Gây dựng lòng tin

Nguyễn Quang A Thứ ba, ngày 16/09/2014 05:12 AM (GMT+7)
Thông tin bị bóp méo, không xác thực, lời nói không đi đôi với việc làm là hai nhân tố hủy hoại lòng tin khủng khiếp nhất. 
Bình luận 0

Xây dựng lòng tin là một trong không nhiều việc quan trọng nhất của Nhà nước. Một xã hội chỉ có thể phát triển lành mạnh trên cơ sở lòng tin. Điều mong muốn là người dân (với tư cách người tiêu dùng và người lao động) tin nhau, tin vào doanh nghiệp, tin vào các tổ chức xã hội dân sự, tin vào sự nghiêm minh của các cơ quan nhà nước và ngược lại. Lòng tin làm giảm chi phí giao dịch (đỡ phải xác minh), mở rộng và tạo cơ hội cho người ta làm ăn, kinh doanh (ngược lại thì chỉ làm ăn với người quen biết đáng tin cậy), làm giảm các vụ tranh chấp hoặc giúp giải quyết tranh chấp hiệu quả hơn. Nói cách khác lòng tin là một tài sản quý giá, một nhân tố quan trọng của sự phát triển đất nước, và phải thường xuyên được củng cố, nuôi dưỡng.

Ai có thể làm giảm và hủy hoại lòng tin? Tất cả các bên trong các mối quan hệ kinh tế-xã hội: Người dân, tổ chức (doanh nghiệp và cơ quan nhà nước). Tuy vậy, quan trọng nhất vẫn là các tổ chức có những mối quan hệ rộng, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của nhiều người như các tổ chức nhà nước, các tổ chức quần chúng, các cơ quan truyền thông, thông tin, các trường học lớn.

Ngày 3.9 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam là 1,84%. Ngay ở các nền kinh tế lành mạnh nhất cũng không thể tránh khỏi thất nghiệp (do ma sát vì người có kỹ năng không tìm được việc phù hợp với kỹ năng của mình) và mức thấp nhất như vậy người ta gọi là mức thất nghiệp bình thường (thường khoảng 5%). Mức 1,84% là rất thấp so với mức bình thường và quá thấp so với mức ở nhiều nước khác (từ 6% đến trên 10%) và chắc chắn là con số sai. Bị dư luận, thậm chí nhiều quan chức, cho là số giả mạo hay lạc quan tếu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải thích lòng vòng... Hoặc họ không biết làm thống kê, hoặc họ làm đẹp số liệu để thấy ta giỏi, hoặc vì bất cứ lý do gì khác, nhưng thông tin như vậy hủy hoại lòng tin.

Ngày 11.9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình bức cung, nhục hình trong công tác điều tra hình sự và thông tin cho thấy xu hướng dùng nhục hình đã tăng lên. Đó là thông tin theo hướng trung thực, nhưng thông tin được cung cấp vẫn làm cho người dân chưa tin vào sự đánh giá là sát thực tế. Người ta chỉ dựa vào số vụ án được thụ lý chống lại các cán bộ điều tra vì phạm tội dùng nhục hình (2011: 1 vụ; 2012: 4 vụ; 2013: 5 vụ) mà không đưa ra số các vụ bị tố cáo dùng nhục hình (hoặc số nghi can chết, bị thương tại trụ sở cơ quan công an hay nơi tạm giữ) mà việc đó có thể làm hết sức dễ dàng, nhưng có lẽ người ta không muốn công bố.

Còn có thể đưa ra hàng vạn thí dụ khác về thông tin không chính xác ở các quan chức nhà nước. Nếu như các quan chức và cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm được 50% quy định của Nhà nước thì nền kinh tế Việt Nam chắc đã phát triển nhanh và bền vững hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem