Ghé phiên Chợ Bưởi cuối năm

Thứ ba, ngày 05/02/2013 07:00 AM (GMT+7)
Chợ Bưởi là một điểm bán hoa, cây cảnh rất đặc biệt của người Hà Nội mỗi khi Tết đến, Xuân về. Càng những ngày giáp Tết, chợ Bưởi càng đông vui tấp nập với muôn vàn hoa khoe sắc… từ các nơi mang về bày bán.
Bình luận 0

Hàng tháng, chợ phiên Bưởi họp vào ngày các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch trên đoạn đường Hoàng Hoa Thám bắt đầu từ ngã ba chợ Bưởi. Nhưng từ sau rằm tháng 12 âm lịch chuẩn bị đón Tết, con đường này luôn luôn tấp nập người và hoa, sinh vật cảnh, thú nuôi…kéo dài đến cầu vượt Hoàng Hoa Thám mới hoàn thành.

Xưa kia, chợ Bưởi là nơi để dân vùng Tây Tựu, Cổ Nhuế, Xuân La, Xuân Đỉnh bán mặt hàng rau giống, hạt giống, công cụ nông nghiệp, dân vùng Nhật Tân, Quảng An, Quảng Bá mang đến các loại cây cảnh, hoa cảnh. Người Hà Nội xưa kia muốn mua bất cứ thứ gì mang tính dân dã, đến chợ Bưởi là sẽ tìm thấy. Ngày nay, chợ Bưởi đã xây dựng lại khang trang, hiện đại nhưng riêng phiên chợ vẫn được duy trì thành khu vực riêng kéo dài theo trục đường Hoàng Hoa Thám.

Chọn phong lan để làm đẹp cho nhà dịp Tết những năm gần đây là xu hướng được được nhiều khách hàng lựa chọn bởi phong lan là loài hoa nở lâu ngày và màu sắc đa dạng. Nhiều chủng hoại lan được ví như nữ hoàng của sắc đẹp vì dáng vẻ đài các, màu sắc sặc sỡ và ngào ngạt hương thơm.

Bác Hải, nhà trên đường Hoàng Hoa Thám là người yêu thích trồng hoa phong lan cho biết: “Tôi có thói quen đi chợ Bưởi đã gần chục năm, từ khi bắt đầu nuôi, trồng các giò phong lan trong nhà, tôi đã mua ở đây rất nhiều các loại phong lan về nuôi, gây giống. Ngoài các loại phong lan được các chủ vườn mang đến bán còn nhiều loại lan được lấy từ trên rừng về. Đây cũng là loại hoa khó trồng, phải am hiểu và biết cách chăm sóc mới có thể chơi được”.

img
Một số loài hoa phong lan: Van-đa lá xếp, địa lan rủ, lan hồ điệp, địa lan. Ảnh: Huy Anh

Số lượng và chủng loại hoa phong lan được bày bán tại đây rất đa dạng, từ lan van-đa lá xếp, địa lan, lan hồ điệp, lan hài, lan Cát-li-a, lan Orchidaceae… từ những loại lan có rễ chùm đang đơm hoa buông lơ lửng trên đầu, hương thơm thoang thoảng xung quanh đến những giò được trồng trong chậu hoặc gắn trên các giá thể thân gỗ. Nguồn cung cấp hoa đến từ các nhà vườn xung quanh ngoại thành Hà Nội như Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông… hoặc từ một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên.

Chị Thuỷ, chủ cửa hàng hoa phong lan Thuỷ Cam cho biết, tại cửa hàng chỉ bày bán hơn chục loại phong lan, còn nếu khách hàng có nhu cầu có thể xuống nhà vườn của chị tại Văn Giang, Hưng Yên. Ở đây số lượng đa dạng từ các giống từ lan rừng, lan cấy môi và cung cấp luôn các thiết bị vật tư phục vụ trồng lan cho khách hàng có nhu cầu.

Chỉ vào dãy hoa lan có chùm dài, chị giới thiệu đây là loại lan Van-đa lá xếp, hoa thường có màu đỏ và tím, giá khoảng 400 - 500 nghìn đồng, loại lan Thiên nga giá một giò từ 500 - 800 nghìn đồng. Lan Cát-li-a thường trồng theo các giò nhỏ, từ 1 - 3 cây, mỗi một giò lan giá cả tuỳ theo loại màu mà khách hàng ưa thích, từ vàng, vàng chanh, đỏ, tím kẻ, trắng, tím, trắng hoa... Giá một giò lan Cát-li-a đẹp thường từ 250 đến 400 nghìn đồng.

Các chậu địa lan ngồng cao, hoa to thường nhập từ Trung Quốc, Mộc Châu, Sa pa, Đà Lạt... Đây là loại lan có nhiều màu sắc khác nhau, đắt nhất là màu xanh ngọc, vàng tươi, giá mỗi cành hoa khoảng 300 nghìn đồng, các chậu 5 cành, 10 cành giá cứ thế nhân lên...

Lan hồ điệp cũng là một loại bán chạy của các cửa hàng do màu sắc rất đa dạng, từ tím, tím kẻ, vàng chanh, vàng hoàng hậu, đỏ, hồng... Một cây hồ điệp đẹp, ngồng to giá từ 200 - 250 nghìn đồng. Thường người ta ghép nhiều giò lan hồ điệp vào một chậu, từ 5 cây trở lên giá khoảng 1 -1,5 triệu đồng. Có những bụi lên đến trên 10 triệu tuỳ loại màu sắc và số lượng cây, cá biệt có chậu lên đến 50 triệu đồng.

Đa dạng sắc hoa Điểm đặc biệt của chợ Bưởi những ngày giáp Tết là số lượng người bán hàng rong hoặc từ các nơi khác vượt gấp nhiều lần số cửa hàng cố định. Bất cứ chỗ nào trống từ bãi đất, vỉa hè là có hoa, có cây. Đây cũng là điểm thú vị, tồn tại như một nét văn hóa riêng của Thăng Long - Hà Nội.

Anh Xuân, một người buôn cây cảnh ở chợ, cho biết: “Những ngày giáp Tết phải đến sớm lấy chỗ, không thì sẽ có người khác chen vào. Có người đến muộn, không có đất để ngồi bán, đành phải chạy rong hoặc tìm tạm vỉa hè xa hơn để bán. Nhiều người thời gian này sẽ ăn, ngủ ngay tại chỗ bán để giữ được chỗ tốt”.

img
Một số loài hoa, cây cảnh: Thược dược, phật thủ, cây nắp ấm, cúc vàng và hoa trà. Ảnh: Huy Anh

Đến chợ cuối năm, số lượng các mặt hàng cây, hoa giống đã tăng lên gấp hàng chục lần so với ngày thường với đủ chủng loại như cúc bồn các màu, thuỷ tiên, trạng nguyên, đỗ quyên hải đường, hồng, huệ, nhài, tường vi, cẩm tú cầu, phật thủ, sen đá, sen cạn, mai trắng, mai vàng, đào, quất... hàng trăm loại khác nhau, mỗi cây, mỗi hoa một vẻ.

Năm nay, ngoài các loại hoa vẫn được người dân ưa chuộng chơi trong dịp Tết nói trên thì còn có sự xuất hiện trở lại của một số loại hoa truyền thống như thược dược, vi-ô-lét, cánh bướm, đồng tiền... với giá cả phải chăng. Một bụi thược dược giá trên dưới 100 nghìn, vi-ô lét và cánh bướm giá thấp hơn đôi chút. Bên cạnh các loài hoa, cây cảnh cũng là một thế mạnh của chợ Bưởi, từ sung uốn thế cổ thụ, cây sung đẹp có giá đến vài triệu đến cây la hán, cây sâm cảnh, cây đuôi công, cây kim tiền trồng thành bụi, chậu, các loại trúc cảnh…

Khách đến chợ những ngày này cũng đã đông hơn trước. Đi chợ Bưởi cuối năm, có người mua hoa chơi Tết, có người ngắm cây cảnh, người mua giống cây, giống hoa, nhưng cũng có người đến chợ đơn giản chỉ là một thú vui trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Theo chinhphu
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem