Giá heo hơi hôm nay 2/10: Giá vẫn ở mức cao, đâu là giải pháp cho nông hộ?

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 02/10/2018 05:30 AM (GMT+7)
Giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay 2/10 không có nhiều biến động so với cuối tuần trước, miền Nam đã vượt qua miền Bắc trở thành khu vực có giá lợn hơi tốt nhất cả nước. Đáng chú ý, đây cũng là nơi đang triển khai rất mạnh mô hình chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP - hướng đi được đánh giá mang lại hiệu quả bền vững cho các nông hộ.
Bình luận 0

Giá heo hơi miền Nam "bứt phá"

Với những đợt tăng giá trong khoảng 1 tháng qua, giá heo hơi tại các tỉnh miền Nam đã bứt phá, vượt qua cả miền Bắc để trở thành khu vực có giá tốt nhất cả nước.

img

Giá heo hơi hôm nay tại "thủ phủ" chăn nuôi Đồng Nai dao động từ 52.000 - 54.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ: I.T

Hiện, giá heo hơi tại Đồng Nai, Bình Dương, Trà Vinh, Hậu Giang, Cần Thơ đạt từ 52.000 - 54.000 đồng/kg. Tại Củ Chi (TP HCM) giá heo hơi còn lên tới 55.000 đồng/kg. Các địa phương khác như Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang ... giá heo hơi hôm nay dao động trong khoảng 52.000 - 53.000 đ/kg. 

Trong khi đó, tại các tỉnh miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay đang dao động từ 48.000 - 54.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, thời gian qua tỉnh Đồng Nai là nơi đang triển khai rất mạnh mô hình chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP - hướng đi được đánh giá mang lại hiệu quả bền vững cho các nông hộ trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang loay hoay tái cơ cấu. Dù sản lượng tiêu thụ thịt lợn VietGAHP chưa nhiều nhưng tác động từ dự án cạnh tranh chăn nuôi Lifsap ở Đồng Nai đã giúp nhiều nông hộ yên tâm bám nghề và duy trì việc cung ứng thực phẩm an toàn.

Tự đứng trên đôi chân của mình

Đến cuối năm 2019, dự án Lifsap do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cơ bản sẽ kết thúc. Tỉnh Đồng Nai vẫn quyết tâm duy trì, nhân rộng quy trình chăn nuôi VietGAHP để tạo lập hướng cạnh tranh cho chăn nuôi lợn nông hộ.

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) GAHP ở huyện Thống Nhất cho rằng, nghề chăn nuôi hiện nay muốn cạnh tranh được không thể trông chờ giá lợn tăng lên hạ xuống phập phồng mà phải tính toán chi li để có giá thành cạnh tranh nhất.

Với những hộ, trại chăn nuôi nhỏ, lẻ thì việc liên kết sản xuất theo chuỗi an toàn đang thể hiện rõ ưu thế. Khi dự án Lifsap hỗ trợ máy trộn thức ăn, hầm biogas, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, nhiều nông dân đã giảm được chi phí đầu vào, hạn chế rủi ro dịch bệnh.

img 

Duy trì liên kết trong tổ chăn nuôi GAHP là cách để duy trì lợi thế cho người chăn nuôi nhỏ, lẻ. Ảnh:  Nguyên Vỹ

Đến nay, Dự án Lifsap Đồng Nai đã thiết lập trên 3 vùng thuộc địa bàn huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc và thị xã Long Khánh với 67 THT; 863 hộ. Đã có 47 THT được chứng nhận VietGAHP. Tổng sản lượng heo VietGAHP của các THT đạt 44.600 con; bình quân xuất chuồng 270 con/ngày.

Theo bà Cúc, lợi thế lớn nhất khi tham gia các tổ chăn nuôi GAHP là các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ liên kết lại với nhau. Lợn an toàn được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường.

“Dù sản lượng của các chuỗi trên còn ít, chưa tiêu thụ hết sản phẩm cho bà con chăn nuôi nhưng đây vẫn hướng đi an toàn, duy trì thế cạnh tranh và yên tâm bám nghề trong khi không ít hộ, trại khác đã phá sản”- bà Cúc nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Giám đốc Ban quản lý dự án, chương trình đã góp phần tích cực tác động nâng cao nhận thức, kỹ năng chăn nuôi. Việc thực hiện mô hình VietGAHP còn giúp người chăn nuôi nhỏ biết phân tích hiệu quả thu nhập thực tế trong chăn nuôi.

Ngoài việc hỗ trợ chăn nuôi nông hộ thực hành GAHP, dự án còn hỗ trợ đầu tư xây dựng nâng cấp các cơ sở giết mổ theo quy hoạch, nâng cấp khu bán thực phẩm tươi sống tại các chợ và triển khai Khu thí điểm chăn nuôi tập trung (LPZ).

Nỗi lo hậu Lifsap

Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm Lifsap được UBND tỉnh Đồng Nai triển khai từ năm 2012 và sẽ kết thúc tài trợ năm 2019. “Điều đáng quan tâm là Đồng Nai có tiếp tục phát huy được các kết quả đã đạt được sau giai đoạn hậu Lifsap hay không”- ông Huỳnh Thành Vinh - Giám đốc Sở NNPTNT nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp Đồng Nai, chăn nuôi trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực duy trì nhịp phát triển với tổng đàn lợn lớn nhất nước. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường được đảm bảo tốt hơn. Người chăn nuôi đã chú trọng nhiều hơn đến an toàn thực phẩm trong chăn nuôi.

Tuy nhiên sau đợt khủng hoảng giá năm 2017, tổng đàn lợn của cả tỉnh vẫn tiếp tục tăng cao, hiện đã gần 2,5 triệu con. Cùng với với lo ngại dịch bệnh, nếu không có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ tốt; nghề chăn nuôi nông hộ vẫn chưa hết lo.

Quy trình chăn nuôi lợn  VietGAHP mà dự án Lifsap hỗ trợ bước đầu giúp nông hộ tạo lập được thế cạnh tranh với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hướng đi này vẫn chưa thu hút đông đảo người chăn nuôi tham gia. Người tiêu dùng chưa hình dung rõ khác biệt của sản phẩm thịt lợn an toàn với thịt lợn thông thường.

“Điều này tác động ngược lại lợi ích chính đáng của người chăn nuôi sạch. Ngành chăn nuôi phải làm sao duy trì được những kết quả đã đạt trong thời gian qua để nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, tránh vết xe đổ cứ dự án kết thúc là phong trào cũng... xẹp theo”- ông Vinh lưu ý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem