Ghè Yang của người Tây Nguyên

Thứ năm, ngày 06/10/2011 07:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với người Tây Nguyên, sự giàu có và quyền uy của mỗi gia đình, dòng họ không phải là nhà to, trâu bò lắm mà ở hai thứ gia bảo: Chiêng và ghè.
Bình luận 0

Người Tây Nguyên có nhiều loại ghè nhưng quý nhất là ba loại theo thứ tự: ghè Tuk, ghè Tang, ghè Lem. Ghè Tuk trị giá trên 30 con trâu; ghè Tang 25 trâu, ghè Lem khoảng 10 trâu. Ba thứ này được liệt vào loại "ghè Yang". Mỗi loại đi cặp với nhau gồm một chiếc đực, một chiếc cái.

img
Một đôi ghè Yang hiếm hoi còn lại ở xã Ia Mlah - Gia Lai.

Các loại ghè Yang được chế tác bởi một trình độ kỹ thuật làm gốm rất cao - đặc biệt là Tuk. Men thường có màu trắng ngà hay da lươn, không bóng lắm. Hình thức nhìn chung đơn giản nhưng chất gốm thì thật đặc biệt: Khẽ búng vào thành miệng, âm thanh đã phát ra trong veo như gõ vào kim khí…

Đồng bào quả quyết rằng nếu trong làng có việc buồn hay vui dẫu cách rất xa, ghé tai vào miệng ghè vẫn nghe rõ tiếng cười, tiếng khóc…

Ghè của người Tây Nguyên có lẽ do người Chăm chế tác nhưng kỹ thuật đó nay đã thất truyền. Những chiếc ghè được phong "Yang" là một nguồn tài sản lớn và dĩ nhiên chỉ những gia đình giàu có mới sắm nổi. Đồng bào Tây Nguyên quan niệm người giàu có là người được Yang ban cho "vía cứng" - và chỉ họ mới giữ nổi được "hồn" của ghè.

Cũng theo phong tục, mỗi khi trong nhà có một thành viên qua đời, tài sản chung sẽ được bỏ mả một phần cho họ, riêng ghè Yang là đứng ngoài cuộc chia này. Ghè Yang chỉ thuộc về người giữ nhà - tức người nuôi cha mẹ.

Theo luật thì đa số chúng thuộc về con gái út. Được kế thừa một món của lớn, nhưng nếu họ nghèo đi vì một lý do nào đó - như vậy cũng có nghĩa là "vía" của họ đã yếu đi. Trong trường hợp này ghè Yang phải đưa đi cất giấu cho đến khi nào của nả tương đương đời trước - "vía" cứng lại thì mới được làm lễ cúng đưa ghè về...

Ý nghĩa tâm linh của một chiếc ghè Yang xem ra lớn hơn nhiều ý nghĩa vật chất. Chính vì vậy người giữ ghè Yang luôn tuân thủ những luật lệ khá là phiền phức: Mỗi năm vào vụ lúa mới đều phải sửa lễ cúng ghè; cứ 2 năm lại cúng 1 heo. 4 năm cúng 1 bò, 20 năm cúng một trâu.

Ghè Yang chỉ được đựng rượu khi lễ cúng tối thiểu một con bò trở lên; không được mang dùng trong đám ma, bỏ mả… Trước lúc uống rượu, tất cả mọi người phải chắp tay lạy ghè…Nếu vì một sự không may nào đó làm ghè bị vỡ, gia chủ phải sửa lễ cúng ít nhất là một con dê...

Xưa kia ở Tây nguyên không ít làng có "ghè Yang". Nhưng rồi tai họa chiến tranh, dân buôn săn lùng ráo riết, "ghè Yang" nay chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay những gia đình còn giữ được...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem