Giá heo hơi hôm nay giảm nhưng vẫn ở mức cao
Đăk Lăk và Quảng Nam là hai tỉnh có giá heo biến động mạnh nhất tại khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, với mức giảm tới 2.000 đồng/kg. Theo đó, giá heo tại Đăk Lăk giảm từ 52.000 đồng/kg xuống còn 50.000 đồng/kg, tỉnh Quảng Ngãi cũng giảm từ 49.000 đồng/kg xuống còn 48.000 đồng/kg.
Còn các địa phương khác, giá không có nhiều biến động. Riêng tại Thanh Hóa, giá heo hơi vẫn duy trì “trên đỉnh” với mức 55.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh phía Bắc, giá heo hơi xuất chuồng cũng giảm từ 500 - 1.000 đồng/kg so với những ngày trước đó. Tại Tuyên Quang, giá heo từ 52.500 đồng/kg giảm xuống còn 52.000 đồng/kg, Hưng Yên cũng từ 55.000 đồng/kg xuống còn 54.000 đồng/kg. Thái Bình từ 54.000 đồng/kg xuống còn 53.000 đồng/kg. Chỉ có Nam Định ghi nhận giá heo tăng nhẹ, từ 51.500 đồng/kg lên 52.500 đồng/kg.
Giá heo hơi lại giảm nhẹ. Ảnh: I.T.
Trong khi miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên giá heo có xu hướng giảm thì tại khu vực miền Nam, giá heo hơi lại tăng từ 500 đồng/kg đến 1.000 đồng/kg so với hôm qua. Trong đó hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang giá heo vẫn tăng nhẹ khoảng 500 đồng/kg. Một số tỉnh khác như Vĩnh Long tăng từ 52.000 đồng/kg lên 53.000 đồng/kg, Kiên Giang cũng tăng thêm 500 đồng/kg lên 52.500 đồng/kg.
Đánh giá về thị trường thịt heo từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Quý Hanh, Phó Giám đốc Khối Chăn nuôi, Tập đoàn Mavin nhận định, giá heo sẽ ổn định ở mức cao từ nay đến cuối năm do những người nuôi nhỏ lẻ tái đàn rất dè dặt.
“Thời điểm này, số lượng con giống bán ra của tập đoàn chúng tôi vẫn đều đều, không có sự đột biến. Qua quan sát tôi thấy, các hộ nhỏ lẻ tái đàn dè dặt, chủ yếu là những trang trại có liên kết với doanh nghiệp”, ông Hanh nói.
Mỹ tìm đường đưa thịt heo vào Việt Nam
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng thì ngành công nghiệp thịt heo Mỹ đang tìm cách chuyển hướng vào các thị trường châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
Mỹ đang tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thịt heo sang thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Ảnh: I.T.
Theo đó, Ủy ban Tiếp thị toàn cầu thuộc Hiệp hội Chăn nuôi heo Hoa Kỳ đã bắt đầu hành trình tại Singapore, sau đó đến Việt Nam, Hồng Kông và Macao (Trung Quốc) để tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng, phát triển hệ thống bán lẻ, tìm kiếm các đối tác để xuất khẩu.
Tại Việt Nam, Ủy ban Tiếp thị toàn cầu thuộc Hiệp hội Chăn nuôi heo Hoa Kỳ đã tìm thấy cơ hội khi nhận định, sức tiêu thụ thịt heo Mỹ tại Việt Nam đang tăng lên đáng kể. Theo đó, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu các loại thịt dăm bông tươi, đông lạnh và thịt vai của Mỹ sang Việt Nam đạt 11 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai đối với các sản phẩm thịt heo Mỹ, chỉ sau Hồng Kông (Trung Quốc).
Theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), việc mất cân đối cung – cầu sẽ dần được khắc phục trong những tháng cuối năm vì giá bán heo đang tăng theo hướng có lợi cho người chăn nuôi từ tháng 3 đến nay, thúc đẩy người nuôi tái đàn.
Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng lo ngại, thịt heo trong nước sẽ chỉ giữ được mức giá cao trong vài tháng tới vì sẽ bị cạnh tranh bởi thịt nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Hiện tại, nguồn cung thịt heo tại Mỹ đang tăng mạnh, vượt nhu cầu nội địa do hoạt động xuất khẩu ngày càng khó khăn khi Trung Quốc áp thuế nhập khẩu đối với thịt heo nước này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.