Đưa nông dân đến công nghệ cao

Thứ sáu, ngày 30/05/2014 06:44 AM (GMT+7)
Ngay sau khi kết thúc loạt bài Chuyện những nông dân “cổ cồn”, ngày 29.5, Báo NTNNđã nhận được phản hồi từ ông Nguyễn Văn Phụng (ảnh) - ĐB Quốc hội, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM.
Bình luận 0
Ông nói: “Bây giờ ở TP.HCM đã có nhiều người nông dân đi làm bằng xe ô tô, cho thấy đây là một triển vọng rất tốt, tương lai sẽ tạo ra nhiều nông dân điển hình”.

Ông Nguyễn Văn Phụng - ĐB Quốc hội, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Phụng - ĐB Quốc hội, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM.

Ông Phụng cho biết: Ở TP. HCM, do quá trình đô thị hóa, hàng năm thành phố giảm trên dưới 1.000ha đất nông nghiệp, vì vậy bình quân diện tích đất trên đầu người thấp. Ở vào vị trí đó, người nông dân TP.HCM không thể sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống như các tỉnh, thành khác. Nếu làm vậy, thì năng suất không có, thu nhập đủ sống. Chính vì thế, TP.HCM đã có hướng đi mới là chuyển đổi mô hình cơ cấu cây trồng vật nuôi với diện tích chiếm ít nhưng năng suất, hiệu quả cao hơn.

Có thể thấy, ở TP.HCM đã có khá nhiều người chỉ sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nhỏ, song lại thu lợi lớn. Ông có thể cho biết thành phố đã có cách làm như thế nào để khuyến khích được điều này?

- Muốn làm như vậy, thành phố đã có nhiều quyết định, chủ trương để giúp thực hiện quá trình đó, cụ thể như bây giờ là Quyết định 13 hỗ trợ cho người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng của địa phương. Thành phố đã chọn mô hình 2 cây- 2 con, tức cây kiểng, cây rau và con bò sữa, con tôm. Hiện hoa kiểng đã phát triển diện tích lên hàng trăm ha.

Trồng lan là một trong các mô hình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp giúp nông dân TP.HCM  nâng thu nhập lên cả tỷ đồng/ha/năm.
Trồng lan là một trong các mô hình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp giúp nông dân TP.HCM nâng thu nhập lên cả tỷ đồng/ha/năm.

Cũng phải khẳng định, người nông dân ở TP.HCM rất nhanh nhẹn chuyển đổi, đã có nhiều nông dân tự bỏ tiền túi đi ra nước ngoài để nghiên cứu mô hình, tiếp cận những giống cây, giống con mà TP.HCM có thể phát triển được. Từ đó, Hội Nông dân đã làm đề án đưa nông dân đi nghiên cứu, học tập mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ở nước ngoài và thực hiện từ năm 2006.

Trong thời gian đó, chúng tôi đã đưa được nhiều nông dân đi Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục đưa đi Hàn Quốc, Philippines… Qua những chuyến đi, họ mới thấy cách làm của mình còn nhỏ bé để mở rộng. Hồi mới đưa nông dân đi, người trồng diện tích lan lớn nhất ở đây mới có 8.000m2, nhưng đến bây giờ đã có những cơ sở trồng 4-5ha là chuyện bình thường.

Đúng như ông nói, nông dân rất nhanh nhạy trong việc làm giàu và chuyển đổi. Vậy qua các mô hình mà TP.HCM đã triển khai, theo ông ngoài tự thân người nông dân vận động, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ như thế nào?

- Yếu tố quan trọng nhất là Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất vay. Chẳng hạn, nông dân mua giống gì, mà phải trả lãi suất vay để mua hết 100 đồng, thì Nhà nước sẽ hỗ trợ 50- 60 đồng, còn lại nông dân phải bỏ ra 40-50 đồng. Toàn bộ tiền để hỗ trợ người nông dân sẽ được lấy ra từ ngân sách thành phố.

Tương tự, đối với việc người nông dân vay vốn mua sắm thiết bị máy móc, cải tạo đồng ruộng (đầu tư xây dựng cơ bản)… thì Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất. Người nông dân phải đầu tư mua sắm máy móc đề phục vụ sản xuất theo tiêu chí cụ thể thì mới được hỗ trợ 100% lãi suất, nông dân không được tùy tiện vay vốn theo nhu cầu của mình…

Theo cách nói ví von, ở TP. HCM ngày càng có nhiều nông dân sơ vin mặc áo “cổ cồn”, tức làm nông nhưng không phải chân lấm tay bùn. Theo ông, hình dung về tương lai liệu chúng ta sẽ còn có thêm nhiều những nông dân như thế?

- Bây giờ trong TP.HCM đã có nhiều người nông dân đi làm bằng xe ô tô, cho thấy đây là một triển vọng rất tốt. Muốn có nhiều nông dân như thế, chúng ta phải đưa họ đến các khu nông nghiệp công nghệ cao để họ được tiếp cận, nghiên cứu và học tập. Từ đó, mình sẽ chuyển giao những tiến bộ khoa học công nghệ cho nông dân, để họ áp dụng vào sản xuất.

Một số nước thường xây dựng các “nông dân điển hình”, từ đó các nông dân này sẽ tác động vào những “nông hộ nhỏ”, ban đầu là 1 người, sau tác động đến 10 người, 10 người lại tác động đến cho 100 người… Liệu chúng ta có thể áp dụng cách làm này để tạo thêm nhiều nông dân điển hình hơn?

"Từ chỗ lợi nhuận canh tác chỉ có trên 70 triệu đồng/ha, đến nay đã đạt trên 282 triệu đồng/ha. Như thế chúng ta đã thấy có chiều hướng phát triển rất tốt. Ví như, trước chúng ta nuôi bò sữa, tôm nhưng dần thấy không hiệu quả, người dân bắt đầu chuyển sang nuôi cá, mạnh nhất là cá kiểng rất hiệu quả”.
Ông Nguyễn Văn Phụng

- Tôi cho rằng, đây là một ý tưởng tốt và cần áp dụng để tạo ra ngày càng nhiều nông dân điển hình. Như ở TP. HCM, đã có nhiều nông dân giỏi tiêu biểu có mô hình sản và tiêu thụ tốt, sau đó đã hỗ trợ cho những nông dân khác đang cần họ…

Đó là những việc làm tôi cho rất là hay. Bên cạnh đó, TP.HCM đã hình thành được hơn 60 hợp tác xã và có hàng nghìn tổ hợp tác xã để liên kết nông dân lại với nhau. Điều quan trọng nhất, theo tôi là phải làm sao để người nông dân thấy được việc tham gia này là có lợi thì họ mới làm.

Việc hình thành mô hình nông dân đô thị của TP.HCM có nhiều lợi thế vì thành phố có nguồn lực mạnh để hỗ trợ. Theo ông, các địa phương khác liệu có áp dụng được mô hình này?

- Bây giờ chúng ta phải xác định, nếu chính sách nào đưa ra khó thì phải có chế độ ưu tiên, khuyến khích làm sao phải để nông dân thấy vừa lòng thì họ mới tham gia. Đơn cử như để thu hút đầu tư thì phải có chính sách về thuế hay giải pháp như thế nào đó thì mới có thể thu hút được. Nếu để nông dân tự bơi thì rất khó, mà phải hỗ trợ thiết thực bằng chủ trương và chính sách chứ không phải chỉ hỗ trợ bằng tiền mặt.

Xin cảm ơn ông!

Lê Hân (thực hiện) (Lê Hân (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem