Giá lợn của dân 22.000 đồng/kg, siêu thị 100.000 đồng/kg, vì sao?

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 27/04/2017 18:47 PM (GMT+7)
"Từ khâu tham gia giết mổ đến cung cấp vào siêu thị, tới tay người tiêu dùng thì giá tăng 100.000 đồng/kg. Tại sao?"- ông Nguyễn Trí Công- Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết như thế tại buổi thảo luận tìm giải pháp cho ngành chăn nuôi diễn ra tại Đồng Nai chiều ngày 27.4.
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Trí Công tìm hiểu khó khăn của các trại nuôi heo. Ảnh N.V

Buổi thảo luận có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám và đoàn công tác trong chuyến khảo sát thực tế tại địa phương nhằm tìm hướng tháo gỡ cho khó khăn của ngành chăn nuôi hiện nay.

Trong báo cáo về tình hình chăn nuôi, ông Phan Minh Báu, PhóGiám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai cho biết, giá heo hơi giảm xuống còn 22.000 - 24.000 đồng/kg. So với giá thành hiện nay, người chăn người chăn nuôi lỗ khoảng 7.000 - 11.000 đồng/kg.

Đối với chăn nuôi nông hộ, do không chủ động con giống, thức ăn dẫn đến giá thành sản xuất cao; giá bán sản phẩm thấp hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với giá bán của các trang trại. Sản phẩm chăn nuôi của nông hộ vẫn bán chủ yếu qua thương lái.

Giá thành sản xuất 1kg heo hơi của các trang trại chăn nuôi tư nhân khoảng 31.300 đồng/kg. Giá bán heo hơi của trang trại ngày 26.4 là 24.000 đồng/kg, lỗ khoảng 7.000 đ/kg.

Ông Báu cho rằng lợi nhuận chủ yếu tập trung ở khâu trung gian. Cụ thể: thương lái mua heo hơi tại cơ sở chăn nuôi 24.000 đồng/kg, sau đó giết mổ bán cho các tiểu thương, hộ kinh doanh thịt với giá khoảng 36.000 đồng/kg, loại có tỷ lệ móc hàm 70-75%.

“Trong khi giá bán ngoài chợ vẫn ở mức khoảng 80.000 đồng/kg (chợ truyền thống), 100.000 đ/kg (ở siêu thị). Như vậy, khâu trung gian từ thu mua đến kinh doanh chiếm lợi nhuận khá cao trong giai đoạn hiện nay, từ 44.000 đồng/kg - 64.000 đồng/kg", ông Công nói.

Nhưng ông Nguyễn Trí Công lại cho rằng, thương lái Đồng Nai chỉ là một khâu trong chuỗi tiêu thụ, có thể nắm bắt tốt thông tin nhưng không thể thao túng được giá thị trường.

“Họ chỉ “ăn” khoảng 15% giá bán. Từ khâu tham gia giết mổ đến cung cấp vào siêu thị, tới tay người tiêu dùng thì giá tăng 100.000 đồng/kg. Tại sao?” ông Công đặt câu hỏi.

img

Quang cảnh buổi thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn chăn nuôi Đồng Nai. Ảnh N.V

Cũng theo ông, từ đầu năm, mưa trái mùa gây thiệt hại cho trồng trọt, đã đươc đề xuất hỗ trợ  4 triệu đồng/ha. “Nên đưa cả chăn nuôi vào diện ảnh hưởng do thiên tai để vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông nói.

Đề khắc phục, ông Công cho rằng ngoài các giải pháp mang tính lâu dài, việc giải quyết lượng heo tồn trong thời gian ngắn hạn là giải pháp trước mắt nhiều tính khả thi hơn.

Theo đó, tỉnh Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp với lực lượng công nhân đông đảo, khoảng 700.000 người nên ông Công đề nghị các sở ngành tạo điều kiện tổ chức mặt bằng để kinh doanh với giá bán tốt nhất có thể.

Đồng Nai có tổng đàn heo khoảng 1,7 triệu con (giảm 16,3 % so với thời điểm tháng 1/2017), trong đó: đàn heo nái gần 300.000 con, heo đực giống khoảng 5.300 con. Chăn nuôi trang trại chiếm 69%, với 1.697 trang trại; chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 31% tổng đàn. 

Ngoài ra, người dân cũng không nên ồ ạt tranh mua tranh bán, chỉ nên mua bán cầm chừng ở số lượng giới hạn để cân đối cung cầu, giá không rớt thêm. “Về việc truy xuất nguồn gốc thịt heo ở TP.HCM cũng còn nhiều bất cập, cần được chính quyền hỗ trợ giải quyết rốt ráo hơn để kích cầu tiêu dùng”, ông Công đề xuất.

Tán thành các giải pháp mà Chủ tích Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đề xuất, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai đã chỉ đạo ngay tại chỗ Sở Công thương tỉnh tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất về địa điểm cho Hiệp hội chọn mặt bằng bày bán, rút ngắn quãng đường lưu thông của sản phẩm đến khu công nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem