Ghi chép sổ tay VietGAP: Khó mà dễ

Thứ tư, ngày 11/04/2012 07:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm 2011, Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh Cà Mau đã khởi động mô hình “Ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo hướng VietGAP” tại 2 huyện Trần Văn Thời (60ha) và Thới Bình (40ha).
Bình luận 0

Đây là một trong những nội dung quan trọng của quy trình sản xuất theo VietGAP, là cơ sở để truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Tuy nhiên, đặc thù của đa số nông dân vùng ĐBSCL là ham làm, nhưng để viết ra thì rất khó. Kiểm tra những sổ ghi chép có thể thấy nông dân còn bỏ ngỏ rất nhiều nên tỉnh tách ra làm thành một chuyên đề riêng.

img
Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa theo VietGAP tại thị trấn Trần Văn Thời.

Nông dân Phạm Xuân Tính (khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời) thật thà chia sẻ: “Sản xuất theo VietGAP thấy có hiệu quả thiệt, nhưng nếu kêu tui nói miệng thì tui nói được, chứ viết ra thì khó quá vì làm nông quen rồi, tay chân cứng cả, tính lại hay quên”.

Theo bà con, việc ghi chép sổ tay là khâu khó nhất trong tiến trình thực hiện theo VietGAP. Bởi sáng đi ra ruộng làm, tối về mệt lắm, lăn ra ngủ cho khỏe chứ ngồi ghi chép thật sự là điều rất nhọc nhằn. Do đó nó đòi hỏi sự kiên trì và trung thực của nông dân, không ai có thể thay thế được.

Mặc dù khó nhưng do thấy được hiệu quả kinh tế mà mô hình thật sự mang lại về sau nên nhiều người dân cũng cố gắng hết sức để tập cho quen dần. Bởi việc ghi chép sổ tay là dịp để nông dân nhìn nhận lại quá trình canh tác của mình, rút ra nhiều kinh nghiệm thực tiễn trên chính mảnh ruộng của mình. Nó còn giúp bà con giảm bớt gánh nặng, lo âu vì những nỗi lo “được mùa, rớt giá”, lại sản xuất ra những giống chất lượng, an toàn.

“Lúc đầu nhìn thì thấy khó nhưng để ý chút và làm riết thì giờ tui thấy lại dễ” – anh Võ Thất Sơn ở thị trấn Trần Văn Thời vui vẻ nói.

Ông Sử Văn Minh - Trưởng phòng NNPTNT huyện Trần Văn Thời nhấn mạnh: “Mô hình “Ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo hướng VietGAP” sẽ làm tiền đề cho công tác sản xuất lúa sạch, đáp ứng nhu cầu của thế giới. Hiện nhiều mô hình trình diễn đã tương đối thành công. Nhờ ghi chép mà bà con nông dân có thể tính được lợi nhuận thực sự của mình, có cái đối chiếu để mà điều chỉnh cho vụ sau đạt hiệu quả hơn. Một khi chất lượng đảm bảo, doanh nghiệp sẽ mua giá cao hơn so với bình thường, thu nhập của người dân cũng tăng lên”.

Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng về sự thay đổi nhận thức bước đầu của người dân trong việc áp dụng mô hình sản xuất mới. Ông Dương Quốc Mỹ - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh Cà Mau cho biết, trong năm nay tỉnh sẽ mở rộng thêm 400ha sản xuất lúa theo mô hình VietGAP ở các huyện khác trên địa bàn tỉnh để giúp người dân giảm bớt thiệt thòi về kinh tế và tăng thu nhập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem