Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 7/6 (8h03 giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ở mức 71,993 USD/thùng, tăng 0,35% trong phiên, trong khi giá dầu Brent đứng ở mức 76,526 USD/thùng, tăng 0,31% trong phiên.
Tác động tâm lý từ thông báo cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia là chưa đủ để hỗ trợ mạnh cho giá dầu. Giá dầu vẫn đón nhận lực bán chiếm ưu thế trong phiên sáng qua, trong bối cảnh thị trường tập trung nhiều hơn về phía triển vọng nhu cầu.
Nền kinh tế Trung Quốc, động lực chính được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giá dầu vẫn đang cho thấy sức sản xuất yếu. Trong khi lo ngại suy thoái tại Mỹ vẫn cản trở đà tăng của giá dầu. Trong ngắn hạn, giá dầu vẫn sẽ đối diện với áp lực này nếu như các dữ liệu của 2 quốc gia không cho thấy sự cải thiện.
Về mặt cung cầu, các đợt cắt giảm từ OPEC+ dự kiến vẫn sẽ có sức tác động làm tăng giá dầu, nhưng ảnh hưởng “bullish (thúc đẩy)” có thể đến muộn hơn.
Báo tháng tháng 5 của Cơ quan Thông tin Năng lượng quốc tế (EIA) dự báo cán cân cung – cầu trên thị trường dầu thô vào quý III rất mong manh khi nguồn cung chỉ vừa đủ đáp ứng nhu cầu ở mức 101,58 triệu thùng/ngày. Đồng nghĩa, thặng dư cung gần như bằng 0. Do cuộc họp OPEC+ kết thúc vào 04/06, nên báo cáo tháng 6 của EIA được công bố nhiều khả năng sẽ chưa tính đến các tác động cắt giảm từ Saudi Arabia.
Do chưa tính đến tác động từ OPEC+, trong khi bức tranh kinh tế của Trung Quốc khá tiêu cực trong tháng 5, EIA có thể sẽ hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong báo cáo lần này, vì vậy, giá dầu sẽ ít được hỗ trợ từ báo cáo.
Tuy nhiên, thặng dư cung trong 2 quý cuối năm nhiều khả năng vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với mức cắt giảm 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia trong tháng 7. Do đó, các tác động “bullish (thúc đẩy)” tới giá dầu có thể sẽ được cảm nhận trên thị trường hàng thực kể từ tháng 7. Mặc dù chưa có tác động ngay tới giá trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, giá dầu vẫn sẽ có động lực tăng giá.
Trước đó, giá dầu thô giảm khoảng 1% trong phiên giao dịch ngày thứ ba (ngày 6/6) vì lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể làm giảm nhu cầu, khiến thị trường bỏ qua cam kết giảm sản lượng sâu hơn của Arab Saudi.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 0,6% xuống 76,29 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,6% xuống 71,74 USD.
Giá dầu châu Á quay đầu giảm trong phiên giao dịch chiều ngày 6/6, khi tâm lý quan ngại về thể trạng kinh tế toàn cầu đã mạnh hơn mối lo về khả năng khan hiếm nguồn cung, trong bối cảnh Saudi Arabia tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng khai thác ở mức lớn nhất trong nhiều năm.
Trong phiên giao dịch ngày 5/6, giá dầu Brent đã có lúc tăng tới 2,6 USD/thùng và giá dầu WTI cũng vọt tăng 3,3 USD/thùng, khi các nhà đầu tư phản ứng với thông tin Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, sẽ giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2023, so với mức khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2023. Tuy nhiên, chốt phiên, giá dầu đã quay trở lại mức tăng khiêm tốn.
Theo các nhà phân tích, giá dầu đã quay đầu đi xuống, khi một số nền kinh tế tiên tiến bắt đầu rơi vào suy thoái, chẳng hạn như Đức.
Các nhà giao dịch hiện đang chờ xem liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng hay giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp chính sách tới. Việc Fed tiếp tục nâng lãi suất có thể hạn chế nhu cầu năng lượng tại Mỹ, mặc dù một số nhà phân tích cho rằng mức tiêu thụ vẫn rất lớn. Các thị trường hiện đang kỳ vọng 77% khả năng là Fed tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 6 này.
Hôm nay (7/6), Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu thương mại chính thức của tháng 5, giúp các nhà đầu tư xác định rõ hơn về nhu cầu của nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.
Tại thị trường trong nước, ngày 1/6, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 1/6.
Ở kỳ điều chỉnh ngày 1/6, giá xăng dầu trái chiều, xăng tăng 390 - 516 đồng/lít, dầu giảm 11 - 275 đồng/lít, kg.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ BOG: Thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON 95 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu điêzen ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước). Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu: Không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 7/6 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 20.878 đồng/lít (tăng 390 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1,137 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 22.015 đồng/lít (tăng 516 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 17.943 đồng/lít (giảm 11 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 17.771 đồng/lít (giảm 198 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.883 đồng/kg (giảm 275 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 22/5/2023-01/6/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như ảnh hưởng từ các động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+; những lo ngại về vấn đề trần nợ công của Mỹ; hoạt động công nghiệp bị đình trệ và lãi suất cao hơn làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế… các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 22/5/2023 và kỳ điều hành ngày 01/6/2023 là: 87,438 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 2,292 USD/thùng, tương đương tăng 2,69% so với kỳ trước); 92,433 USD/thùng xăng RON95 (tăng 2,800 USD/thùng, tương đương tăng 3,12% so với kỳ trước); 87,903 USD/thùng dầu hỏa (giảm 1,285 USD/thùng, tương đương giảm 1,44% so với kỳ trước); 89,059 USD/thùng dầu điêzen (giảm 0,126 USD/thùng, tương đương giảm 0,14% so với kỳ trước); 424,785 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 10,792 USD/tấn, tương đương giảm 2,48% so với kỳ trước).
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã phục hồi trở lại.
Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu như kỳ trước và tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 16 đợt điều chỉnh, trong đó có 9 đợt tăng, 6 đợt giảm và 1 đợt giữ nguyên.
Tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vừa qua, cho rằng nguồn cung trong nước vẫn còn bị động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm (cả về số lượng và chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hàng; phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu).
Bộ trưởng cũng lưu ý, các doanh nghiệp đầu mối cần có sự trao đổi thống nhất, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.
Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) 4 tháng đầu năm, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại, chiếm tới 35-40% tổng nguồn cung xăng dầu.
Tính đến giữa tháng 5, tình hình hoạt động của các nhà máy vẫn ổn định. Trong tháng 6 và quý III, quý IV, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn dự kiến vận hành sản xuất như sản lượng đã đăng ký với Bộ Công Thương.
Điểm khó khăn nhất là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm 35-40% thị phần, nhưng thường xuyên không ổn định, trong khi chúng ta phải ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhà máy này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng giải pháp lúc này là cần có phương án dự phòng nếu nhà máy tiếp tục bị trục trặc, làm thế nào để các đầu mối khác kịp nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh địa chính trị có nhiều bất ổn, giá cả thất thường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.