Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
LTS: Chiếm 8% thị phần xuất khẩu hồ tiêu thế giới, gần đây, Phúc Sinh Group phát triển mạnh cả ở ngành cà phê bao gồm xuất khẩu và chuỗi K Coffee ở trong nước. Với hơn 20 năm lăn lộn trên thị trường quốc tế, ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh là người hiểu rõ hơn ai hết những biến động của thị trường trong từng ngày, từng giờ; nếm trải cả những nghiệt ngã đắng cay... Báo Dân Việt xin trân trọng giới thiệu tới Quý độc giả một bài viết của ông Phan Minh Thông, thể hiện góc nhìn về ngành hàng hạt tiêu hiện nay.
*****
Năm nay là một năm hoàn hảo để nhìn lại những huy hoàng và cả những cuộc vật lộn ở trong quá khứ của ngành hàng hạt tiêu.
Giá tiêu tại Việt Nam bắt đầu tăng mạnh từ năm 2010 đến đỉnh điểm là năm 2015. Lúc đó, hạt tiêu trở thành ngành tỷ USD và khi giá chạm mốc 230 triệu VND/tấn (năm 2015) thì tất cả như vỡ òa. Những người tham gia chuỗi trong ngành tiêu cảm thấy vô cùng phấn khích, từ nông dân và đến các kho bãi, nhà cung cấp và nhà xuất khẩu, ai ai cũng nói về điều kỳ diệu của hạt tiêu.
Giá vàng lúc đó khoảng 35 triệu đồng/lượng và giá USD là 21.350 đồng trên 1 USD; 230 triệu đồng trên 1 tấn tiêu tương đương với 6,5 cây vàng hay 10.700 đô la Mỹ. Lúc đó, đi đến đâu người ta cũng ví von hạt tiêu là "vàng đen" là vì vậy.
Tôi vẫn còn nhớ chuyến đi khảo sát trên cao nguyên, thấy nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu và nói về tiêu. Rất nhiều nông hộ lúc đó còn trữ 3 tấn, 5 tấn tiêu trong nhà, họ kỳ vọng giá tăng lên 250 triệu đồng/tấn mới bán. Tuy nhiên thực tế luôn khắc nghiệt và giá tiêu giảm nhanh sau đó.
Tiêu không lên giá 250 triệu đồng/tấn mà đi xuống 200 triệu đồng rồi 180 triệu đồng/tấn và đến năm 2019 thì xuống còn 36 triệu đồng/tấn. Tức là giá tiêu đã giảm tới 85% trong 3,5 năm. Sản lượng hạt tiêu của Việt Nam lúc đó cũng cao đỉnh điểm, gần 300.000 tấn - một con số kỷ lục khi tăng từ 122.000 tấn (năm 2015).
Giá tiêu giảm nhanh và đến năm 2019 chỉ còn 36 triệu đồng 1 tấn đã gây ra bao nhiêu đau thương và tan hoang. Nhiều người vay tiền mua nương rẫy, mua giống tiêu về trồng đều lâm cảnh thất bại và phá sản.
Lúc đó, nhìn các nương rẫy trồng tiêu bị bỏ hoang, nhiều giấc mơ đẹp bị tàn phá, không ai nói về tiêu nữa.
Khi xuất khẩu đạt tỷ USD, rất nhiều giấc mơ đẹp được dệt nên. Còn khi giá giảm không phanh, thì sự thất vọng, khó khăn chiếm lĩnh gần hết mặt trận ngành tiêu.
Tuy nhiên, vì mảnh đất đó đã trồng tiêu và nó vẫn đang hiện diện, nên người nông dân vẫn phải bám trụ, và vì cuộc sống vẫn tiếp diễn. Cuộc sống là hy vọng, ai làm gì cũng đều có hy vọng. Hy vọng là liều thuốc tuyệt vời để tiếp bước và sinh tồn. Sau khi xuống đáy năm 2019, giá tiêu bắt đầu đi lên. Những người làm trong ngành tiêu, từ nông dân đến nhà xuất khẩu mỗi năm thấy giá tiêu nhích lên một chút thì lại hy vọng hơn và nhìn năm 2015 như một ký ức đẹp để chờ đợi, tiếp tục trồng trọt và kinh doanh hạt tiêu.
Đến năm 2020, giá tiêu bắt đầu nhóm lên kỳ vọng thì đại dịch Covid-19 lan rộng ở Trung Quốc. Năm 2021, 2022 người trong ngành tiêu vẫn giữ kỳ vọng thì đại dịch đã lan rộng sang châu Âu, châu Mỹ. Và dù đại dịch, nhưng giá tiêu vẫn nhích lên và năm 2023 hết dịch thì giá tiêu chững lại do Brazil còn tồn kho nhiều từ năm 2022, lúc này họ bắt đầu tung hàng bán ra thị trường thế giới.
Trước năm 2010, Brazil cung cấp sản lượng tiêu rất khiêm tốn. Nhưng sau khi giai đoạn tăng giá từ 2010 đến 2012, nông dân Brazil cũng nhập cuộc trồng tiêu và sản lượng từ chỗ 35.000 tấn, họ tăng tốc lên 100.000 tấn năm 2021 và bắt đầu cạnh tranh dữ dội với Việt Nam cả về số lượng và giá.
Tiêu Brazil thì ít được ưa chuộng trên thế giới và khi Mỹ không hào hứng, rồi các nước châu Âu ngăn chặn nhập khẩu thì chúng ta tin được không? Việt Nam trở thành nước nhập khẩu lớn nhất tiêu của Brazil.
Câu hỏi là tại sao một nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới, chiếm gần 50% thị phần toàn cầu như Việt Nam lại là nước nhập khẩu lớn nhất của nước xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới?
Đơn giản thôi, chúng ta có nhiều nhà máy chế biến hiện đại hơn Brazil và chúng ta làm tăng giá trị sản phẩm sau chế biến, bán giá cao hơn. Cũng như chúng ta nhập số lượng lớn tiêu của Indonesia vậy. Thời mà lúc nào chúng ta nói hàng nông sản Việt Nam thua kém các nước khác đã qua rồi, ít nhất là trong ngành hạt tiêu và cà phê.
Năm 2023, sản lượng tiêu của Brazil sụt giảm do thời tiết và một cú thay đổi ngoạn mục trong giá tiêu xảy ra cuối năm 2023. Thời tiết thất thường của Brazil từ nhiệt độ bình thường 35/38 độ C lên đến 55-60 độ C, hạn hán và nóng bức đã làm một loạt vườn tiêu rộng lớn của Brazil chết khô.
Những cánh đồng tiêu cháy đen đã đẩy giá tiêu Brazil từ 3.200 USD/tấn (giá FOB) lên đến 4.700 USD/tấn FOB chỉ trong vòng 3 tháng và tiếp tục ở mức cao. Lúc đó khách quốc tế chạy qua Việt Nam mua tiêu mạnh làm giá tiêu Việt Nam tăng liên hồi. Lúc này, ước mơ giá tiêu quay về mốc 100 triệu/tấn năm 2023 là giấc mơ đẹp, và người dân thấy giá tiêu tăng lên thì giữ lại.
Hầu hết nông dân trồng tiêu đều mong ước giá lên 100.000 đồng/kg thì họ sẽ bán, bởi họ đợi lâu quá rồi. Tuy nhiên càng giữ lại thì khách lại càng muốn mua. Trung Quốc là người mua lớn, thời đại dịch do "ngăn sông cấm chợ" nên họ mua cầm chừng, nay họ thấy giá biến động và nhìn thấy nguồn cung khan hiếm, họ bắt đầu tham dự mạnh hơn, đẩy giá tiêu vô cùng "cứng". Ai cũng đợi mùa thu hoạch tiêu đến thì giá giảm nhưng không phải. Giá tiêu không giảm và các nhà mua hàng đợi, đợi mãi mà giá không giảm nên phải tiếp tục mua vào.
Cây tiêu khó trồng và khó chăm sóc, nếu không được tưới theo chu kỳ và không chăm sóc thường xuyên nó rất dễ chết. Khi giá cao, người ta dành nhiều tình yêu, công sức và tiền bạc để chăm sóc cây tiêu, nhưng khi giá xuống thấp, người ta làm cầm chừng và bỏ bê. Năm 2023, sản lượng tiêu cả nước đạt khoảng 170.000 tấn và năm 2024 giảm còn khoảng 160.000 tấn, tức là giảm từ thời đỉnh cao 300.000 tấn năm 2015.
Cùng lúc này, Brazil đang xảy ra hạn hán, nhiệt độ tăng cao như thiêu đốt nên tiếp tục mất mùa tiêu, giá ở mức cao ngất. Cả thế giới sản xuất ra khoảng 455.000 tấn tiêu trong khi nhu cầu khoảng 550.000 tấn, khiến cho các nhà sản xuất, trồng tiêu lại có giấc mơ!
Không biết điều kỳ diệu của năm 2015 có quay lại không? Nhưng lúc này khi tôi đang viết bài cho báo thì giá tiêu nội địa đã là 140-142 triệu đồng/tấn. Và giá vàng là 83 triệu đồng/lượng, giá USD là 25.500 đồng trên 1 USD thì gần như rất ít người bán tiêu ra thị trường.
Năm 2024, nhiều mặt hàng nông sản tăng giá cao, từ cà phê, tiêu, gạo và hạt điều… đều tăng chóng mặt, người nông dân có nhiều niềm vui. Thực ra nông dân xứng đáng hưởng điều đó, họ trải qua nhiều vất vả và hy vọng, cho nên giá cao giúp họ có nhiều điều kiện tái sản xuất hơn - đó là điều tuyệt vời.
Giá có thể tiếp tục tăng nữa với hạt tiêu, nhưng chúng ta cũng học được một bài học, đó là không nên tìm mọi cách tăng mạnh sản lượng vượt nhu cầu để rồi nhìn thấy thảm cảnh trong quá khứ. Khi giá lên cao quá thì cũng phải tỉnh táo để nhìn thấy sự giảm giá lớn trong tương lai, từ đó có cách xử lý điều hành. Cái chính là chúng ta làm thế nào để phát triển bền vững mới là điều quan trọng...
TP.Hồ Chí Minh, 2/6/2024.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.