Giá xăng hướng mốc cao nhất lịch sử và doanh thu gần 500 tỷ mỗi ngày của Petrolimex

L.T Thứ hai, ngày 06/05/2019 06:30 AM (GMT+7)
Bình quân mỗi ngày “ông lớn” xăng dầu Petrolimex thu về gần 500 tỷ doanh thu và trên 13 tỷ đồng tiền lãi từ hoạt động kinh doanh. Ở một diễn biến khác, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng cũng đã tăng gần 4.000 đồng/lít và đang ngày càng tiệm cận tới mốc cao nhất trong lịch sử kể từ tháng 6.2014.
Bình luận 0

Giữa tâm bão dư luận về tăng giá xăng của liên bộ Tài chính - Công Thương với 3 lần tăng giá liên tiếp gần đây, giá xăng RON 95 tổng cộng đã tăng thêm tới 3.642 đồng/lít thì Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã chứng khoán: PLX) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I.2019 với kết quả kinh doanh tích cực về lợi nhuận. Lần gần nhất vào ngày 2.5.2019, giá xăng RON 95 - III được doanh nghiệp niêm yết ở mức giá 22.190 đồng/lít, thấp hơn mức kỷ lục hồi tháng 6.2014 chỉ 3.500 đồng/lít.

Mỗi ngày thu về trên 460 tỷ đồng doanh thu, 3 tháng lãi nghìn tỷ

Cụ thể, doanh thu thuần của Petrolimex trong kỳ đạt 41.960 tỷ đồng, giảm 7,6% so với cùng kỳ. Bình quân mỗi ngày Petrolimex thu về trên 466 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cũng giảm tương tự, tuy nhiên tốc độ giảm của giá vốn nhanh hơn so với tốc độ giảm của doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp của Petrolimex vẫn ghi nhận mức tăng tới 17,7% lên 3.778 tỷ đồng trong quý này. Biên lãi gộp cũng tăng lên mức 9%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ khoảng 7% của cùng kỳ năm 2018.

img

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính trong kỳ của “ông lớn” xăng dầu Petrolimex tăng từ 163 tỷ lên 167 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 2,5%; Lợi nhuận khác cũng tăng 17 tỷ, tương ứng với mức tăng 117% so với cùng kỳ năm 2018.

Về mặt chi phí, ngoại trừ chi phí bán hàng tăng tới 15% lên 2.254 tỷ đồng và chiếm gần 60% lợi nhuận gộp trong kỳ, các chi phí khác như chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 23% và 10% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý I.2019 của Petrolimex đạt 1.568 tỷ đồng, tăng 30% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.295 tỷ, tăng 29%. Lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.200 tỷ, tăng gần 34%. Đây cũng là quý Petrolimex đạt mức lợi nhuận ròng cao nhất kể từ ngày cổ phiếu được niêm yết. Bình quân mỗi ngày, “ông lớn” xăng dầu thu về trên 13 tỷ lãi ròng.

img

Năm 2019, Petrolimex đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 195.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.250 tỷ đồng. Như vậy riêng quý vừa qua, “ông lớn” xăng dầu đã hoàn thành gần 30% kế hoạch năm.

Về tình hình tài chính doanh nghiệp trong quý I.2019, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Petrolimex ghi nhận dương hơn 1.205 tỷ đồng chủ yếu nhờ việc tăng mạnh các khoản phải trả; trong khi cùng kỳ năm trước dòng tiền này âm đến hơn 3.853 tỷ đồng.

Cuối tháng 3.2019, tổng tài sản của Petrolimex đạt 59.465 tỷ đồng, tăng 5,9% so với hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu ở mức 25.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm.

Tại thời điểm 31.3.2019, thêm một số khoản mục tại bảng cân đối có thay đổi so với đầu kỳ cần lưu ý là: Khoản phải thu ngắn hạn khách hàng tăng 18% lên gần 8.273 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng gần 12% lên xấp xỉ 11,516 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tăng 73% lên gần 15.020 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm khoảng 6,5% xuống còn 12.485 tỷ đồng.

Giá xăng tiến sát kỷ lục do “âm” quỹ bình ổn

Một điểm dễ thấy, đó là sự lạc điệu trong giá xăng của thế giới và trong nước, đó là trong thời gian gần đây, trong khi giá xăng thế giới giảm thì giá xăng trong nước được điều chỉnh tăng mạnh. Đặc biệt, giá xăng RON 95 đang hướng đến vùng giá cao nhất lịch sử thiết lập vào tháng 6.2014 ở mức giá 25.730 đồng/lít - 26.240 đồng/lít. Đây được coi là mức giá cao nhất trong lịch sử của RON 95. Kỷ lục này đến nay chưa bị phá vỡ.

Cụ thể, với 3 lần tăng giá liên tiếp gần đây, giá xăng RON 95 tổng cộng đã tăng thêm tới 3.642 đồng/lít. Lần gần nhất vào ngày 2.5.2019, giá xăng RON 95 - III được doanh nghiệp niêm yết ở mức giá 22.190 đồng/lít, thấp hơn mức kỷ lục đặt ra hồi tháng 6.2014 chỉ là trên 3.500 đồng/lít.

img 

Giá xăng đang "tiệm cận" mốc giá kỷ lục ghi nhận vào tháng 6.2014

Mặc dù đang cận kề với mức giá kỷ lục, song tại phiên họp báo Chính phủ vào cuối tuần vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc tăng giá xăng dầu đã tính đến lợi ích của người tiêu dùng. Đồng thời nhấn mạnh giá xăng của Việt Nam tăng thấp hơn mức của thế giới, mục đích nhằm hỗ trợ đời sống người dân, doanh nghiệp, giúp điều hành kinh tế vĩ mô.

Theo thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, từ đầu năm đến nay, liên bộ Công Thương - Tài chính liên tục chi mạnh Quỹ bình ổn giá để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước. Ngay cả khi Quỹ này đang bị âm ở nhiều doanh nghiệp, việc xả quỹ vẫn tiếp tục được thực hiện.

img

Trước thời điểm 16 giờ 00 ngày 2.5.2019, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại Petrolimex là âm 355 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo tài chính quý I.2019 của “ông trùm” xăng dầu này cho thấy, khoản mục quỹ bình ổn giá tại bảng cân đối của Tập đoàn chỉ còn gần 89 tỷ đồng, trong khi mới chỉ đầu năm nay con số này là gần 1.931 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 3 tháng đầu năm, đã có tới trên 1.800 tỷ đã đươc chi ra để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước?

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Petrolimex mới đây, ông Bùi Ngọc Bảo, cựu Chủ tịch Petrolimex, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, cho rằng: Quỹ bình ổn xăng dầu đang bị lạm chi. Đây là nét mới trong các năm qua, chưa bao giờ có.

Theo quy định của thông tư 39, trường hợp quỹ âm trong khi vẫn xả quỹ bình ổn Petrolimex có thể vay ngân hàng, dùng nguồn tiền tự có hoặc kết hợp cả hai để bù lại.

Xét đến nguồn tiền tự có hiện tại của Petrolimex, tại báo cáo tài chính quý I.2019, tập đoàn này vẫn còn nắm giữ gần 16.027 tỷ đồng tiền mặt, tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Trong đó, tiền gửi ngân hàng lên đến trên 12.000 tỷ đồng, gồm 4.635 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn và 7.460 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm.

img

Chưa kể, lãi ròng trong quý I lên tới 1.200 tỷ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm 31.3.2019 của tập đoàn này hiện trên 5.538 tỷ đồng. Nếu như vậy, Petrolimex hoàn toàn đủ khả năng bù đắp cho mức âm quỹ bình ổn trong giai đoạn hiện nay.

Tuy vậy, dẫn lời ông Bùi Ngọc Bảo, ước tính với số âm quỹ bình ổn hiện ở mức 350-400 tỷ đồng, nếu nhà điều hành tiếp tục quyết định xả quỹ bình ổn, sẽ gây bội chi quỹ này. "Đây là rủi ro cực lớn cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp đi vay ngân hàng bù lại, nhưng nếu không có khoản hoàn trả thì ngân hàng có thể dừng cho vay".

BCTC hợp nhất doanh nghiệp, tính đến hết quý I.2019, nợ phải trả của Petrolimex hiện ở mức 34.465 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,9%. Trong khi đó, tổng lượng vay và nợ thuê tài chính là gần 13.870 tỷ đồng (90% là nợ ngắn hạn), bằng xấp xỉ 55% vốn chủ sở hữu, 23% tổng nguồn vốn và thấp hơn cả lượng tiền mặt, tiền gửi của Tập đoàn.

Với việc quỹ bình ổn  bị thâm hụt nặng, giá xăng dầu trong nước có thể rơi vào trạng thái tăng - giảm không nhịp nhàng theo giá thế giới. Điều này đã được minh chứng trong suốt 4 tháng đầu năm nay. Giá thế giới tăng liên tục, thuế bảo vệ môi trường tăng kịch khung nhưng giá xăng dầu trong nước được “nén lại” bằng cách xả Quỹ bình ổn giá.

Còn trường hợp giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, thì giá xăng dầu trong nước khó có thể giảm mạnh theo. Bởi vì nhà điều hành sẽ phải cân nhắc để trích lập lại Quỹ bình ổn giá để dùng khi cần. Điều này đã được áp dụng khi giá xăng dầu giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2018 thì giá xăng dầu trong nước không giảm tương ứng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem