Trồng mít Thái ra trái to bự, ông nông dân tỉnh Gia Lai năm nào cũng lãi 300 triệu ngon ơ
Trồng mít toàn những cây ra trái to, bự, ông nông dân tỉnh Gia Lai năm nào cũng "đút túi" 300 triệu
Thứ năm, ngày 13/01/2022 13:03 PM (GMT+7)
"Gia đình tôi là hộ duy nhất ở xã Ayun Hạ áp dụng kỹ thuật cho cây mít ra trái vụ nên bán được giá cao, không lo về đầu ra. Với hơn 200 cây mít, mỗi năm, gia đình thu hơn 300 triệu đồng”, ông Ngô Văn Tiến, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai cho biết.
Nhờ cần cù, chịu khó và tích cực học hỏi kinh nghiệm sản xuất, gia đình ông Ngô Văn Tiến (thôn Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) thu nhập 300-350 triệu đồng/năm.
Đưa chúng tôi tham quan vườn cây, ông Tiến cho biết: Gia đình ông quê gốc huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương. Năm 1990, trong một lần vào thăm em trai tại huyện Phú Thiện, nhận thấy đất đai nơi đây còn nhiều, dân cư thưa thớt, ông quyết định đưa vợ con vào đây lập nghiệp.
“Lúc mới vào, nơi đây còn rậm rịt cây cối. Ban đầu khai hoang tới đâu, tôi trồng xoài, trồng lúa đến đó. Sau 5 năm, tôi có 5 ha cây trồng. Thời điểm xoài được mùa, được giá, tôi thu 70-80 triệu đồng/năm”-ông Tiến nhớ lại.
Không dừng lại ở đó, năm 2004, ông Tiến lặn lội vào các tỉnh miền Tây để học hỏi kỹ thuật trồng cây ăn quả. Đến năm 2005, khi giá xoài giảm còn 5.000 đồng/kg, ông chuyển sang trồng mít Thái.
Ông cho biết: “Tôi bắt đầu trồng mít Thái với số lượng lớn vào năm 2007. Khi đó, người dân nơi đây nói tôi bị khùng. Họ cho rằng trồng mít nhiều như vậy biết bán đi đâu cho hết. Thế nhưng, năm 2009, khi mít cho thu bói, nhiều người mua ăn, rồi gửi về quê thấy ngon nên quay trở lại mua tiếp.
Cứ người này giới thiệu người khác rồi dần dần thương lái tới mua ngày một nhiều. Gia đình tôi là hộ duy nhất ở xã Ayun Hạ áp dụng kỹ thuật cho mít ra trái vụ nên bán được giá cao, không lo về đầu ra. Với hơn 200 cây mít, mỗi năm, gia đình thu hơn 300 triệu đồng”.
Ngoài trồng mít, ông Tiến còn trồng thêm củ ấu, điều, mì, gỗ sưa, đinh lăng. Hiện nay, gia đình ông Tiến thu gần 200 triệu đồng/năm từ trồng điều, mì và củ ấu.
Cộng với thu nhập từ mít, trừ chi phí, gia đình ông lãi 300-350 triệu đồng/năm. Riêng 8 sào gỗ sưa 14 năm tuổi cùng với hơn 1 vạn cây đinh lăng đã 7 năm tuổi là nguồn thu lớn trong nay mai của gia đình.
“Kinh nghiệm của tôi là không độc canh mà trồng nhiều loại cây để tránh rủi ro khi giá cả bấp bênh. Ngoài ra, người trồng cần nắm bắt kịp thời thị trường để chuyển đổi cây trồng phù hợp nhằm đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm”-ông Tiến chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Đoàn Văn Thủy (thôn Đoàn Kết) bày tỏ: “Nhà tôi có hơn 2 ha cây ăn trái. Để chăm sóc cây trồng tốt hơn, tôi thường xuyên học hỏi kỹ thuật từ ông Tiến”.
Nói về ông Tiến, ông Nguyễn Văn Hải-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai)-cho hay: Ông Tiến là người chịu khó trong lao động và học hỏi kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất hiệu quả. Nhờ đó, ông đã từng bước nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng để cải thiện thu nhập. Ông còn thường xuyên hỗ trợ các hội viên nông dân về kỹ thuật, cây giống để cùng nhau phát triển sản xuất hiệu quả nhằm tăng thu nhập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.