Giá loài bò sát thơm ngon lên 750 ngàn/ký, không dám nuôi thêm

Thứ năm, ngày 10/10/2019 09:49 AM (GMT+7)
Năm 2019, giá dông thương phẩm tại xã Thiện Nghiệp (Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) tăng cao so năm trước, giá cao nhất đạt 750.000 đồng/kg. Người nuôi hiện nay không đủ số lượng dông cung cấp cho thị trường.
Bình luận 0

Ông Lê Ba (thôn Thiện Sơn), kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi dông, cho biết: Giá dông năm nay cao hơn so các năm trước và liên tục ổn định từ đầu năm đến nay. Với dông có trọng lượng khoảng 2 - 3 con/kg, giá bán dao động 600.000 - 750.000 đồng/kg. Riêng dông có trọng lượng từ 5 - 8 con/kg, giá 500.000 - 550.000 đồng/kg.

img

Loài giông cát nuôi ở xã Thiện Nghiệp, Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Theo ông Lê Ba, sở dĩ giá dông thương phẩm tại Thiện Nghiệp tăng cao, do nguồn dông nơi khác như dông khu Lê (Bắc Bình) cũng đang trong tình trạng cung không đủ cầu. Chính vì giá dông thịt tăng, kéo theo giá dông giống cũng tăng.

Nếu các năm trước, giá dông giống là 10.000 đồng/con (kích thước 8 - 10 cm), thì giá hiện nay khoảng 13.000 đồng/con. Sau 12 tháng nuôi, dông đạt trọng lượng khoảng 5 con/kg, có thể xuất bán.

Một số người giàu kinh nghiệm nuôi dông chia sẻ: Năm 2009, xã Thiện Nghiệp rộ phong trào nuôi dông trên diện tích 80 ha, với hơn 100 hộ nuôi. Tuy nhiên, năm 2012 - 2013, thương lái không mua vì không có thị trường tiêu thụ. Giá dông thịt xuống thấp (250.000 - 270.000 đồng/ kg). Sau đó, giá dông lại “nhích dần”, nhưng không đáng kể.

Tình trạng dông tới tuổi thu hoạch, cân nặng vượt mức nhưng không thể xuất chuồng, khiến nhiều người nuôi lỗ và dỡ bỏ chuồng nuôi. Một số hộ chỉ chăm sóc cầm chừng để chờ thời điểm thị trường tiêu thụ trở lại. Đến nay giá bán cao, toàn xã chỉ có 20 hộ nuôi rải rác, diện tích hơn 10 ha.

Khi cung vượt cầu, giá dông thịt thương phẩm phải hạ xuống thấp. Đi cùng, là người nuôi và số lượng dông cũng giảm. Khoảng thời gian dài, nguồn dông thịt không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, thì đẩy giá tăng cao. Đó là quy luật tất yếu của thị trường.

"Mặc dù giá dông thịt thương phẩm hiện nay tăng cao, nguồn cung không đáp ứng cho khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né và thương lái, nhưng Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp vẫn không khuyến khích người nuôi tăng đàn, mở rộng diện tích. Nếu diện tích nuôi dông phát triển ồ ạt như trước đây, người nuôi sẽ không tránh khỏi tình trạng “bội thực” nguồn cung cho thị trường...", ông Trần  Minh Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp.

Trang Minh. Ảnh: Ngọc Lân (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem