Đây là phân tích của ông Lê Hồng Thắng - Ủy viên Hội đồng quản trị, Kế toán trưởng Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.
“Không phải tin vui”
Ông Thắng cho biết, quy định sửa đổi luật thuế, với việc chuyển mặt hàng phân bón từ danh mục chịu thế GTGT 5% sang nhóm mặt hàng không phải chịu thuế GTGT, thì không phải là tin vui với DN và nông dân như nhiều người đã nói, mà là ngược lại, DN sản xuất phân bón trong nước sẽ gặp khó khăn.
Nếu giá phân bón tăng, dù chỉ vài trăm đồng/kg, cũng sẽ thêm gánh nặng, bên cạnh giá đầu vào của nhiều vật tư khác.
Việc chuyển đổi nhóm mặt hàng chịu thuế GTGT 5% sang mục không phải chịu thuế GTGT, được kỳ vọng có tác động tích cực với ngành nông nghiệp, trên cơ sở lập luận rằng: Thuế GTGT là thuế gián thu, tính vào giá bán hàng hóa. Khi Nhà nước chuyển mặt hàng này không phải chịu thuế, về mặt nguyên tắc, phải giảm giá bán xuống tương ứng 5%. Trên thực tế, có giảm tương ứng hay không còn phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường.
“Nhưng hiện tại, về phía DN, chúng tôi chưa thấy có lợi gì, mà thấy hại hơn cả về mặt kinh tế - ông Thắng phân tích - nếu như Quốc hội thông qua biểu quyết đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế và hưởng thuế suất 0% thì DN sản xuất phân bón mới có lợi vì đầu vào được khấu trừ và đầu ra không bị tính thuế. Theo đó, giá phân bón có cơ hội giảm xuống, nông dân cũng có lợi. Nhưng lại ngược lại, khi được xếp vào nhóm hàng miễn thuế GTGT, DN không được khấu trừ thuế đầu vào (than, quặng, điện…), nên DN phải hạch toán cả với khoản đầu vào này, giá sản phẩm của DN vì vậy sẽ tăng lên tương ứng số thuế đầu vào không được khấu trừ.
Ông Thắng nêu ví dụ: Hiện nay, trung bình mỗi năm tiền thuế GTGT nhập khẩu nguyên liệu đầu vào với thuế suất 10%, đối với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, khoản này lên đến 140 tỷ đồng. Trong đó, hàng năm công ty dành 30 tỷ đồng nhập khẩu lưu huỳnh, 15 tỷ đồng cho nhập bao bì, 30 tỷ đồng tiền công cước vận chuyển, gần 10 tỷ đồng nhập than. Chi phí đầu vào các mặt hàng khác là trên 60 tỷ đồng… Theo luật cũ thì cuối mỗi năm, công ty sẽ được hoàn số tiền thuế trên, tuy nhiên, theo quy định điều chỉnh của luật thuế mới thì thuế GTGT “đầu vào” không được khấu trừ nữa.
Thiệt trên 100 tỷ đồng/năm
Với khó khăn trên, ông Thắng nhận định: “Không riêng gì của Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, mà nhiều đơn vị sản xuất phân bón khác như đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình…, khi hàng năm nhập 100% nguyên liệu là than đá với thuế suất 10%, họ phải chịu thuế với số tiền rất lớn”.
Quan điểm
Hiện nay, đã có quy định điều chỉnh sửa đổi Luật Thuế GTGT, song chưa có văn bản hướng dẫn, khiến cho DN rất lúng túng không biết thực hiện thế nào
Trước câu hỏi, ND và người dân sẽ gánh “thiệt hại” cụ thể như thế nào khi áp dụng luật mới, ông Thắng cho biết: “Theo tính toán của chúng tôi, một khi bị cắt khoản hoàn thuế GTGT đầu vào thì chúng tôi sẽ bị thiệt mất khoảng trên 100 tỷ đồng mỗi năm. Khoản chênh lệnh này sẽ được bù vào giá phân bón, theo đó, giá sẽ được điều chỉnh tăng lên khoảng trên 2,5% so với hiện tại. Đương nhiên, người dân (khách hàng mua phân bón) phải gánh chịu thêm khoản tăng giá đó. Dù trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã cố gắng, sử dụng mọi biện pháp để giảm giá thành để nhẹ gánh cho người dân, song trước tình thế mới này, nếu Nhà nước không điều chỉnh lại quy định về thuế nói trên thì chúng tôi không còn phương án nào khác”.
Để “gỡ khó” cho DN và nông dân trước vấn đề này, ông Lê Hồng Thắng kiến nghị cần điều chỉnh lại quy định các mặt hàng chịu thuế GTGT, hoặc đưa các DN phân bón vào lại đối tượng chịu thuế và hưởng thuế suất 0%, từ đó, sẽ giúp cho các mặt hàng phân bón được ổn định giá cả, người nông dân được hưởng lợi ích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.