Theo thống kê của Sở NNPTNT An Giang, giá cá tra ngày 8.8 dao động ở mức 26.500 -28.000đ/kg. Mức giá cá tra này tăng 5.000đ/kg so cùng kỳ năm trước.
Nhưng trớ trêu thay, trong lúc giá bán tăng mạnh thì người nuôi cá tra lại đối mặt với thua lỗ. Có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là do giá đầu như xăng dầu, thức ăn tăng liên tục... Tất cả đã dồn đẩy giá thành chăn nuôi tăng mạnh.
Thu hoạch cá tra ở khu vực ĐBSCL. Ảnh: TN
Theo nhận định của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện giá thành chăn nuôi cá tra thấp nhất cũng lên đến 27.000 đồng/kg. Điều này cho thấy lợi nhuận của người nuôi là khá mỏng và nguy cơ thua lỗ lại khá cao. Đây cũng là lý do khiến nhiều người nuôi ở các địa phương có thế mạnh về nuôi cá tra như An Giang, Đồng Tháp... sau khi thu hoạch xong vẫn chưa mạnh dạn thả nuôi vụ mới, thậm chí thu hẹp quy mô nuôi.
Việc nhiều người chậm xuống giống cá tra trở lại sau thu hoạch, không chỉ gây ảnh ảnh hưởng đến sản lượng cá tra toàn vùng mà hơn thế nữa. Bởi theo PGS.TS Nguyễn Phú Son (ĐH Cần Thơ), thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang tăng trên phạm vi toàn cầu.
Với việc mới tăng 5 thị trường, đã đưa tổng số thị trường xuất khẩu cá tra lên 117 quốc gia, vùng lãnh thổ. “Đặc biệt đối với thị trường Trung Quốc – Hồng Kông và Mỹ đang có dấu hiệu tăng trưởng ấn tượng”- PGS Son nhấn mạnh.
Theo đó, Việt Nam là nhà cung cấp cá da trơn lớn nhất cho Hồng Kông. Riêng với thị trường Mỹ, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm (Bộ Nông nghiệp Mỹ) vừa thông báo công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra Việt Nam được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra vào thị trường này.
Vì thế, nếu không có giải pháp can thiệp hữu hiệu, rất dễ xảy ra khả năng thiếu cá tra nguyên liệu vào dịp cuối năm. Khi đó, không chỉ có người nuôi mà cả doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng sẽ đối mặt với khó khăn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.