Giá viện phí cần tính đúng, tính đủ

Tuấn Kiệt (thực hiện) Thứ bảy, ngày 08/06/2019 05:45 AM (GMT+7)
Theo  GS-TS Trần Văn Thuấn (ảnh), Giám đốc BV K, tự chủ tăng nguồn thu cho BV đồng thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật tiên tiến.
Bình luận 0

Lâu nay, BV K đã tự chủ tài chính một phần. Cơ chế tự chủ đã đem lại lợi ích gì cho BV và người bệnh thưa ông?

- Thời gian qua, BV chủ động huy động các nguồn ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở, trang thiết bị nhằm phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị. Chính vì vậy, người bệnh đến khám chữa bệnh tại BV K đã được tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật công nghệ cao như chụp PET/CT, xạ trị đa mức năng lượng…  Ngoài ra, BV chú trọng việc đào tạo, đào tạo liên tục và đào tạo lại đội ngũ y, bác sĩ, người lao động về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp… nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, sánh ngang với các bệnh viện trong khu vực và quốc tế...

img

Tự chủ tài chính BV giúp người dân có môi trường khám chữa bệnh tốt hơn (Khám chữa bệnh ở BV Bạch Mai).  (ảnh: Dương Ngọc)

Người ta thường nói “tiền nào của nấy”, nếu chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao như vậy thì giá viện phí liệu có là gánh nặng của người bệnh không thưa ông?

- Khi giao quyền tự chủ tài chính, đòi hỏi các BV phải thay đổi tinh thần thái độ phục vụ tốt hơn, năng động hơn trong quản lý, chặt chẽ hơn trong tổ chức để đảm bảo nâng cao chất lượng BV. Đảm bảo tự chủ về tài chính hoàn toàn phải đảm bảo được nguồn thu, trong đó có cơ chế thoáng về giá dịch vụ. Tuy nhiên, về giá dịch vụ thì Nghị quyết 33/NQ-CP mà Thủ tướng Chính phủ ký cũng đã quy định rõ: Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT sẽ áp dụng theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT do Bộ Y tế ban hành.

Còn giá dịch vụ y tế theo yêu cầu thì Bộ Y tế ban hành khung giá riêng với mục tiêu tính đúng tính đủ, có tích lũy trên cơ sở tham khảo giá của các BV tư nhân và các BV có vốn đầu tư ở nước ngoài tại Việt Nam. BV được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.

Ông có thể cho biết những khó khăn, vướng mắc  khi thực hiện tự chủ tài chính?

- Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, đồng bộ về thực hiện cơ chế tự chủ đối với ngành y tế; Số lượng bệnh nhân tăng nhanh nên việc bố trí điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực chưa thật sự đáp ứng được với yêu cầu; Cơ chế phân cấp, phân quyền còn nhiều hạn chế, mức phân cấp thấp, quy trình và thời gian phê duyệt các hoạt động mua sắm chậm trễ, kéo dài.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế chưa tính đủ chi phí vì giá viện phí mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá. Vẫn còn 3 yếu tố chưa được tính vào giá viện phí là khấu hao tài sản - trang thiết bị, điện nước, đào tạo - nghiên cứu khoa học. Nếu giá viện phí được tính đúng, tính đủ thì khi thực hiện tự chủ, BV sẽ đỡ khó khăn hơn...

Xin cảm ơn GS!

Nên giao cho đơn vị độc lập giám sát
Khi tự chủ hoàn toàn, các BV rất có thể chạy theo “phát triển” dịch vụ điều trị, xét nghiệm, trang thiết bị... những gì can thiệp vào bệnh nhân, nhằm thu hồi vốn nhanh. Cùng đó là việc lạm dụng xét nghiệm, chiếu chụp để tận thu trên bệnh nhân.Thực tế chúng ta vẫn đang thiếu chính sách để quản tự chủ. Điều này có thể đẩy người bệnh vào tình thế "thiệt đơn thiệt kép", bởi khi liên doanh liên kết, giá thiết bị, máy móc bị đẩy cao, viện phí sẽ tăng. Hơn nữa, 4 BV này là BV tuyến đầu, các bệnh nhân cũng không có lựa chọn nào khác nếu như bị bệnh nặng. 
Do đó, khi thực hiện thí điểm tự chủ tài chính tại 4 BV thì cần phải giao cho một đơn vị độc lập giám sát, đánh giá mới khách quan, chính xác. Việc giám sát, đánh giá độc lập là để xem xét có hay không tình trạng lẫn lộn công tư và sự tư lợi, vì những BV này vẫn đang là BV công.
TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng

Cần quy định chi tiết về tự chủ tài chính
Chính phủ và các bộ, ngành ở T.Ư vẫn chưa ban hành được văn bản hướng dẫn chi tiết, đồng bộ để thực hiện cơ chế tự chủ đối với ngành y tế. Ngày 19/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33 về thí điểm tự chủ toàn diện đối với 4 BV thuộc Bộ Y tế; song đối với các BV còn lại chưa có văn bản hướng dẫn nào. Điều này dẫn đến các đơn vị y tế còn lúng túng, mỗi đơn vị làm một kiểu, dẫn đến sai sót trong quá trình thực hiện. 
Cùng với đó, cơ chế về phân cấp, phân quyền còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đơn cử, được giao tự chủ về tài chính, nhưng lại chưa được giao tự chủ về các nội dung khác như tự chủ về bộ máy, tổ chức, tự chủ về cơ chế thu… Nhiều BV được giao tự chủ toàn bộ chi phí chi thường xuyên, nhưng lại chưa được tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân lực. Hầu hết các BV tuyến tỉnh chưa tuyển đủ số nhân lực theo định mức tối thiểu trên giường bệnh được giao. Nhiều địa phương đã ban hành chính sách thu hút bác sĩ trẻ, bác sĩ giỏi, các chuyên gia, nhưng trong quá trình thực hiện chưa đáp ứng được thu nhập.
Đại biểu Quốc hội 
Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên)
 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem