Già làng đau đáu níu giữ bản sắc Ê Đê

San Nguyễn Thứ tư, ngày 12/08/2015 08:04 AM (GMT+7)
Điệu hát Ayray rộn ràng cất lên trên sân khấu, tiếng đàn Đinh Năm trầm bổng réo rắt hoà quyện theo... Già Ama Loan với đôi mắt sáng ngời rám nắng thỉnh thoảng nhìn sang các con, các cháu mình với ánh mắt trìu mến.
Bình luận 0

Chế tác được tất cả nhạc cụ

Gặp già Ama Loan, già làng thôn Akô Dhông, TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk rất nhiều lần khi đoàn ra Hà Nội để trình diễn trong ngày hội văn hoá được tổ chức ở Đồng Mô, Sơn Tây, lần nào tôi cũng thấy già mang theo rất nhiều loại  nhạc cụ dân tộc như đàn Đinh Năm, Tak Tar, Đinh Tút, K’ni… Già cười tủm tỉm bảo: “Mỗi lần đi như thế này là mỗi lần quý, mình phải mang theo các nhạc cụ để giới thiệu cho mọi người biết đến bản sắc văn hoá của dân tộc mình, để đệm cho con cháu mình hát Ayray thật hay”.

img

Già Ama Loan luôn tự hào về những nhạc cụ của dân tộc mình.  Ảnh:   S.N

Già Ama Loan có thể chế tác hầu hết các nhạc cụ dân tộc ở Tây Nguyên. “Từ nhỏ, chẳng ai dạy nhưng cứ thấy các cụ, các chú làm, tôi ngồi xem rồi bắt đầu học theo. Cứ thế mà biết làm, đến giờ không có loại nhạc cụ nào tôi chẳng biết” – già Ama Loan bộc bạch.

Trải đống nhạc cụ mang theo ra sàn, già Ama Loan cầm tay miết và chỉ vào từng cái với ánh mắt trìu mến: Cái này là đàn đinh năm, cái này là đinh tăk, cái này gọi là đinh puoh… Cầm một quả bầu đã khô và một đoạn ống nứa, già thoăn thoắt làm thử đàn đinh năm cho mọi người xem. “Nhìn thì đơn giản nhưng để hướng dẫn được cho lũ thanh niên học theo cũng mất nhiều thời gian lắm”- già Ama Loan chia sẻ. Với những nhạc cụ mà nguyên vật liệu khó tìm, già Ama Loan đã sáng tạo chuyển sang các vật liệu đơn giản, nhưng chất lượng âm thanh vẫn giữ được như cũ. Chỉ vào chiếc tù và được làm bằng gỗ xoan, già tự hào khoe: “Ngày xưa cái tù và này được làm bằng sừng trâu, nhưng giờ sừng trâu hiếm lắm rồi thì tôi thay bằng gỗ xoan để chế tác. Âm thanh cũng không khác sừng trâu là mấy đâu”.

Níu giữ cái hồn của người Ê Đê

" Mỗi lần đi như thế này là mỗi lần quý, mình phải mang theo các nhạc cụ để giới thiệu cho mọi người biết đến bản sắc văn hoá của dân tộc mình, để đệm cho con cháu mình hát Ayray thật hay”.
Già làng Ama Loan

Buôn Akô Dhông nơi già Ama Loan đang sinh sống là buôn vẫn còn giữ được những ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê. “Nhà dài là linh hồn của dân tộc Ê Đê mình, quan trọng lắm. Còn nhà dài mới còn không gian để sinh hoạt nghi lễ của buôn, làng, mới còn cồng chiêng. Con cháu mình có nơi để múa, hát, người già có nơi để truyền lại bản sắc dân tộc mình cho con cháu” - già Ama Loan chia sẻ.

Để bảo tồn nhà dài, trước đây những người cao tuổi trong buôn đã lập ra quy ước là ai có nhu cầu làm nhà ở theo kiểu mới thì phải làm sau các ngôi nhà dài truyền thống. Nếu không chấp hành, sẽ bị buôn làm phạt và buộc phải tháo dỡ. Từ cách làm này, buôn Akô Dhông đã giữ lại được 46 ngôi nhà dài truyền thống.

Tuy nhiên điều già Ama Loan trăn trở nhất hiện nay là nhiều ngôi nhà dài đã xuống cấp, người dân trong buôn không có điều kiện để tu sửa nên đã phải phá dỡ. “Nhiều hộ trong buôn đã chuyển nhà dài sang làm dịch vụ du lịch nhưng thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Tôi mong sao nhà nước sẽ có những hỗ trợ kịp thời để người dân chúng tôi giữ lại được những mái nhà dài có từ thời cha ông mình, để bản sắc của người Ê Đê chúng tôi không bị mai một đi” – già Ama Loan chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem