Giá nông sản hôm nay 2/2, thị trường cà phê Tây Nguyên tăng nhẹ 100 đồng/kg, giúp đưa giá cà phê lên mốc 37.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ
Giá cà phê hôm nay tiếp tục tăng
Theo khảo sát, tại "vựa cà phê" Tây Nguyên, giá thu mua cà phê nguyên liệu đang được các nhà thu mua, doanh nghiệp điều chỉnh tăng thêm 100 đồng/kg so với hôm qua. Theo đó, một số huyện ở Đắk Lắk và Gia Lai ghi nhận giá lên lại mốc 37.000 đồng/kg và đây cũng là mức giá cao nhất hiện nay.
Các vùng khác như Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum giá cà phê hôm nay giao dịch từ 36.500 - 36.800 đồng/kg.
Tại khu vực cảng TP. Hồ Chí Minh, giá cà phê robusta xuất khẩu loại 1 cũng tăng nhẹ 100 đồng, lên 38.600 đồng/kg trong sáng nay.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT vừa cho biết, trong tháng 1.2018, xuất khẩu cà phê nước ta ước đạt 173.000 tấn với giá trị đạt 338 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 7% về giá trị.
Giá cà phê hôm nay đã có nơi đạt 37.000 đồng/kg. Nguồn: tintaynguyen
Giá tiêu hôm nay không đổi, nơi cao nhất đạt 65.000 đồng/kg
Theo Bộ NN&PTNT, trong khi các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực có sự tăng trưởng khá tốt trong tháng 1/2018 thì hồ tiêu vẫn đang đi xuống, với sự sụt giảm về kim ngạch. Mặc dù khối lượng tiêu xuất khẩu tăng tới 59%, ước đạt 13.000 tấn, nhưng giá trị lại giảm gần 9%, đạt 56 triệu USD.
Giá tiêu hôm nay 2/2 giao dịch từ 62.000 - 65.000 đồng/kg, không đổi so với hôm qua. Ảnh minh hoạ
Trong sáng nay, giá hồ tiêu nguyên liệu không đổi, song vẫn giao dịch ở mức thấp, giá phổ biến từ 62.000 - 65.000 đồng/kg, trong đó giá cao nhất là tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 65.000 đồngkg; giá thấp nhất là tại Đồng Nai, duy trì ở mức 62.000 đồng/kg trong 2 phiên giao dịch gần đây.
Trên thị trường thế giới, giá hạt tiêu giao dịch trên sàn Kochi (Ấn Độ) giao kỳ hạn các tháng 2, 3, 4, 5/2018 đều tăng 60-65 Rupi đạt đạt lần lượt 44.530 Rupi/tạ (+0,13%); 44.750 (+0,15%) Rupi/tạ; 44.995 (+0,14%) Rupi/tạ và 45.215 (+0,14%) Rupi/tạ.
Theo ghi nhận của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), hiện các vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ nhiều diện tích tiêu đang tiếp tục bị gây hại bởi tuyến trùng rễ, bệnh chết nhanh, chết chậm. Nguyên nhân là do cuối năm 2017, tổng lượng mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm, làm ảnh hưởng đến những vườn tiêu không có hệ thống thoát nước hoặc hệ thống thoát nước kém, làm cho vườn tiêu bị úng nước liên tục trong nhiều ngày, cây tiêu bị thối rễ và tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập gây hại, khiến tiêu liên tục chết (do bị bệnh chết nhanh Phytophthora sp) hoặc bị vàng lá hàng loạt (do bệnh chết chậm Pythium sp và Fusarium sp).
Để phòng chống bệnh ngay khi mới trồng, đảm bảo sản xuất hạt tiêu an toàn và bền vững, Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo người trồng tiêu thiết kế hệ thống thoát nước trong mùa mưa và xử lý nguồn bệnh theo “Quy trình Kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại cây tiêu”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.