Sau những cơn bão trên thị trường ngoại hối, chứng khoán thời gian qua cùng nỗi lo ngại về sức khỏe của hệ thống ngân hàng, liệu vàng - tài sản được xem là an toàn trong mắt nhiều người - có cơ hội quay lại thời kỳ hoàng kim những năm trước? Đó là câu hỏi được không ít người đặt ra trong thời gian gần đây. Thực tế là ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố hạ tỉ giá VND/USD thêm 1% và nới rộng biên động dao động từ 1% lên 3%, thị trường vàng đã có những diễn biến nóng nhất thời khi có ngày tăng gần 1 triệu đồng/lượng.
Nhưng trái với kỳ vọng về một đợt tăng giá mới, trao đổi với NCĐT, ông Trần Nhật Nam, Phó Giám đốc Kinh doanh của công ty kinh doanh vàng Bảo Tín Minh Châu, cho biết thời gian gần đây, tuy sức cầu của người mua trong hệ thống của Công ty có tăng nhưng không đột biến lớn.
Điều này đã được thể hiện trong những ngày sau đó. Khi thị trường ngoại hối bình ổn trở lại, giá vàng cũng sụt giảm đáng kể và hiện xoay quanh cột mốc 34-35 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa giá mua và giá bán cũng được thu hẹp so với thời gian trước. Dường như cơn sốt vàng tương tự các năm trước khó mà lặp lại vào thời điểm hiện nay.
Theo ông Nam, người mua vàng, đặc biệt là nhà đầu tư, sở dĩ không mua mạnh vì họ cảm nhận được nhiều rủi ro khó dự đoán trong các tháng tới. Điển hình là giá vàng thế giới biến động quá nhiều, cũng như viễn cảnh đồng USD được dự báo mạnh lên sẽ ngăn cản đà tăng giá của vàng.
Các yếu tố khác cũng không hỗ trợ cho giá vàng. Khác với mọi năm, lạm phát trong năm nay diễn biến khá tích cực. Tính đến cuối tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng rất khiêm tốn, chỉ 0,61% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến cho nhu cầu tìm nơi trú ẩn của dòng vốn như kinh doanh vàng không còn là ưu tiên lớn của nhiều người. Việc Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát thị trường vàng cũng khiến giá vàng trong nước và quốc tế không liên thông, ảnh hưởng tâm lý của những người nắm giữ vàng.
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới, trong quý II/2015, Việt Nam đã tiêu thụ tổng cộng 14,5 tấn vàng, nâng tổng lượng tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm đạt 33,3 tấn, chưa bằng một nửa của năm ngoái. Trong đó, nhu cầu vàng trang sức vẫn tăng khá tốt khi tăng trưởng đến 22% trong quý II so với cùng kỳ năm trước, bù đắp lại phần nào việc sụt giảm đến 12% của nhu cầu vàng miếng trong kỳ.
Lượng vàng tiêu thụ tại Việt Nam trong các quý gần đây
Nhưng trên toàn cầu, sức hấp dẫn của vàng vẫn đang đi xuống. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, tổng nhu cầu vàng trong quý II của thế giới chỉ dừng lại ở mức 915 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Mức suy giảm diễn ra trên cả thị trường vàng trang sức lẫn vàng miếng. “Thị trường vàng đã gặp nhiều khó khăn trong quý II vừa qua, đặc biệt tại châu Á, do nhu cầu tại Ấn Độ và Trung Quốc suy giảm”, Alistair Hewitt, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường của Hội đồng Vàng Thế giới, đánh giá.
Trong các tháng cuối năm, thị trường vàng sẽ tiếp tục nhạy cảm với những thông tin trái chiều từ chính sách không đồng nhất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Hành động hạ giá trị đồng nhân dân tệ mới đây của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thật sự gây khó cho nhiều ngân hàng trung ương các quốc gia khác, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nhưng chưa hết, ngày 25.8 vừa qua, Trung Quốc lại tiếp tục giáng thêm một cú đấm vào mục tiêu nâng lãi suất của FED khi hạ lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lần thứ 5 chỉ trong 10 tháng qua.
Tuy nhiên, FED sẽ không thể trì hoãn quyết định nâng lãi suất được lâu vì áp lực bong bóng tài sản đang lớn dần. Chia sẻ với NCĐT, ông Yun Hang Jin, Giám Đốc khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc), cho rằng FED chắc chắn sẽ tăng lãi suất trong năm nay nhưng biên độ có thể không lớn. Điều này sẽ tránh tạo ra những cú sốc lớn cho thị trường. Nhưng đây sẽ là tin xấu cho thị trường kim loại như sắt, vàng, đồng...
Hiện tại, các dự báo về thị trường vàng vào những tháng cuối năm nay giữa các tổ chức vẫn còn cách biệt rất lớn. Theo các chuyên gia phân tích của Ngân hàng HSBC, giá vàng sẽ tăng đáng kể vào cuối năm nay lên hơn 1.200 USD/ounce do các thông tin về nâng lãi suất của FED đã được hấp thụ vào giá cũng như khoảng thời gian giá thấp trong quá khứ có thể kích hoạt nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại.
Tuy vậy, ở phía quan điểm ngược lại, một số chuyên gia cho rằng vàng vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nguy cơ đồng USD tăng lên, cũng như nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục đi xuống thêm một thời gian nữa trước khi tác động của các đợt phá giá tiền tệ gần đây phát huy hiệu lực.
Theo dự đoán của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu cả năm 2015 sẽ đạt 4.200-4.300 tấn, cải thiện không đáng kể so với con số của năm ngoái là 4.220 tấn.
Hãy quay trở lại với trường hợp của Việt Nam, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, trong bối cảnh hiện nay tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và có thể xem là an toàn cho nhà đầu tư. Ví dụ, với mức lãi suất trung bình của tiền gửi ngân hàng hiện khoảng 6%/năm, lạm phát từ nay đến cuối năm dự đoán tăng lên 4% thì người gửi tiền vẫn nhận được lãi thực dương 2-3%/năm. Đây là mức chấp nhận được trong khi các kênh đầu tư khác như vàng khá rủi ro, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức chuyên môn và nhạy bén với thông tin.
Nguyễn Sơn (Nhịp cầu đầu tư)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.