Giá thực phẩm giảm

Thứ ba, ngày 20/09/2011 16:07 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giá thực phẩm ở các chợ đầu mối tại một số thành phố lớn đang giảm, tùy mặt hàng, với tốc độ giảm khá nhanh. Cũng đừng vội nghĩ giá thực phẩm giảm là nhờ việc thực thi bình ổn giá, vì đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến giá thực phẩm giảm mà thôi.
Bình luận 0

Mùa rau xanh đang tới, nguồn cung cấp khá dồi dào từ các vườn rau là một nguyên nhân khiến giá rau xanh giảm. Thịt lợn hơi cũng khá dồi dào, và khi “đầu vào” tăng, còn “đầu ra” là sức mua lại không tăng, thì tất sẽ dẫn tới giảm giá. CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng rồi giảm xuống dưới 1% là một tín hiệu đáng mừng, vì nó chứng tỏ “con ngựa lạm phát” đang giảm tốc.

Nhưng thông thường, sau một thời kỳ lạm phát tăng cao chóng mặt, lại sẽ tới thời kỳ thiểu phát do sức mua giảm hẳn. Lạm phát giảm trên lý thuyết không có nghĩa là đời sống của người lao động dễ chịu hơn, nếu trên thực tế thu nhập của họ không tăng.

Giảm giá thực phẩm dĩ nhiên đáng mừng cho người tiêu dùng, nhưng lại không mừng cho người sản xuất, trong khi từ giá phân bón đến giá thức ăn gia súc cứ tăng mà giá rau hay giá thịt gà, thịt lợn lại giảm. Những người nông dân nuôi gà thả vườn đang bải hoải vì giá gà đột nhiên giảm chỉ còn bằng với giá gà công nghiệp, trong khi chi phí nuôi gà thả vườn lại cao hơn và mức giá gà thả vườn trước đây thường vẫn cao hơn giá gà công nghiệp 10.000 đồng/kg.

Điều đó chứng tỏ sức tiêu thụ mặt hàng này đã giảm nhiều. Cũng như vậy, giá thịt lợn giảm chỉ vì người tiêu dùng ít dám ăn thịt lợn do giá cao mà đã chuyển sang ăn các thứ thực phẩm khác rẻ tiền hơn.

Vì thế, chỉ số đúng đắn nhất để đo mức lạm phát giảm là thu nhập của đông đảo người lao động tăng, nhất là ở những người trực tiếp lao động. Khi thu nhập của số đông người lao động trong xã hội tăng, thì lúc ấy lạm phát sẽ giảm một cách bền vững.

Còn bây giờ, trong lúc các gói hàng khác từ giáo dục đến y tế đến giao thông đều tăng, mà giá thực phẩm lại giảm, thì đó là điều đáng lo ngại chứ không hẳn đã vui mừng. Vì điều đó chứng tỏ một bộ phận đông đảo những người sản xuất lương thực, thực phẩm đang ngày càng khó tiếp cận với những “gói hàng” khác ngoài lương thực, thực phẩm nhưng cũng hết sức cần thiết với họ như giáo dục, y tế và giao thông.

Việc lạm thu tiền trường, tăng viện phí, giá xăng dầu cao… tất cả đều đánh vào người nông dân đang sản xuất lương thực, thực phẩm cho xã hội. Trong lúc đó, giá thực phẩm lại giảm.

Các chỉ số tầm vĩ mô như CPI… có ý nghĩa rất tương đối trong những bài toán giản đơn nhưng thực tế này.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem