Doanh nghiệp điều không nên cứ chế biến và xuất khẩu bằng mọi giá

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 27/02/2024 19:21 PM (GMT+7)
Giá điều nhân sẽ khó tăng đột biến nếu tổng cung điều thô vẫn quá lớn. Năm 2024 là thời điểm mà doanh nghiệp phải có sự thay đổi trong quyết định kinh doanh, không thể chế biến, xuất khẩu bằng mọi giá.
Bình luận 0

Đây là quan điểm được nhiều doanh nghiệp điều đồng tình tại phiên đối thoại điều nhân, tại Hội nghị điều quốc tế Việt Nam 2024 ngày 27/2.

Vòng lẩn quẩn khi giá điều nhân vẫn mất cân đối với giá điều thô

Theo ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn (TP.HCM), từ năm 2018 đến cuối năm 2023, giá điều nhân xuất khẩu giảm từ 9 USD/kg xuống còn 5,8 USD/kg.

Giá điều thô cũng giảm nhưng giảm chậm và vẫn neo ở mức cao hơn giá thành điều nhân chế biến.

Không ít doanh nghiệp mua lượng lớn điều thô từ đầu vụ để chế biến với giá 1.100-1.200USD/tấn. Nhưng khi xuất bán, giá điều nhân lại thấp hơn giá thành chế biến. Doanh nghiệp càng chế biến, xuất khẩu càng lỗ.

Năm 2023, giá điều nhân giảm sâu khiến doanh nghiệp càng chế biến, xuất khẩu càng lỗ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Năm 2023, giá điều nhân giảm sâu khiến doanh nghiệp càng chế biến, xuất khẩu càng lỗ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Có doanh nghiệp nhập khẩu điều thô đã ký hợp đồng từ trước, chấp nhận bỏ cọc để cắt lỗ. Lại có doanh nghiệp đã mua điều thô từ đầu vụ (giá cao) không thể không chế biến dù giá nhân điều bán ra thấp hơn giá thành, vì điều thô tồn kho để lâu chất lượng giảm.

Và khi đã chế biến điều nhân, doanh nghiệp buộc phải bán để trang trải chi phí, trả nợ ngân hàng cho khoản vay đã mua điều thô.

Nhà nhập khẩu, chiên rang lại không vội mua nếu không giảm giá. Cứ thế, đà giảm giá nhân điều tụt dần. Vòng lẩn quẩn đó tiếp tục trong mấy năm qua. Đến đầu năm 2024, nhiều nhà máy đã phải chấp nhận bán WW 320 với giá 2,3 USD/Lb.

Ông Trần Hữu Hậu – Phó Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp dù chưa cân bằng với giá điều nhân xuất bán vẫn tiếp tục mua dự trữ điều thô.

Nguyên nhân do tâm lý đánh giá điều thô đầu vụ có chất lượng tốt, bán giá cao, dẫn đến tranh nhau mua.

Còn nếu mua điều thô vào giữa hoặc cuối vụ thì chất lượng sẽ thấp, chưa kể lượng điều thô sẽ cạn nên giá tăng, việc kinh doanh sẽ kém hiệu quả.

Điều thô nhập khẩu từ Campuchia về bãi tập kết của một doanh nghiệp điều tại Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Điều thô nhập khẩu từ Campuchia về bãi tập kết của một doanh nghiệp điều tại Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thực tế hiện nay lại trái ngược với suy nghĩ này vì nguồn điều thô luôn dồi dào. Diện tích vùng trồng điều ở châu Phi và các nước tăng nhanh, làm sản lượng tăng mạnh.

Chỉ riêng Bờ Biển Ngà, nước có diện tích và sản lượng điều thô dẫn đầu thế giới, từ 680.000 tấn/năm, đến nay 1,25 triệu tấn/năm; Campuchia từ 200.000 tấn/năm, lên 650.000 tấn/năm.

Bài học từ các cây công nghiệp khác cho thấy, tăng trưởng nóng dẫn đến sự mất cân đối cung cầu. Và khi xuất hiện thêm những bất ổn thì sự chênh vênh trong toàn chuỗi cung ứng càng rõ nét.

Giảm sức ép cho giá điều nhân

Ông Tạ Quang Huyên - Giám đốc Công ty CP Hoàng Sơn 1 (Bình Phước) kể, giá điều nhân giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. Đây là hệ quả của nguồn cung điều thô quá lớn.

Theo ông Huyên, giá điều nhân chỉ ngừng giảm khi áp lực từ điều thô ngừng tăng. Bởi vì thực tế, tiêu thụ điều nhân toàn cầu vẫn tăng, ngoại trừ một vài thời điểm giảm mang tính cục bộ. Bằng chứng năm 2023, cả ngành điều Việt Nam xuất khẩu tăng 24%.

Chế biến điều nhân tại nhà máy của Công ty CP Hoàng Sơn 1 (Bình Phước). Ảnh: T.L

Chế biến điều nhân tại nhà máy của Công ty CP Hoàng Sơn 1 (Bình Phước). Ảnh: T.L

Năm 2024 có phải là điểm cuối của chu kỳ giảm sâu giá nhân hay chưa, nhiều doanh nghiệp chưa thể biết. "Nhưng chắc chắn, tổng cung còn lớn thì giá nhân khó tăng đột biến", ông Huyên nói.

Ông Phùng Văn Sâm - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hanfimex Việt Nam cho biết, năm 2022, 2023 rất nhiều doanh nghiệp dù đã cắt giảm chi phí nhưng vẫn không tránh khỏi thực trạng giá nhân thấp hơn giá nguyên liệu.

Tuy nhiên, thị trường điều năm 2024 so với 2023 sẽ "dễ thở" hơn. Song, doanh nghiệp cần đủ tỉnh táo, chọn đúng "điểm rơi".

"Nghĩa là mua đúng nguyên liệu đúng thời điểm; không nên bán điều nhân bằng bất cứ giá nào, và cũng không nên bán hợp đồng giao xa khi giá thô chưa cân đối giá nhân", ông Sâm khuyến cáo.

Theo Vinacas, sản lượng điều thô toàn cầu năm 2023 đã vượt mốc 5 triệu tấn. Dự báo, năm 2024 lượng điều thô vẫn tăng 10-15%. Công suất chế biến trong nước có thể đáp ứng nhưng mức tiêu dùng nhân điều khó có khả năng hấp thụ hết.

Vinacas khuyến nghị sẽ tốt hơn nếu doanh nghiệp giảm bớt hoặc chậm mua điều thô để giảm bớt áp lực lên giá điều nhân. Ảnh: Nguyên Vỹ

Vinacas khuyến nghị sẽ tốt hơn nếu doanh nghiệp giảm bớt hoặc chậm mua điều thô để giảm bớt áp lực lên giá điều nhân. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Minh Họa – Phó Chủ tịch Vinacas, cho biết lượng nhân điều Việt Nam xuất khẩu năm 2023 hơn 645.316 tấn, nhưng kim ngạch mang về chỉ hơn 3,58 tỷ USD.

Trong khi năm 2021 kim ngạch đạt gần 3,75 tỷ USD dù lượng nhân điều xuất khẩu chỉ có 609.260 tấn. Điều này chứng tỏ năm qua doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.

Theo ông Họa, đã đến lúc doanh nghệp không thể chế biến, xuất khẩu bằng mọi giá. Muốn vậy, từng doanh nghiệp phải có sự thay đổi tư duy và hành động khi kinh doanh.

"Sẽ tốt hơn nếu doanh nghiệp giảm bớt hoặc chậm mua điều thô. Nhờ vậy, lượng nhân điều ra thị trường sẽ ổn định, trước mắt là ngăn đà giảm giá", ông Họa chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem