Cả năm trông chờ vào 2ha mía, giờ bán lỗ gần 10 triệu đồng. “Gia đình cố gắng vay mượn đầu tư để bù lỗ cho vụ mía năm ngoái nhưng không ngờ lại ôm thêm nợ”- anh Hảo than thở. Cũng như anh Hảo, nhiều nông dân ở Ea Kar, do thất thu từ vụ trước nên đã phải vay mượn vốn đầu tư cho vụ mới. Thế nhưng năm nay, giá mía giảm thêm 100 đồng/kg đã khiến họ phải thua lỗ nặng.
Thu hoạch mía bán cho thương lái ở xã Ea Sô (huyện Ea Kar).Ảnh: D.H
Tại M’Drăk (Đăk Lăk), tình trạng còn thê thảm hơn. Do hạn hán kéo dài đã khiến hàng trăm hécta mía có dấu hiệu khô, chết cây. Trong khi người dân đang đứng ngồi không yên, mong sớm bán được mía để giảm bớt thiệt hại thì người thu mua lại rất “đủng đỉnh”. Chẳng còn cách nào khác, họ phải chấp nhận tốn thêm một khoản chi phí nữa để bơm nước tưới mía.
Anh Lê Đình Hiếu (thôn 2, xã Ea Pil, huyện M’Drăk), cho biết: “Nếu năm ngoái thu về được 70 tấn thì năm nay may lắm chỉ được 50 tấn. Hạn hán kéo dài đã khiến 5ha mía của tôi còi cọc, héo úa. Tôi đã phải khoan một lúc 2 cái giếng để cứu mía nhưng vẫn không ăn thua, hạn hán đã khiến cây mía giảm chất lượng đường. Thế nhưng để bán được dù chấp nhận lỗ cũng không phải là chuyện dễ”.
Không chỉ mất mùa, nhiều năm trở lại đây năng suất mía của nông dân Đăk Lăk cũng đang bị giảm mạnh. Ông Hồ Tấn Cư - Trưởng phòng NNPTNT huyện Ea Kar lý giải, năng suất mía giảm là bởi đa phần diện tích đất trồng mía đều được bà con thâm canh qua nhiều năm. Trong khi đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lại rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc thâm canh nhưng thiếu cải tạo còn khiến các mầm sâu bệnh từ vụ trước bùng phát, lây lan sang vụ sau, làm ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây mía… Nếu so với năm 2010, năng suất mía trên địa bàn đang giảm từ 10-20 tấn/ha.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.