Giá thuốc tăng: Địa phương không quản lý nổi

Thứ hai, ngày 04/04/2011 18:56 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hiện nay giá thuốc trên thị trường, nhất là thị trường nông thôn liên tục biến động khiến người dân hoang mang, còn cơ quan quản lý địa phương bất lực trong việc kiểm soát.
Bình luận 0

Giá thuốc tăng và không đồng nhất

img
Người dân lo lắng vì giá thuốc liên tục tăng.

Theo ghi nhận của NTNN tại một số cửa hàng thuốc trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, giá thuốc tăng và có nhiều sự chênh lệch.

Ví dụ: Thuốc phong tê thấp Bà Giằng, của Cơ sở sản xuất thuốc Y học Cổ truyền Bà Giằng đã tăng 2 lần kể từ thời điểm cuối năm 2010. Tính đến ngày 31.3 giá bán đã tăng từ 39.000 đồng lên 47.000 đồng/hộp, trong khi đó giá kê khai của phong tê thấp Bà Giằng cũng đang ở mức ngấp nghé 47.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị Ngoan - chủ hiệu thuốc ở thị trấn Hoằng Hoá, Thanh Hoá cho biết: “Thực tế giá thuốc trên thị trường trong thời gian vừa rồi có tăng, nhưng tăng rất thất thường. Chủ yếu là các thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, chế phẩm đông dược, thuốc xương khớp... Hiện nay, do các chủ hiệu thuốc không thể cập nhật thường xuyên giá cả nên chúng tôi phải bán tăng giá, đề phòng việc mua đuổi bán đuổi”.

Tại Hòa Bình, thuốc nội cũng đã đồng loạt tăng giá, tăng nhiều nhất là dòng thuốc kháng sinh như cephalexin, giảm đau, chống viêm alpharmebisin và thuốc trị bệnh mãn tính. Có thể kể đến một số mặt hàng thuốc tăng giá đột biến trong đợt này như: Dầu Phật Linh tăng từ 2.000 đồng/lọ lên 3.500 đồng/lọ, bổ phế chỉ khái lộ Nam Hà chai 125ml tăng từ 14.000 lên 18.000 đồng/chai, miếng dán hạ sốt trẻ em aikido tatra tăng từ 15.000 lên 18.000 đồng/miếng...

Hiện nay, các công ty dược trong tỉnh đang phải chấp nhận nhập một số loại thuốc báo giá bằng, thậm chí cao hơn giá bán lẻ tới người bệnh. Ví dụ như dầu Phật Linh nhập vào giá 3.700 đồng/lọ trong khi giá bán lẻ thời điểm này là 3.500 đồng/lọ”.

Khó quản lý giá

Nếu như tại Hà Nội, thanh tra “bó tay” với việc quản lý giá thuốc, thì ở các địa phương, tình hình còn bi đát hơn nhiều. Bà Trần Thị Bích - Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hoá cho biết: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.300 điểm bán thuốc, 39 công ty cổ phần, TNHH kinh doanh các mặt hàng thuốc tân dược và đông dược. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát giá cả các mặt hàng thuốc chỉ có thể tiến hành trong một phạm vi hẹp, ở tuyến huyện, tuyến xã gặp rất nhiều khó khăn”.

Cuộc kiểm tra mới đây của Phòng Quản lý dược (Sở Y tế Thanh Hóa) cho thấy: Trong số 895 loại thuốc được sử dụng nhiều thì có 107 mặt hàng tăng giá, chiếm 12%. Trong đó thuốc nội có 72 mặt hàng, chiếm 8% và mức độ tăng giá cao hơn hẳn so với thuốc ngoại.

Ví dụ như lincomycin 500mg từ 570 đồng tăng lên 750 đồng/viên, tiêu độc Hà Nam tăng từ 18.000 đồng lên 28.000 đồng/ống... Tuy Sở có kiểm tra độ tăng của giá thuốc nhưng lại không nắm được mức giá thuốc kê khai. Điều này dẫn đến một thực trạng, nhiều đơn vị tăng giá mà đơn vị quản lý không biết. Hoặc biết thì cũng không đủ chế tài mà xử phạt. Theo bà Bích, biện pháp duy nhất là để giá thuốc “trôi” theo quy luật cung cầu.

Thực tế, như NTNN đã đưa tin, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có hình thức xử lý 10 doanh nghiệp dược trong nước không kê khai giá thuốc hoặc không giảm giá kê khai thuốc theo đề nghị của Cục. Tuy nhiên, biện pháp xử lý cũng chỉ là dừng cấp số đăng ký và không hề có chế tài về tài chính. Điều này khiến cho các doanh nghiệp dược “nhờn thuốc” trong việc giảm đà tăng giá thuốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem