Gia Lai: Hơn 550ha hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh

Thứ năm, ngày 20/10/2011 08:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn 550ha hồ tiêu ở huyện Chư Sê, Chư Pưh (Gia Lai) bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết hàng loạt. Vườn thấp nhất cũng nhiễm đến 3%, có vườn nhiễm đến 20%.
Bình luận 0

Trắng tay vì tiêu chết

Đứng tần ngần nhìn vườn tiêu đang chết dần, chết mòn vì bị nhiễm bệnh chết nhanh, bà Trần Thị Lành, ở làng Roh Nhỏ (xã Al Bá, huyện Chư Sê) không khỏi xót xa. Vườn nhà bà có 1.300 trụ tiêu đã kinh doanh năm thứ 4, thì gần 500 trụ đã chết còn trơ trụ gỗ, 300 trụ tiêu lá đã có dấu hiệu vàng, quả tóp lại và sẽ chết trong nay mai. Chỉ trong vòng 1 tuần, vườn tiêu đang xanh tốt, trĩu quả của nhà bà Lành bỗng dưng mất màu, quả tóp lại, lá đổ vàng cùng ché tiêu đua nhau rụng.

img
Một vườn tiêu ở Chư Sê chết rũ.

Bà Lành cho biết: "Từ đầu mùa mưa đến giờ, tôi đã đổ thuốc, phun hết 3 đợt, mỗi đợt hơn 10 triệu đồng, nhưng không cứu được. Nhiều đoàn đã về đây kiểm tra, tư vấn này nọ, nhưng tiêu vẫn cứ chết, tốc độ lây lan rất nhanh. Nhìn tiền của "đội nón" ra đi trước mắt mà không cách gì cứu được khiến lòng tôi như xát muối".

Cùng chung cảnh ngộ, tiêu nhà chị Nguyễn Thị Nghị ở làng Roh Lớn đã chết hơn 1.000 trụ. Chúng tôi gặp chị đang mót tiêu non rụng để bán cho thương lái với giá 65.000/kg. Chị Nghị cho biết: "Vườn tiêu này mùa rồi tôi thu hơn 2 tấn tiêu, bán hơn 300 triệu đồng. Giờ đi mót bạc cắc thế này xót lắm." Chị cũng đã đổ mấy lần thuốc, nhiều quá chẳng nhớ nổi tên, cứ nghe ai bày là làm, hết chừng hơn 20 triệu đồng.

Cạnh vườn nhà chị Nghị, vườn tiêu của anh Nguyễn Minh Nhánh, anh Vũ Văn Thìn cũng chết gần hết, khoảng 500 trụ mỗi hộ. Cạnh đó, hộ anh Nguyễn Văn Long xã Kông Htôk (Chư Pưh) cũng chết hơn 300 trụ, 50 trụ đang ngắc ngoải.

"Cơn bão" hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh, chết hàng loạt quét qua khiến hàng trăm hộ trồng hồ tiêu ở đây nhấp nhổm cứ như ngồi trên đống lửa. Theo thống kê chưa đầy đủ, huyện Chư Sê đã có hơn 16.000 trụ tiêu đã chết, còn huyện Chư Pưh khoảng 4.000 trụ. Hộ ít thì chết dăm bảy chục trụ, hộ nhiều có đến cả ngàn trụ.

Dân còng lưng gánh nợ

Đa số hồ tiêu của nhiều hộ dân bị chết đều thuộc loại tiêu kinh doanh hoặc thu hoạch bói. Tiêu chết, kéo theo nhiều hệ lụy xấu, đẩy nhiều hộ gia đình vào hoàn cảnh khó khăn. Nguồn thu nhập chính bị cắt, số tiền đầu tư trồng tiêu là tài sản nhiều năm tích lũy bị mất đi. Nhiều hộ vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng tiêu giờ "còng lưng gánh nợ" chưa biết lấy gì để trả. Được biết, hầu hết những hộ đầu tư trồng hồ tiêu ở đây ít nhiều đều có vay nợ ngân hàng, đặc biệt là những hộ đồng bào được vay vốn theo diện hộ nghèo để trồng tiêu.

Hộ bà Lành đang nợ ngân hàng 250 triệu, 50 triệu sắp đến kỳ đáo hạn. Thường thì bà Lành thu hoạch tiêu xong, bán để trả nợ ngân hàng, nhưng giờ tiêu chết, thiệt hại nặng nề khiến bà đang bối rối chưa có cách gỡ.

Theo ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, nguyên nhân tiêu nhiễm bệnh là do thời tiết mưa nhiều, cây hồ tiêu bị ngập úng, nấm Phytopthora xâm nhập, làm toàn bộ gốc rễ bị thối đen, cây chuyển màu vàng úa hoặc héo xanh và chết rất nhanh trong vòng từ 5-7 ngày.

Bên cạnh đó, người dân canh tác không đúng kỹ thuật như: Đào hố trồng quá sâu, để đọng nước trong bồn cây quá nhiều và lâu, bón phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, đất đai bị xói mòn và rửa trôi, hay việc phòng trừ sâu bệnh của nông dân chưa được kịp thời nên nguồn bệnh tích lũy nhiều năm, sâu bệnh ngày càng tăng thêm làm vườn tiêu xuống cấp cũng là nguyên nhân làm bệnh phát triển nhanh hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem