Gia đình yên ổn, gánh nặng xã hội giảm

Thứ ba, ngày 28/06/2011 14:26 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Những yếu tố truyền thống và ổn định trong các nếp nhà ở nông thôn đang bị tốc độ đô thị hóa xâm lấn, phá vỡ”. TS Hoàng Bá Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số và công tác xã hội, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, cho biết như vậy.
Bình luận 0

Theo TS Hoàng Bá Thịnh, gia đình là một bộ giảm xóc khổng lồ để “cứu” mỗi cá nhân khỏi những căng thẳng mệt mỏi khi đua tranh ngoài xã hội, khiến con người chùng xuống và tích lũy năng lượng. Nếu bộ giảm xóc này bị hỏng hóc, rệu rã, đương nhiên, những cá nhân cũng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, hiện nay, nhịp điệu cuộc sống gia đình nông thôn đang tăng tốc. Trẻ trưởng thành nhanh hơn, rời xa gia đình sớm hơn, chính vì thế, có nhiều yếu tố mới đã xâm lấn mô hình gia đình truyền thống: Hôn nhân thử nghiệm, quan hệ tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân, ly thân, ly hôn, gia đình khuyết thiếu (cha hoặc mẹ), gia đình khuyết thiếu thế hệ (ông bà nuôi cháu)…

img

Ở nông thôn đang ngày càng có nhiều “nàng Tô Thị” mới, lao động quần quật, vò võ chờ chồng... (Ảnh minh họa).

Điều gì khiến các gia đình yên tĩnh nơi làng quê lại bị xáo trộn dữ dội như vậy, thưa ông?

- Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp nhờ các phương tiện truyền thông và giao thông. Người nông dân không tự hài lòng với cuộc sống tự cung tự cấp, chồng cày vợ cấy mà hướng giấc mơ ra bên ngoài lũy tre làng.

img Trong cuộc sống hiện nay, mọi người đổ xô đi kiếm tiền để mong cho gia đình mình được no ấm, hạnh phúc, vui vẻ. Nhưng khi thời gian không còn cho việc chăm sóc tình yêu, gia đình thì tiền vào cửa trước, hạnh phúc sẽ đi ra cửa sau. img

Những cuộc di cư ồ ạt ra thành phố kiếm việc làm, thậm chí ra cả nước ngoài đã đặt gia đình nông thôn vào những thách thức mới. Xuất hiện những “nàng Tô Thị” mới, quần quật lao động, vò võ chờ chồng đi làm ăn nơi xa với những nỗi niềm canh cánh không nguôi là chồng phản bội, nhiễm bệnh tật, mắc tệ nạn xã hội...

Nếu hai vợ chồng đều đi làm xa thì vai trò trông nom, dạy dỗ con trẻ đặt lên vai người già. Nguy cơ về an toàn, về tổn thương sức khỏe, tâm thần của trẻ là không thể tránh khỏi. Đồng thời, những cá nhân rời xa gia đình – xa bộ giảm xóc, cũng sẽ mắc nhiều bệnh tật, mệt mỏi, có thể còn bị hành hạ, đánh đập và có thể đứng trước khả năng gia đình rạn vỡ khi trở về.

Đó có vẻ như là một bức tranh u ám về gia đình nông thôn trong tương lai?

- Tôi cho rằng phải nhìn thẳng vào những tiêu cực để thấy được tác động kinh khủng của nền kinh tế thị trường, chứ không phải phủ nhận giá trị gia đình. Khi xã hội biến động, đặt con người vào nhiều biến cố như thiên tai, tai nạn, bệnh tật, thua lỗ, thất nghiệp… thì vai trò của gia đình càng được phát huy.

Ví dụ như sau trận động đất và sóng thần khủng khiếp hồi tháng 3, người dân Nhật Bản đua nhau cưới… Khủng hoảng khiến người ta nhận ra một điều, cần phải có một người yêu thương để dựa vào nhau, chia sẻ khó khăn và nâng đỡ nhau, tìm kiếm sự an toàn, ổn định… Một gia đình yên ổn sẽ giảm nhiều gánh nặng cho xã hội.

Vậy theo ông, làm thế nào để giữ gìn những giá trị trong gia đình nông thôn?

- Làm gì cũng cần có kiến thức, kỹ năng, việc giữ gìn, xây dựng hạnh phúc gia đình cũng vậy. Những người di cư lên thành phố với mục tiêu muốn cho con cái sung sướng, gia đình giàu có hơn, cần hiểu rõ nguy cơ nếu không dành thời gian và sự chăm sóc thích đáng cho con cái, cho vợ (chồng) thì lúc quay trở về, có tiền nhưng không chắc còn gia đình. Đồng thời, họ cũng cần được hướng dẫn kỹ năng để tự bảo vệ mình khỏi tệ nạn, bệnh tật…

Về phía Nhà nước thì cần có những chính sách đối với người dân di cư. Còn khi có kế hoạch đô thị hóa, Nhà nước cần có chính sách “ép” người dân học nghề để chuyển đổi, dạy cho họ kỹ năng tiêu tiền chứ không chỉ thả nổi cho họ một mớ tiền, khiến họ có thể trắng tay (đất mất, tiền hết, không nghề nghiệp…), đồng thời đầu tư, khuyến khích thanh niên lập nghiệp tại địa phương… Đây là câu chuyện cần sự vào cuộc của Nhà nước, chứ không phải riêng cá nhân ai.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem