Giá heo hơi tăng vọt lên 70.000 đồng/kg, nông dân tái đàn bán Tết phải làm thế nào?
Giá heo hơi đứng mức 70.000 đồng/kg, vì sao ngành chức năng tỉnh này khuyến cáo tái đàn bán Tết phải thận trọng?
Thứ sáu, ngày 02/09/2022 06:07 AM (GMT+7)
Những ngày gần đây, giá heo hơi liên tục tăng, hiện đã chạm mốc 70.000 đồng/kg và vẫn có chiều hướng tiếp tục tăng. Giá heo tăng cao nên các hộ nuôi heo bắt đầu tái đàn...
Những ngày gần đây, giá heo hơi liên tục tăng, hiện đã chạm mốc 70.000 đồng/kg và vẫn có chiều hướng tiếp tục tăng. Giá heo tăng cao nên các hộ nuôi heo bắt đầu tái đàn, tuy nhiên với giá vật tư đầu vào chủ yếu là giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là hiện nay - thời điểm đầu tư tái đàn, tăng đàn, phục vụ cho thị trường cuối năm.
Người chăn nuôi heo ngày càng chú trọng hơn đến việc xây dựng chuồng trại đảm bảo quy chuẩn
Gia đình anh Vũ Quang Thành (thôn 3, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đang thả nuôi hơn 700 con heo, so với thời điểm này năm ngoái, con số này đã giảm hơn 10%.
Theo anh Thành, sau thời gian dài loanh quanh trong ngưỡng giá trên dưới 60.000 đồng/kg thì bước sang tháng 7/2022, giá heo hơi bất ngờ bật tăng mạnh từ 25 - 30% so với đầu năm, trong đó, có địa phương, giá heo hơi lên mức 72.000 đồng/kg.
Với bình quân heo khi xuất chuồng có giá thành khoảng 55.000 đồng/kg hơi, cùng với mức giá heo hơi 70.000 đồng/kg như hiện nay thì sau hơn 3 tháng nuôi, mỗi con heo bán ra, người nuôi có thể lãi được 1 - 1,5 triệu đồng, đây là mức lợi nhuận khá hấp dẫn nên nhiều người nuôi heo đã rục rịch tái đàn. Tuy nhiên, tâm lý chung của người chăn nuôi là rất dè dặt khi thực hiện tăng tái đàn heo mạnh dịp cuối năm, bởi lo ngại mối nguy cung vượt cầu sẽ dẫn đến giá heo hơi giảm mạnh.
Ông Phạm Phi Long - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ gia súc, gia cầm chăn nuôi trong các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và vừa chiếm khoảng 35% tổng đàn, còn lại là chăn nuôi quy mô nhỏ, chăn nuôi nông hộ.
Chi phí thức ăn chiếm từ 65 - 70% trong cơ cấu giá thành sản xuất, vì vậy, khi giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân, nhất là người chăn nuôi lợn, gia cầm, bò sữa chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp, trong khi đó, giá lợn hơi, gia cầm thịt, sữa tươi không tăng tương ứng.
Theo ông Long, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 và hiện nay giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng từ 18 - 22%. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng là do nước ta vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, khoảng 80% các loại nguyên liệu như lúa mì, ngô, đậu tương phải nhập khẩu.
Thêm vào đó, giá của hầu hết các loại nguyên liệu này tăng cao do các khu vực trồng nguyên liệu trên thế giới bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi; dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu khiến nguồn cung giảm, giá cước vận chuyển tăng cao đã đội giá nguyên liệu và thành phẩm.
Từ tháng 7/2022 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo xu hướng giảm nhẹ. Cục Chăn nuôi dự báo rằng trong 5 tháng cuối năm, giá một số nguyên liệu chính của ngành Thức ăn chăn nuôi có thể giảm. Tuy nhiên, mức giảm được cho là không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi.
Dự báo đến cuối năm 2022, tình hình chăn nuôi Lâm Đồng cơ bản phát triển ổn định, tổng đàn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi ước đạt kế hoạch được giao. Để phục vụ nhu cầu thực phẩm trong dịp cuối năm 2022, các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt việc nuôi tăng đàn, tái đàn, chủ yếu tập trung phát triển tăng đàn ở các trang trại chăn nuôi vừa và lớn, trang tại chăn nuôi gia công cho các công ty.
Khuyến cáo người chăn nuôi cần tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ từ các phụ phẩm nông nghiệp nhằm giảm giá thành sản phẩm; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh nhằm hạn chế rủi ro trong chăn nuôi; thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình thị trường để có phương án tăng đàn và sản xuất phù hợp.
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có tổng số đàn heo ước đạt 444.358 con, với sản lượng thịt heo hơi ước đạt 43.436 tấn.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện nay bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn còn xảy ra rải rác trên một số địa bàn như huyện Đạ Huoai, Đam Rông và Đức Trọng, với số heo mắc bệnh chết và tiêu hủy là 201 con/18 hộ/9 thôn/3 xã/5 huyện, trọng lượng tiêu hủy 8.202 kg.
Hiện, Chi cục đang phối hợp, hướng dẫn trung tâm nông nghiệp các huyện thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: lấy mẫu xác định bệnh, tăng cường giám sát phát hiện bệnh, tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh, chết và nuôi cùng ô chuồng nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh; phân bổ 19.860 lít hóa chất và hướng dẫn các địa phương thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh; cấp tờ rơi tuyên truyền bệnh dịch tả heo châu Phi, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tăng cường các biện pháp phòng trừ tổng hợp và chăn nuôi an toàn sinh học. Đến nay, các địa phương trên đã qua 21 ngày không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh, bệnh cơ bản được kiểm soát và khống chế.
Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng cũng đã cấp 104.275 liều vắc xin lở mồm long móng heo, 106.780 liều vắc xin 3 bệnh trên heo cho các địa phương tổ chức tiêm phòng đợt I/2022. Đến nay, các địa phương đã tiêm phòng xong đợt I/2022 đạt 76,7%, dự kiến cuối tháng 8/2022 hoàn thành tiêm phòng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.