Ở bản, làng "ba không" của Phú Thọ dân đang khá, giàu lên, có nhà xây được biệt thự to đẹp
Các bản, làng "ba không" trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang thay đổi, có nhà xây được biệt thự to đẹp
Hoan Nguyễn
Thứ sáu, ngày 28/07/2023 13:00 PM (GMT+7)
Nhờ triển khai hiệu quả các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, diện mạo nhiều bản, làng "3 không" của huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã ngày càng thay đổi, phát triển. Nhờ phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi...nhiều gia đình đã xây được nhà lớn, thậm chí xây biệt thự to đẹp
Thanh Sơn là một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất tỉnh Phú Thọ. Hơn chục năm về trước, nhiều bản làng ở các xã thuộc huyện miền núi này đều thuộc diện "3 không": Không điện lưới quốc gia, không nước sạch, không sóng điện thoại. Thế nhưng hiện nay, những bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã từng bước thay da đổi thịt.
Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số khu Sinh Tàn (xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) ngày càng khởi sắc, đã có nhiều gia đình xây được biệt thự to đẹp… Ảnh: Ngọc Tuấn
Trước đây, Sinh Tàn là một trong những khu đặc biệt khó khăn của xã Thượng Cửu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) với trên 70 hộ gia đình là người Dao, không có sóng dịch vụ viễn thông, không điện lưới quốc gia, không nước sạch sinh hoạt, trình độ canh tác lạc hậu… Dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 4km nhưng bà con phải mất cả giờ đồng hồ đi xe máy mới ra đến nơi do đường đất nhỏ hẹp, cheo leo bên sườn núi. Ước mơ bao đời nay của bà con là có một con đường để có cơ hội phát triển, đổi đời.
Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Thượng Cửu cho biết, từ khi thực hiện chương trình nông thôn mới và phát triển giao thông miền núi, đường giao thông đã vào đến tận khu, người dân đã được dùng điện lưới quốc gia và đến nay đã có sóng điện thoại, các dịch vụ viễn thông đến tận các khu. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã Thượng Cửu giảm còn 15,9%; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia.
Ông Dũng cho biết thêm, cuối năm 2022, các hộ gia đình người Dao ở khu Sinh Tàn được phủ sóng điện thoại. Việc phủ sóng điện thoại, internet giúp đồng bào nơi đây nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần nâng cao dân trí, thu hẹp khoảng cách vùng miền, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Xã Yên Sơn cũng là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ). Trong đó, Chen - Chự - Hồ là 3 bản xa nhất, cách trung tâm xã Yên Sơn đến 20km. Khoảng 10 năm trước, cuộc sống của đồng bào Dao, Mường nơi đây gặp nhiều khó khăn do không có đường bê tông, không có điện lưới, không sóng điện thoại.
Nhưng từ năm 2017, được sự quan tâm của Nhà nước, tuyến đường trục chính của xã được bê tông hóa, chạy dài vào tận bản Chen - Chự - Hồ. Tiếp đó, năm 2018 đường lưới điện quốc gia cũng được kéo về cả 3 bản, cung cấp điện tới từng nhà.
Hiện nay, hệ thống điện, đường, trường, trạm ở 3 bản đều đã được xây dựng khang trang, rộng rãi; ô tô vận chuyển hàng hóa có thể chạy ngược xuôi lên tận 3 bản; nhiều ngôi nhà cao tầng được xây kiên cố thay cho những ngôi nhà tạm bợ...
Ước mơ đổi đời thành hiện thực
Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết, để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, xã xác định và tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, nhất là về kinh tế đồi rừng. Ngoài ra, xã tập trung khuyến khích bà con phát triển cây lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi những loại cây, con đặc sản như chuối phấn vàng, khoai tầng, gà ri...
Có đường, có điện giúp đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào nơi đây được nâng lên rõ rệt. Bà con có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức, tích cực học hỏi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.
"Ngoài các mô hình chăn nuôi, bà con còn tham gia mô hình trồng rừng gỗ lớn để phát triển kinh tế bền vững. Hiện nay mỗi hộ có từ 5-10ha rừng, nhiều gia đình thu hàng chục triệu đồng từ gỗ rừng trồng. 99% số hộ ở 3 bản có ti vi, tủ lạnh, đời sống bà con ngày càng được nâng cao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Đến nay các bản Chen - Chự - Hồ không còn hộ đói, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên thành hộ khá, xây dựng nhà cửa khang trang, có điều kiện mua sắm được các vật dụng, trang thiết bị thiết yếu, chăm lo con cháu học hành" - Chủ tịch UBND xã Yên Sơn nói.
Không chỉ là một trong những xã khó khăn nhất của huyện, Đông Cửu còn là xã nằm cách xa trung tâm huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) nhất. Thế nhưng giờ đây, trên con đường dẫn vào trung tâm xã, xen lẫn giữa những vạt rừng sắp thu hoạch là những nếp nhà xây kiên cố, những cửa hàng tạp hóa cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân.
Ông Hà Văn Cách, Chủ tịch UBND xã Đông Cửu cho biết, xã có trên 90% dân số là người dân tộc Mường. Những năm trước, người dân trong xã sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, tập quán sản xuất canh tác lạc hậu.
Được thụ hưởng các chính sách ưu tiên của Nhà nước, bà con nỗ lực vượt khó, thay đổi tập tục sản xuất, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại và những vùng sản xuất tập trung.
"Bên cạnh các chính sách phát triển kinh tế, chính sách hỗ trợ giáo dục cũng luôn được ưu tiên chú trọng. Đến nay, mạng lưới, quy mô trường lớp từ mầm non đến trung học cơ sở của xã được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em đồng bào các dân tộc trong độ tuổi đến trường. Đồng thời, kinh tế hộ gia đình phát triển, bà con cũng đã chú trọng đến việc đầu tư cho con em đi học hơn. Hiện tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đến trường của xã đạt 100%" - Chủ tịch UBND xã Đông Cửu phấn khởi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.