Giá hàng hóa sẽ còn tăng đến đâu?

Thứ bảy, ngày 06/11/2010 13:05 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Liên tục từ tháng 10 đến nay, giá cả của hầu hết các loại hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng của người dân đã tăng lên chóng mặt mặc cho những cảnh báo và những giải pháp kiềm chế lạm phát của các cơ quan chức năng.
Bình luận 0

Hàng gì cũng lên giá...

Chưa bao giờ người dân lại "bội thính" khi nghe chuyện giá tăng hiện nay. Từ giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, chất đốt, hàng điện tử... đến cả giá vàng, USD...; tất cả đều đồng loạt tăng giá từng ngày.

img
Giá cả tăng khiến người nội trợ phải thắt lưng buộc bụng (Ảnh minh hoạ, chụp tại chợ Châu Long, Hà Nội).

Các mặt hàng thực phẩm như thịt lợn đều đã tăng từ 8.000-12.000 đồng/kg; thịt bò, thịt gia cầm tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính được đưa ra là nguồn thực phẩm không cung cấp đủ cho người tiêu dùng.

Ngay giá lợn hơi cũng đã lên mức 35.000-40.000 đồng/kg; thịt móc hàm 50.000-55.000 đồng/kg. Bà Tạ Thị Nhung ở số nhà 27 Vũ Thạnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ngày nào tôi cũng mua xương cục thăn của lợn nấu cháo cho cháu, trước chỉ 10.000 đồng là đủ 0,3kg, nay giá đã lên 15.000-16.000 đồng. Giá thịt thăn trước là 7.000 đồng/0,1kg thì nay cũng lên 9.000 đồng/0,1kg.

Với mặt hàng thủy sản cũng vậy, chị Hà - bán tôm, ghẹ, mực tại chợ Thành Công cho biết: "Hàng rất ít, ngày nào chúng tôi cũng phải tranh nhau mới buôn được một ít hàng về bán trong khi giá thì cao nên rất khó khăn trong việc bán lẻ cho người tiêu dùng".

Giá tôm tại chợ này cũng đã tăng trên 10%. Tôm sú loại 30 con/kg giá 230.000-250.000 đồng/kg; loại tôm vỏ mỏng (tôm lột) loại 40-45 con/kg cũng lên đến 170.000-180.000 đồng/kg.

Không chỉ tôm, cá, thịt mà giá rau, giá gạo cũng tăng lên. Gạo Bắc Thơm-gạo chất lượng bình dân hay được tiêu dùng tại các chợ trước có giá 120.000 đồng/10kg thì nay cũng lên 140.000-150.000 đồng/kg, bằng với giá của gạo tám Điện Biên trước kia và loại gạo này giờ cũng đã vọt lên 190.000-200.000 đồng/10kg.

Giá các loại rau cũng tăng từ 500-1.000 đồng/mớ: Rau muống từ 5.000-8.000 đồng/mớ, tùy loại; cà rốt 15.000-20.000 đồng/kg; khoai tây, bí, xu hào, súp lơ đều có giá từ 10.000-20.000 đồng/kg, tăng từ 4.000-5.000 đồng/kg so với tháng 9.

Giá chợ tăng, giá siêu thị cũng tăng nhưng mức độ có phần thấp hơn. Tại nhiều siêu thị của Hà Nội như Intimex, Fivimart... giá một số loại thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, đồ hộp và bánh kẹo, đường, sữa đã tăng 5-10% so với đầu tháng 10-2010.

Trong đó, mặt hàng đồ hộp, bánh kẹo tăng bình quân 5-7%. Các thương hiệu bánh kẹo, cà phê khá nổi như Kinh Đô, Trung Nguyên và sản phẩm của hãng Unilever đều có thông báo tăng giá 5-10% nhiều mặt hàng.

Giá sẽ còn tăng đến đâu?

Những ngày gần đây, tại Đà Nẵng, giá gạo bán lẻ đồng loạt tăng giá. Tại các quầy gạo bán lẻ gạo tẻ thường có giá từ 10.000-12.000đồng/kg, tám thơm 16.000 đồng/kg, gạo Đài Loan 17.000 đồng/kg…- đều tăng từ 1.500-2.000 đồng/kg so với tháng trước.

Giá các mặt hàng hải sản tươi sống cũng tăng 20-40%. Một số loại rau như rau muống, rau mồng tơi, rau ngót... cũng tăng thêm từ 2.000-5.000 đồng/kg.

Nguyên do tăng là mưa lũ vừa qua tại nhiều tỉnh miền Trung làm rau hư hỏng, đường sá ách tắc, việc vận chuyển bị đình trệ.

Ông Vũ Vinh Phú-Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, nguồn cung thịt lợn dự kiến sẽ còn ở mức thấp trong 2-3 tháng tới khiến thị trường thịt theo đó cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến động về giá. Thời gian tới, nguồn cung khan hiếm, giá thịt lợn dự kiến sẽ còn ở mức cao, thậm chí còn nhích tăng.

Theo ông Phú, nhu cầu của người tiêu dùng về nguồn thực phẩm là thịt, thủy sản tươi sống đang có xu hướng tăng ở những tháng cuối năm trong khi nguồn cung không được dồi dào do thiên tai tại một số vùng trên cả nước.

Hà Nội đang yêu cầu các siêu thị giữ giá ổn định với các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhưng may ra cũng chỉ "giữ" được trong tháng 11 để cân bằng mặt bằng giá với các chợ truyền thống trên địa bàn; còn lại vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung ứng.

Ông Phú cho biết, "yêu cầu" này đang rất khó thực hiện. Dự báo thời gian tới, chỉ có mặt hàng rau củ quả là giá sẽ ổn định trở lại nhưng vẫn khó giảm.

Chị Nguyễn Thị Thu- người bán hàng ở chợ Thành Công cho biết, do mưa lũ, hàng từ miền Nam đưa ra sẽ còn hạn chế nên giá một số loại rau củ, thủy sản khó mà giảm trở lại.

Mặt khác, do thị trường vàng hiện có quá nhiều biến động nên đã ảnh hưởng đến tâm lý người đi buôn là sợ nhập hàng về nhiều mà bán không được sẽ ế và lỗ vốn, nên nhập ít hàng vừa bán được giá cao vừa không lo bị ế.

Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Minh Phong: Khâu phân phối kém

Ông Nguyễn Minh Phong, viện Nghiên cứu KT-XH Hà Nội cho biết: Một trong nhiều nguyên nhân góp phần tạo

img
 

nên cơn bão giá bất thường của những tháng gần đây do giá USD, giá vàng tăng phi mã cũng làm cho cách tính các mặt hàng liên quan khi quy về tỷ giá buộc phải thay đổi.

Bên cạnh đó cung cầu nguồn hàng trong đợt lũ lụt vừa qua cũng có những bất thường. Tuy nhiên, tôi cho rằng ngoài ra còn có cả lý do từ khâu phân phối kém. Nền kinh tế của chúng ta hiện đang có quá nhiều khâu, quá nhiều tầng nấc trung gian khiến cho giá không được kiểm soát, bị đội lên rất nhiều.

Với giá cả tăng mạnh như vậy, theo ông chỉ tiêu giữ lạm phát của cả năm 2010 có đạt mục tiêu 8% và xu hướng của lạm phát những tháng cuối năm sẽ ra sao?

- Tôi cho rằng chắc chắn sẽ không thể đảm bảo mục tiêu giữ chỉ số lạm phát như Quốc hội đã đề ra vì tính đến thời điểm này áp lực giá của 2 tháng cuối năm là rất lớn. Từ nay đến cuối năm với diễn biến thời tiết phức tạp, Tết cận kề thì giải quyết bài toán lạm phát vẫn còn rất nan giải.

Vấn đề lạm phát vẫn được xem là bài toán khó giải của Việt Nam, theo ông để giải quyết vấn đề này có phải chỉ là giải bài toán bội chi và đầu tư như các chuyên gia vẫn nói không?

- Giá tăng là tổng hợp của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Bao giờ cũng có 2 nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát. Nhóm giải pháp vi mô và vĩ mô. Trong đó nhóm giải pháp vĩ mô như cân đối cung cầu, tăng thu giảm chi… thì luôn luôn đúng, và đúng với mọi thời điểm.

Quan trọng hơn là nhóm giải pháp tùy từng hoàn cảnh. Đấy mới cần xem xét và cân nhắc kỹ. Chẳng hạn như thời điểm lũ lụt thì cần có biện pháp gì, với diễn biến thời tiết phức tạp khó lường thì cần đặt ra việc cung ứng hàng đầy đủ.

Gần đây nhiều ý kiến cho rằng giá cả tăng cao là do công tác dự báo không chính xác. Ông nghĩ sao?

- Xét về mặt tổng thể thì tôi cho rằng nhận định như vậy là tương đối đúng. Việc các chuyên gia nhìn nhận khả năng năm nay lạm phát lên 9%, thậm chí hơn nữa thời điểm này đã được thực tế chứng minh là đúng. Còn việc Chính phủ, Quốc hội luôn đặt ở mức thấp, đó là do họ có cách dự báo ở mức an toàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem