Giá xăng dầu sẽ giảm bao nhiêu?

Mai Hương Thứ ba, ngày 18/08/2015 14:04 PM (GMT+7)
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu theo đúng diễn biến của giá thế giới thì giá xăng trong nước thời điểm này cũng chỉ ở mức trên dưới 17.000 đồng/lít.
Bình luận 0

Doanh nghiệp lãi lớn

Ngày mai (19.8), dự kiến Bộ Công Thương sẽ có quyết định chính thức công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu làm căn cứ để điều chỉnh giá bán các mặt hàng này trong nước.

Giá xăng dầu thế giới kể từ lần điều chỉnh gần nhất (ngày 4.8) vẫn liên tục giảm xuống. Trên thị trường châu Á, giá dầu thô hôm nay (18.8) tiếp tục giảm 0,62 USD/thùng, tương đương giảm 1,46%, xuống mức 41,88 USD/thùng, vượt qua cả mức giảm kỷ lục 42,03 USD/thùng lập được hồi tháng 3.2015 - thời điểm này, giá bán xăng dầu trong nước chỉ ở mức 16.000-17.000 đồng/lít.

img

Người tiêu dùng đang kỳ vọng giá xăng sẽ giảm "bõ bèn" vào ngày mai. Ảnh: Đàm Duy

Nếu bám sát xu hướng giá thế giới, nhiều khả năng giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm trong ngày mai. Ngay trước kỳ điều chỉnh giá xăng dầu này, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam cũng đã công bố mức lãi “khủng”. Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp trong năm nay tập đoàn này báo lãi sau một thời gian dài bão lỗ.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích: Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh trong khi giá bán trong nước ổn định, với cơ chế có lợi cho doanh nghiệp nên doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu từ đầu năm đến nay đã lãi lớn.

Theo ông Long, từ đầu năm đến nay, trong công thức tính giá cơ sở, chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu đã được điều chỉnh tăng từ 860 đồng lên 1.050 đồng/lít xăng; dầu từ 860 đồng lên 950 đồng/lít, mazut từ 500 đồng/kg lên 600 đồng/kg.

Điều chỉnh này đã làm lợi cho doanh nghiệp khá nhiều. Đồng thời, giá cơ sở cũng được tính bình quân 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc (tối thiểu 30 ngày). Vì vậy, khi giá xăng dầu tăng thì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ từ hàng tồn kho.

Lại không có cơ hội giảm mạnh?

Trong quý II/2015, giá xăng trong nước đã có 3 lần tăng, tổng mức điều chỉnh 3.430 đồng/lít, giá dầu diesel và mazut cũng được điều chỉnh tăng, duy có dầu hỏa giảm nhẹ. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng 4 lần và giảm 5 lần. So với cuối năm ngoái, giá xăng RON 92 hiện vẫn cao hơn 1.420 đồng/lít. Ông Long khẳng định: “Nếu theo đúng diễn biến của giá thế giới thì giá xăng trong nước thời điểm này cũng chỉ ở mức trên dưới 17.000 đồng/lít. Nhưng do chúng ta điều chỉnh chi phí định mức, thuế xăng dầu… nên người tiêu dùng đã không có cơ hội được sử dụng xăng dầu giá thấp”.

Trở lại vấn đề, giá xăng dầu nếu điều chỉnh ngày mai thì dự báo sẽ giảm được bao nhiêu, giảm nhiều hay giảm ít? Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, tất cả đều phụ thuộc vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu. “Nếu thấy giá xăng dầu thế giới giảm mạnh mà cơ quan quản lý lại tăng trích tiền của người tiêu dùng vào Quỹ này thì giá xăng dầu trong nước khó có thể giảm nhiều” -ông Long phân tích. Chưa kể, tỷ giá USD/VNĐ vừa được điều chỉnh tăng biên độ lên 250 đồng, nếu được tính vào giá đầu vào của doanh nghiệp thì mức giảm của giá xăng dầu cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Ông Long cho rằng, mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận. Nếu cơ quan quản lý hướng lợi ích về doanh nghiệp nhiều hơn thì người tiêu dùng chắc chắn sẽ bị thiệt. Nhiều lần điều chỉnh giá trước, liên Bộ Công Thương – Tài chính thường cho hay, việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước dần tiệm cận với giá xăng dầu thế giới, góp phần hỗ trợ chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân. “Không biết, với đà giảm mạnh của giá xăng dầu thế giới lần này họ sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như thế nào?!” - ông Long nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng nêu rằng, các doanh nghiệp xăng dầu hiện đã “đánh động” chênh lệch giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu chỉ là 300-400 đồng/lít với mặt hàng chính là xăng, tính cả tỷ giá đã được điều chỉnh; cho thấy nhà kinh doanh không mong muốn giá xăng dầu bán trong nước được điều chỉnh giảm mạnh kỳ này. “Quan điểm của tôi là cơ quan quản lý cần giảm sâu nhất giá xăng dầu trong nước ở mức có thể để người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế được hưởng giá xăng dầu theo sự sụt giảm mạnh của giá thế giới. “Quỹ bình ổn giá xăng dầu của ta hiện còn dư tới gần 1.800 tỷ đồng và sẽ còn tiếp tục tăng lên. Do vậy, không có lý gì để tăng trích Quỹ và giảm giá ít vào thời điểm này” - ông Thắng nhận định.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, theo tìm hiểu của ông, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hiện đang để mức lãi định mức, chiết khấu quá cao. Chiết khấu bán xăng dầu 300-400 đồng/lít là ngành xăng dầu đã “sống tốt”, nay có lúc hoa hồng đại lý lên tới 1.000-1.200 đồng/lít xăng thì khó mà người tiêu dùng còn được giảm giá mạnh nữa. Quyền lợi của người tiêu dùng phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước. Quỹ Bình ổn là công cụ bình ổn giá xăng dầu cho người tiêu dùng nhưng hiện nay, cơ chế quỹ bình ổn giá xăng dầu vận hành chưa ổn và không có tác dụng gì ngoài việc gây “nhiễu” giá, dễ bị ăn gian, lạm dụng. Vấn đề đặt ra là cần phải sửa đổi lại cơ chế chính sách trong Nghị định về quản lý xăng dầu để người tiêu dùng tránh bị thiệt.

Hôm 4.8 vừa qua, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm đến 816 đồng/lít đưa giá xăng RON 92 về mức 19.304 đồng/lít. Giá dầu các loại cũng đồng loạt giảm dao động từ hơn 500 đồng/lít đến hơn 800 đồng/lít. Nguyên nhân của việc điều chỉnh giá xăng dầu này được Liên Bộ Công thương – Tài chính lý giải do giá xăng dầu thế giới giảm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem