“Mỗi ngày cập nhật giá lợn hôm nay 22.7 thật là vui. Hội mình sống rồi, giá lợn leo thang. Đoàn kết nhé anh em…”, lâu lắm rồi mới thấy sức sống trở lại trên diễn đàn Facebook “Làm giàu từ chăn nuôi lợn” như vậy.
Mặc dù giá lợn hôm nay 22.7 đang tăng, nhưng người nuôi phải cẩn trọng tăng đàn nếu không lại rơi vào bẫy khủng hoảng.
Cắt lỗ!
Từ chỗ vẫn ngụp lặn ở khung giá 20.000 – 25.000 đồng/kg hồi cuối tháng 6, qua tuần đầu tiên của tháng 7, giá heo đã “leo dốc” một mạch lên mức 40.000 – 44.000 đồng/kg ở hầu hết các địa phương và giá lợn hôm nay 22.7 vẫn xoay quanh mốc trên.
Từ trại lớn, trại nhỏ, đến hộ chăn nuôi chỉ nuôi một vài con nái... đã từ “cõi chết sống lại”. Các nhà máy thức ăn, doanh nghiệp kinh doanh nguyên liệu cũng thở phào với số hàng tồn kho đang chất cao như núi. Đại lý thức ăn, thuốc thú y có cơ hội thu hồi nợ, tiếp tục bán hàng. Ngay cả người làm dịch vụ vận chuyển thức ăn, vận chuyển heo hơi cũng có thêm việc làm, thêm thu nhập khi thị trường thịt heo sôi động trở lại.
Hai từ cắt lỗ tưởng chỉ dành cho dân chơi chứng khoán nhưng nay, nó cũng được giới chăn nuôi xài phổ biến. Nếu như cách nay chưa đầy tháng, một chủ trại có chừng trăm heo bố mẹ phải gồng gánh khoản lỗ ít nhất là 200 triệu đồng mỗi tháng, nay, giá heo vọt lên hơn 40.000 đồng đã giúp ông tạm thời cắt lỗ và có lời chút đỉnh. Giá heo tăng còn đặc biệt có ý nghĩa hơn với các đại gia chăn nuôi. Một doanh nghiệp FDI xuất chuồng mỗi ngày khoảng 10.000 con heo, chỉ cần lỗ mỗi con hơn 1 triệu đồng thì mỗi ngày, cũng mất toi nửa triệu đôla chứ không ít.
Nghe đâu mấy ngày qua, giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở phía Bắc, từ chỗ “điên điên khùng khùng” bỗng cười nói trở lại. Heo tăng giá nên ông nhìn thấy được tương lai giải quyết 280.000 tấn bã nành và bắp, trị giá gần 2.000 tỉ đồng còn tồn kho. Giám đốc doanh nghiệp kinh doanh thịt heo đông lạnh HL cũng thoát khỏi “căn bệnh trầm cảm” suốt mấy tháng trời, vì đã có khách hàng hỏi mua thịt đông lạnh làm nguyên liệu chế biến, vốn dĩ doanh nghiệp của ông còn tồn hơn 5.000 tấn...
Thoát đáy?
Câu hỏi được cả ngành chăn nuôi quan tâm lúc này là liệu thị trường heo hơi đã thoát đáy khủng hoảng hay chưa? Nếu nhìn vào tín hiệu giá tăng liên tục trong suốt gần hai tuần trở lại đây, có thể tạm thời kết luận giá heo khó giảm về mức đáy như cách nay hai ba tháng. Theo phân tích của giới chuyên môn, heo tăng giá xuất phát từ nguyên nhân trong quãng thời gian hai tuần cuối tháng 6 và đầu tháng 7, Trung Quốc đột ngột gia tăng nhập khẩu.
Khoảng nửa tháng giai đoạn này, mỗi ngày có ít nhất hơn 10.000 con heo được thương lái gom từ khắp nơi xuất sang Trung Quốc, làm giảm đi nhanh chóng đàn heo quá cỡ còn tồn đọng ở các trang trại. Mặc dù, giá heo hơi giao dịch tại cửa khẩu chỉ quanh ngưỡng 35.000 – 38.000 đồng/kg, nhưng bấy nhiêu đó cộng với việc xuất được khối lượng lớn, cũng giúp thị trường nội địa xảy ra biến động nguồn cung, gây tăng giá.
“Đàn heo quá cỡ được giải quyết, cộng với nhu cầu nội địa vẫn ở mức cao nên nguồn cung trong nước giảm nhanh, giá tăng là phải!”, đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài, phân tích.
Giá lợn hơi hôm nay 22.7, lợn hơi nhiều nơi vẫn duy trì mức giá trên 40.000 đồng/kg. Ảnh: T.Q
Bên cạnh tín hiệu tăng giá, xét đến yếu tố tổng đàn, cũng có thể kết luận hiện nay đàn heo đã ổn định, nghĩa là không còn tồn đọng quá nhiều như các tháng trước, nên tương lai giá sẽ còn tăng chứ không giảm. Phân tích như vậy sẽ có người phản bác, vì nếu người nuôi cắt đàn nái từ tháng 1.2017, thì phải mất mười tháng sau đàn heo thịt mới giảm, chứ không thể xảy ra biến động ngay trong tháng 7, gây ra tình trạng giá tăng như hiện nay được.
Đó là trên lý thuyết, còn thực tế, từ tháng 4.2017 trở đi, do nguồn cung dư thừa, giá heo giảm xuống đáy nên người dân cả nước đổ xô ăn thịt heo.
Ở các vùng nông thôn, nhà nhà chung tiền giết mổ heo đã thành phong trào. Một con heo năm, sáu chục ký có giá hai, ba trăm ngàn nên người dân thi nhau mổ, tình trạng này khiến đàn heo bị “bứt” rất nhanh. Do đó, không phải chờ đến tháng 10 hoặc cuối năm nay đàn heo mới giảm như suy nghĩ của nhiều người. Ngay từ tháng 7 đã xuất hiện cung cầu vênh nhau nên giá mới tăng.
Có nhiều nguồn tin cho rằng, việc Trung Quốc đang nhập heo từ Việt Nam để giải quyết tình trạng thiếu hụt cục bộ ở một số địa phương, do bị lũ lụt hồi cuối tháng 6. Ý kiến này hoàn toàn đúng. Vì nếu Trung Quốc thiếu heo như hồi năm 2015, 2016 thì giá thịt heo nội địa của họ đã tăng chứ không bình bình ở mức 12 – 13 tệ/kg như hiện nay. Giá heo ở Trung Quốc thấp cho thấy nước này cải thiện đàn khá nhanh, nguồn cung heo không hụt nhiều nên nhu cầu mua ồ ạt từ Việt Nam như cách nay hai năm là khó xảy ra.
Như vậy có thể kết luận, giá heo hơi đang tăng hiện nay có phần nguồn cung bị hụt. Tình trạng giảm đàn chỉ xảy ra ở những người nuôi nhỏ lẻ, còn các trang trại lớn, trại nuôi chuyên nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI vẫn duy trì tổng đàn chứ không giảm. Hơn lúc nào hết, người chăn nuôi cần tỉnh táo trước quyết định tăng giảm đàn, bởi không khéo lại rơi vào bẫy khủng hoảng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.