Giá heo hơi hôm nay tiếp tục ổn định, ít biến động
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, trong tháng 7/2018, giá lợn hơi trong nước có xu hướng tăng; mức tăng so với tháng trước từ 3.000-5.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi (heo hơi) hôm nay tiếp tục duy trì mức cao, giá phổ biến từ 50.000 - 56.000 trên phạm vi cả nước. Giá heo hơi tăng được nhận định chủ yếu vẫn do mất cân đối cung cầu cục bộ ở một số địa phương. Ảnh minh hoạ: I.T
Cụ thể, tại một số tỉnh, thành ở miền Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng chạm mốc 56.000 đồng/kg, cá biệt có nơi khan hiếm cục bộ, thương lái phải mua heo siêu (loại đẹp) với giá 57.000 đồng/kg. Giá này đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2017 và đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
Tại khu vực miền Trung, hiện giá heo hơi đang dao động ở mức 53.000 – 54.000 đồng/kg, tăng 3.000 – 4.000 đồng/kg so với tháng trước.
Tại các tỉnh miền Nam, giá heo hơi hôm nay tiếp tục giữ ổn định, nhiều địa phương đã đạt mức trên 50.000 đồng/kg. Cụ thể, tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai các trang trại đang bán heo siêu với mức 51.500 đồng/kg. Tương tự, giá heo hơi tại một số nơi thuộc tỉnh Bình Dương, Bến Tre. TP.HCM cũng đã cán mốc 51.500 đồng/kg.
Tại các tỉnh khác như Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh,... giá heo hơi đang dao động từ 48.000 - 49.000 đồng/kg; tại Sóc Trăng, An Giang giá từ 46.000 - 47.000 đồng/kg.
51.000 - giá lợn hơi thấp hơn và mức tăng không nhiều: tại tỉnh Bạc Liêu giá 46.000 đồng/kg; tại Tiền Giang, giá từ 47.000 – 48.000 đồng/kg; tại Đồng Nai giá khoảng 50.000 đồng/kg. Giá lợn hơi trong tháng 7/2018 tăng được nhận định chủ yếu vẫn do mất cân đối cung cầu cục bộ ở một số địa phương (hiện ngành Chăn nuôi đang phối hợp từng địa phương để khắc phục việc này);
Giá lợn hơi tăng cao không đồng đều tại các địa phương và tùy thuộc chất lượng lợn: tại Phổ Yên (Thái Nguyên), Hải Hậu (Nam Định), Khoái Châu (Hưng Yên), Ứng Hòa (Hà Nội), Hải Dương, Quảng Ninh đạt mức cao nhất là 56.000 đồng/kg đối với lợn chất lượng cao, có trọng lượng trên 100kg/con; tại Ninh Bình tăng 5.000 đồng/kg lên mức 55.000 đồng/kg.
Bảng tham khảo giá một số sản phẩm chăn nuôi tại thị trường phía Nam ngày 30/7. Nguồn: channuoivietnam
Giá lợn giống tăng cao, nhà nông vừa nuôi vừa run
Anh Sơn, chuyên kinh doanh lợn giống ở Hà Nội xuất đi các tỉnh cho biết, thời gian này việc thu mua gom lợn giống trên thị trường gặp rất nhiều khó khăn. Thời điểm này anh thu mua lợn giống có trọng lượng từ 10 – 12kg với giá từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/ con, dù giá cao như vậy nhưng vẫn không đủ nguồn hàng.
Anh Sơn cho biết, giá lợn con trong thời gian này tăng mạnh như vậy là do giá thịt lợn hơi trong dân tăng quá cao, nhiều gia đình có kế hoạch tái đàn trong khi nguồn cung lợn con trong dân giảm đi đáng kể. Nếu trong thời gian tới giá lợn hơi vẫn trên đà tăng mạnh như vậy mặt hàng lợn con cũng vẫn neo giá cao là không thể tránh khỏi.
Tại khu vực miền Bắc, giá heo giống hiện đang dao động từ 1,4 triệu đến 1,7 triệu đồng/con đối với loại từ 7-12kg.
Với giá heo giống tăng cao như hiện nay, sau khi trừ chi phí người chăn nuôi thu lãi khoảng 1 triệu đồng/100kg. Ảnh minh hoạ: I.T
Bà Nguyễn Thị Dung, hộ chăn nuôi ở huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) cho biết, hiện giá lợn giống trên địa bàn cũng đã tăng lên khoảng 1,5 triệu đồng/con, trong khi hồi đầu năm 2018 giá chỉ từ 400.000 - 600.000 đồng/con loại 7-10kg. Mặc dù gia đình bà không phải mua lợn giống nhờ duy trì thường xuyên 3 con lợn nái, song bà cũng chưa hết lo lắng bởi thị trường chăn nuôi liên tục biến động khó lường.
"Trong khoảng 2 tháng trở lại đây giá cám tăng tới 5 lần, thêm 20.000 đồng/bao 25kg. Muốn tái đàn, hay tăng đàn thì phải có lợn giống, phải có cám, nhưng cái gì giá cũng đang tăng cao thì cũng nên cân nhắc chuyện tăng đàn. Nếu nhà có heo nái sẵn, sau khi trừ chi phí, giá bán 35.000 đồng/kg heo hơi là huề vốn, nhưng nếu phải mua heo giống như hiện nay, với giá cám, giá thuốc thú y… tăng như thế này thì giá heo hơi phải trên 40.000 - 43.000 đồng/kg mới hoà vốn" - bà Dung phân tích.
Theo Cục Chăn nuôi, hiện nước ta có đàn lợn khoảng hơn 28 triệu con, đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 ở châu Á, nằm trong top 15 nước có đàn lợn lớn nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng đàn lợn; giai đoạn 2007 – 2017 đạt 0,91%/năm. Sản lượng thịt lợn trong năm 2016 đã đạt mức kỷ lục với 3,36 tấn, tăng 5% so với năm 2015 và đứng thứ 7 trên thế giới sau Trung Quốc, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Brazil và Nga.
Hiện tại, ước tính có 3,5 triệu cơ sở chăn nuôi lợn và nông hộ chăn nuôi lợn trên cả nước. Trong giai đoạn 2012 – 2017, số cơ sở chăn nuôi lợn nông hộ ước giảm 5 – 6%/năm. Lợn nuôi theo hướng hàng hóa chiếm đến 75% số cơ sở chăn nuôi. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi có sử dụng cám công nghiệp ước khoảng 70%.
Tuy nhiên, năng suất chăn nuôi lợn của Việt Nam thuộc dạng thấp, chỉ từ 17 – 24 con cai sữa/nái/năm.
8 khó khăn của ngành chăn nuôi
Cục Chăn nuôi cho biết, cuộc khủng hoảng lợn vừa qua là sự thanh lọc của thị trường, nhiều nước có ngành chăn nuôi heo cũng trải qua những cuộc khủng hoảng tương tự, thậm chí vài năm mới khắc phục được.
Các chuyên gia trong ngành cũng chỉ ra 8 khó khăn chính của chăn nuôi nói chung cũng như chăn nuôi lợn nói riêng, đó là: Sản xuất thị trường còn thiếu kết nối và điều hành tổng thể, nhiều khâu trung gian, chi phí sản xuất còn cao; dịch bệnh truyền nhiễm khó kiểm soát, đặc biệt là bệnh tai xanh và LMLM; Tái cơ cấu ngành còn thấp, chuyển biến chậm, tích tụ đầu tư thấp; Giết mổ chế biến chưa quản lý và quy hoạch tốt;
Tổ chức sản xuất còn yếu, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm; Chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, khó đi vào cuộc sống; Thể chế thiếu hoàn thiện còn vướng mắc liên quan đến đất đai, tín dụng, bảo hiểm,…; Hợp tác liên kết theo chuỗi còn chưa định hình, rời rạc, liên kết chưa chặt chẽ,…
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.