này. Càng học, niềm đam mê ấy càng lớn dần trong huyết quản ông Sơn, thậm chí có những hôm do quá đam mê đọc và nghiên cứu những thế và dáng cây cảnh, lão nông ấy đã quên ăn, quên ngủ.
Tâm sự về cái nghiệp trồng cây cảnh hơn 20 năm ròng rã của mình, giọng ông Sơn bỗng trầm xuống. 20 năm, với biết bao thăng trầm, biết bao lần thất bại, trắng tay, nhưng người đàn ông ấy vẫn kiên trì với mục đích của mình. Nhìn về phía sân cây cảnh, do chính bàn tay ông chăm sóc, nuôi dưỡng, ông Sơn tâm sự: Giai đoạn khó khăn nhất là giai đoạn đầu, khi mới chập chững vào nghề, khi kinh nghiệm chưa có nhiều, nguồn vốn cũng có hạn.
Có những thời điểm, do khủng hoảng kinh tế, thị trường cây cảnh bị đóng băng, cây không thể bán, ông Sơn như ngồi trên đống lửa. "Những thời điểm như vậy, thì tính kiên nhẫn là yếu tố quan trọng nhất các chú à! Trồng cây cảnh cũng giống như chơi cờ, phải lúc tiến lúc lui, không được nóng vội, hấp tấp, phải suy xét để có thể đưa ra những nước đi đúng đắn và sáng suốt", ông Sơn tâm sự.
Bật mí một số kinh nghiệm trong việc trồng và kinh doanh cây cảnh, ông Sơn cho biết: Không phải chứ có nhiều vốn, mới mua được những cây cảnh quý. Cái quan trọng là ở độ nhạy bén trong cách nhìn cây của mình.
Chỉ cần có cái nhìn nhạy bén, cùng sự tinh tế, chỉ với một số vốn ít, người chơi cây cảnh có tầm có thể mua một cây cảnh ở dạng thô, mà người bình thường nhìn cảm tưởng không có nhiều giá trị, nhưng sau khi mua về, bằng bàn tay tài hoa và con mắt thẩm mỹ tinh tế của người có nghề, họ sẽ biết cách tạo những cục thô ấy thành "thỏi vàng mười".
Cách đây khoảng vài năm, trong một lần đi thăm thú, ông phát hiện một gia đình cũng trồng cây cảnh nghiệp dư để bán, trong số đó có một cây đa trông bề ngoài rất bình thường, nhưng ông Sơn đã nhìn thấy những tiềm năng bên trong đó nên đã thuyết phục gia đình kia bán lại cho mình với giá 10 triệu đồng.
Sau khi mua về, bằng kinh nghiệm và con mắt của một người lăn lộn với cây cảnh lâu năm, ông Sơn đã cẩn thận, tỉ mỉ, nghiên cứu thật kĩ và tạo ra cho cây đa dáng quý đó là: Long đàn phượng vũ (có nghĩa là chim phượng hoàng múa trên bụng rồng). Sau đó đã có người trả giá chậu cây này tới 200 triệu đồng.
Hiện tại trong khuôn viên của gia đình ông Sơn có trên dưới 100 cây cảnh với rất nhiều loại cây quý như: Xanh, Đa, Lộc Vừng, Si…v.v. Ước tính giá trị của vườn cây cảnh này lên tới gần trăm tỷ đồng. Trong số đó có cây Xanh cổ, vừa có người tới trả giá ông Sơn 5 tỷ đồng, nhưng ông không bán, một phần vì tiếc và nặng lòng với cây này, vì nó chính là minh chứng, chứng kiến biến bao thăng trầm trong cuộc đời làm cây cảnh của ông.
Cây cảnh cũng có giá trị giáo dục…
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Sơn còn nhắc tới một tác dụng của việc trồng và chơi cây cảnh nữa đó là ý nghĩa giáo dục đạo đức con người. Thấy chúng tôi hơi thắc mắc, thì ông cười sảng khoái rồi giải thích căn kẽ.
Chức năng giáo dục của cây cảnh là nằm ở các thế của nó ví dụ như thế: Phụ tử giao chi (nghĩa là: tựa như thế phụ tử, phần nhánh của hai cha con có thêm phần quấn quýt ôm lấy nhau, mặc dù cha con, nhưng yêu thương trìu mến như tình mẹ con); Thế song thụ (Hai cây trồng chung một chậu tựa như hai huynh đệ); hay một thế khác đó là thế phụ tử (nghĩa là: Thế này cũng y như thế mẫu tử, nhưng cây to tượng trưng cho người cha phải to cao và đứng thẳng hơn cây mẫu, tạo vóc dáng của người cha ít dịu dàng hơn, cứng rắn hơn, nhưng không phải là không che chở cho con, thể hiện đúng tình cảm cha con, cây tử nhỏ hơn cây phụ nhiều, cũng ba tán quất quýt lấy cây phụ, lúc nào cũng nhờ sự bao bọc của người cha).
Tất nhiên chỉ những người đam mê cây cảnh mới có thể hiểu hết ý nghĩa thông qua cách tạo các thế cây. Nghề cây cảnh tuy có giá trị kinh tế cao, nhưng không phải ai cũng có thể theo được. Ông Sơn lý giải, để có thể sống chết với nghề, người trồng và chơi cây trước hết phải có cái tâm, yêu nghề và một yếu tố quan trọng nữa là có tài chính ổn định. Những người chơi và trồng cây cảnh có tầm, thường có vốn kiến thức khá sâu rộng, trên nhiều lĩnh vực: nghệ thuật, kiến trúc...
Theo Pháp luật & Xã hội
Vui lòng nhập nội dung bình luận.