Tưởng mất trắng vỡ nợ, anh nông dân Thái Nguyên vẫn quyết tái đàn nuôi lợn
Vượt qua dịch bệnh, anh nông dân này ở Thái Nguyên vẫn khá giả lên nhờ nghề nuôi lợn
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ bảy, ngày 02/07/2022 13:01 PM (GMT+7)
Gắn bó với đồng ruộng từ khi còn nhỏ, do đó sau khi học xong phổ thông, anh Kiên đã quyết định phát triển kinh tế gia đình với công việc chăn nuôi lợn. Trải qua nhiều lần thất bại vì dịch bệnh, đến nay anh Kiên đã có được nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi lợn.
Anh Nguyễn Văn Kiên, xóm Ngò Thái, xã Tân Đức, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên hiện đang là chủ của trang trại chăn nuôi lợn với quy mô tương đối lớn.
Clip: Anh Nguyễn Văn Kiên (xóm Ngò Thái, xã Tân Đức, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ về những khó khăn trong quá trình chăn nuôi lợn của mình (Clip: Hà Thanh).
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Kiên cho biết: Trước đây anh chủ yếu chăn nuôi gà với số lượng lớn. Đến năm 2014, anh bắt đầu chuyển sang chăn nuôi lợn. Ban đầu anh nuôi với quy mô 200 lợn thịt. Do thời điểm đó, giá con giống liên tục tăng cao nên đến năm 2016 anh mới quyết định xây dựng lại chuồng trại để nuôi lợn nái với quy mô 50 con. Đến 2018 anh xây thêm một chuồng lợn thịt với quy mô 300 con và nâng tổng số lượng lên 500 lợn thịt.
Năm 2019 sau khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, gia đình anh Kiên phải tiêu huỷ 20 lợn nái và hơn 7 tấn lợn thịt. Bước sang năm 2020 khi dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục bùng phát trở lại, gia đình anh Kiên lại một lần nữa phải tiêu huỷ hết 50 con lợn nái và 400 con lợn thịt.
Nhưng rất may, do chi phí chăn nuôi khi đó không cao nhưng giá lợn lại cao nên số lợn còn sót lại đủ để anh Kiên thu hồi vốn mà không bị mất chi phí ban đầu. Đến năm 2021 khi dịch bệnh tạm ổn, gia đình anh Kiên lại tiếp tục tái đàn.
Hiện tổng diện tích chuồng trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Kiên khoảng 1.500m2, trong đó chuồng nuôi lợn thịt là 1.000m2 còn lại là nuôi lợn nái. Với 50 lợn nái, trung bình mỗi năm sẽ sinh sản khoảng trên 1.000 lợn con. Với số lượng lợn ổn định như hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình anh Kiên xuất bán khoảng 120 tấn lợn thịt.
Thuận lợi của gia đình anh Kiên là có sẵn quỹ đất để chăn nuôi nên không phải mua, tiết kiệm được chi phí đầu tư ban đầu. Cùng với đó, vị trí địa lý thuận lợi cho quá trình chăn nuôi, ít ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đồng thời được ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn để phát triển chăn nuôi.
Bên cạnh đó, trong quá trình chăn nuôi, gia đình anh Kiên cũng gặp phải không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi. Cộng với giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng cao mà giá lợn lại rẻ gây khó khăn về nguồn vốn cho những người chăn nuôi như anh.
Tuy nhiên, sau 1 năm vực dậy khó khăn, đến nay gia đình anh đã bắt đầu có nguồn thu tương đối ổn định từ chăn nuôi lợn thịt. Hiện tại trang trại lợn của anh Kiên còn tất cả 40 lợn nái và khoảng gần 400 lợn thịt.
Là một người có kinh nghiệm trong chăn nuôi lâu năm, theo anh Kiên để hạn chế những rủi ro lớn nhất có thể xảy ra trong quá trình nuôi lợn thì việc quan trọng nhất đó là phải đảm bảo an toàn sinh học, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và chất lượng con giống phải tốt.
Do đó phải thiết kế hệ thống chuồng trại đảm bảo tối ưu nhất, cho hiệu quả tốt nhất và nâng cao sức khoẻ cho đàn lợn nái. Đồng thời cần phải chủ động được nguồn vốn và lựa chọn được nguồn cung cấp thức ăn đảm bảo trong quá trình chăn nuôi thì mới có thể phát triển lâu dài được.
Theo anh Kiên, để hạn chế những rủi ro lớn nhất có thể xảy ra trong quá trình chăn nuôi lợn thì việc quan trọng nhất đó là phải đảm bảo an toàn sinh học (Ảnh: NVCC).
Ngoài nuôi lợn, anh Kiên còn kết hợp nuôi thêm cá trên tổng diện tích 500m2 mặt nước. Tuy nhiên đây chỉ là nguồn thu nhập thêm, mỗi năm cho gia đình anh khoảng 15 – 20 triệu đồng. Còn nguồn thu nhập chính hiện nay của gia đình anh Kiên vẫn là từ chăn nuôi lợn. Anh Kiên cho biết, nếu tình hình dịch bệnh và giá cả ổn định như hiện nay thì từ nay đến cuối năm 2022 gia đình anh sẽ có khoảng 500 triệu đồng tiền lãi từ nuôi lợn.
Ông Đinh Văn Định – Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Đức cho biết: Anh Nguyễn Văn Kiên là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu, gương mẫu trong sản xuất, chăn nuôi tại địa phương. Mặc dù trong những năm qua dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất chăn nuôi của nhiều hộ gia đình.
Tuy nhiên, anh Kiên là một trong những người năng động, sáng tạo, luôn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đảm bảo về công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi nên đã hạn chế được tối thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi của gia đình. Đồng thời, anh cũng không ngừng tìm hiểu thị trường, có nhiều bứt phá đi lên do đó gia đình anh có thu nhập tương đối ổn định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.