Giá xăng tăng kỷ lục và "chiêu trò" của tài xế xe công nghệ nhằm qua mặt hãng

Khải Phạm Thứ tư, ngày 29/06/2022 14:36 PM (GMT+7)
Cũng bởi giá xăng tăng cao, giá cước không thay đổi nên tài xế xe công nghệ bắt buộc phải tắt ứng dụng để chạy ngoài.
Bình luận 0

Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá xăng liên tục tăng cao và lần đầu tiên đạt mức kỷ lục tại Việt Nam. Cụ thể, xăng E5 RON 92 giá 31.302 đồng/lít, xăng RON 95 giá 32.873 đồng/lít, dầu diesel giá 30.019 đồng/lít...

Giá xăng khiến hầu hết các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề, lạm phát tăng cao. Trong đó, vận tải là lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá xe tăng cao kỷ lục mà trực tiếp là những tài xế hoạt động xe công nghệ hiện nay.

Thu nhập giảm sút vì giá xăng, mức chiết khấu không giảm

Trong vài tuần trở lại đây khi giá xăng đạt mức kỷ lục, tình trạng đặt xe công nghệ vào giờ cao điểm vô cùng khó khăn. Ngoài dịch vụ ô tô công nghệ gần như không thể đặt được trong giờ cao điểm thì xe ôm công nghệ cũng rất khó khăn.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, dù đứng đặt xe ở gần nhiều tài xế xe ôm công nghệ, nhưng ứng dụng báo không tìm thấy tài xế. Lúc đặt được, tài xế ở khá xa, cách 2-3km nên yêu cầu hủy chuyển hoặc người dùng sẽ phải tự hủy.

Khi không thể đặt được xe qua ứng dụng, phóng viên trao đổi trực tiếp với tài xế xe công nghệ gần đó. Người này cho biết, giờ cao điểm gần như mọi tài xế đều tắt app, chỉ những ai sắp đủ điểm thưởng mới có chạy giờ đấy, bởi chạy gần như không có lãi.

Giá xăng tăng kỷ lục, chiết khấu cao và đây là chiêu trò của tài xế xe công nghệ nhằm qua mặt hãng - Ảnh 1.

Tài xế tập trung ở khu văn phòng để chạy ngoài ứng dụng. Ảnh KP.

"Trước đây, xăng hơn 20 nghìn đồng, thu nhập của tôi còn ở mức khá, nhưng giờ đây xăng tăng cao quá, chiết khấu cao mà hãng lại không tăng cước vận chuyển nên anh em nản. Nhiều người không chạy thưởng nên sẽ tắt ứng dụng, tìm đến những khu văn phòng trong giờ cao điểm để bắt khách ngoài, tự thỏa thuận giá. Như vậy, sẽ không mất chiết khấu dù chạy đúng giá trên ứng dụng", anh Ngọc, tài xế mặc áo Grab chia sẻ.

Theo tìm hiểu, hiện nay mức chiết khấu của các hãng xe công nghệ như Grab, Be, Gojek dao động từ 25-31%, tức 100 nghìn đồng, tài xế sẽ phải mất 25-31 nghìn đồng cho ứng. Cộng với chi phí xăng xe, hao mòn xe, thu nhập của tài xế giảm khá nhiều so với xe ôm hay taxi truyền thống.

"Có những chuyến xe chạy 1-2km với giá cước khoảng 15 nghìn đồng, gần như xe ôm công nghệ không có thu nhập khi xăng xe, chiết khấu là hết. Những giờ thấp điểm, tôi mới bật ứng dụng để chạy, nhưng giờ đấy lượng khách ít, không ăn thua. Đến giờ cao điểm, tắt ứng dụng để chạy ngoài và tìm khu bến xe, chung cư, văn phòng mà vẫn mặc áo hãng xe để khách biết còn vẫy, từ đó thỏa thuận giá", anh Quang, tài xế Be cho biết.

Tắt ứng dụng không còn là hình thức mới mà các tài xế xe công nghệ áp dụng, nhưng do áp lực từ giá xăng, thu nhập, ngày càng nhiều người tắt ứng dụng để chạy ngoài, tránh việc phải ăn chia với hãng trong khung giờ cao điểm.

Hãng liên tục tung chương trình thưởng, còn tài xế nói "khó"

Nói với pv Dân Việt, đại diện Grab cho biết có tình trạng khó đặt xe giờ cao điểm. Đồng thời, ứng dụng này hiện đang triển khai nhiều chương trình thưởng để hỗ trợ tài xế, tránh việc tắt ứng dụng khiến khách hàng khó đặt xe giờ cao điểm.

"Hiện Grab đang triển khai một số chương trình thưởng hấp dẫn như chương trình thưởng ngọc tích lũy mỗi ngày, đối tác có thể chuyển đổi số ngọc nhận được thành tiền thưởng, gia tăng thêm thu nhập; chương trình thưởng ngay sau khi hoàn thành mỗi chuyến xe GrabFood hoặc GrabMart, chương trình thưởng đối với chuyến xe có điểm đón khách xa; chương trình thưởng khi hoàn thành chuyến xe GrabCar trong khung giờ cao điểm… để khuyến khích đối tác tích cực hoạt động. 

Bên cạnh đó, thấu hiểu những biến động của giá xăng dầu trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng lên đời sống của các đối tác, chúng tôi đã dành khoản ngân sách lên đến 6,3 tỷ đồng để triển khai các chương trình hỗ trợ đối tác tài xế, bao gồm tặng phiếu xăng miễn phí và gói bảo hiểm PTI - Vững Tâm cho đối tác tài xế Grab đạt thứ hạng Bạch Kim và Vàng ở một số tỉnh thành trên cả nước. 

Chúng tôi tin rằng những hỗ trợ này sẽ mang đến nhiều lợi ích thiết thực và san sẻ phần nào khó khăn với đối tác tài xế, giúp họ trang trải cuộc sống và hoạt động tích cực hơn trên nền tảng Grab. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các biến động của thị trường để có thể triển khai những chương trình phù hợp trên cơ sở cân bằng lợi ích cho đối tác tài xế và người dùng", đại diện Grab chia sẻ.

Giá xăng tăng kỷ lục, chiết khấu cao và đây là chiêu trò của tài xế xe công nghệ nhằm qua mặt hãng - Ảnh 3.

Thưởng chuyến đi, nhưng tài xế khó đạt. Ảnh KP.

Không chỉ Grab, ứng dụng Be cũng đang triển khai nhiều chương trình nhằm giữ chân tài xế, đặc biệt khung giờ cao điểm.

"Từ ngày 16/6, để tiếp tục hỗ trợ bác tài yên tâm cung cấp dịch vụ cho khách hàng, Be đã hỗ trợ tiếp tục giữ mức giảm mức chiết khấu dịch vụ beCar lên đến 10% tại TP.HCM, Bình Dương & Đồng Nai (trước đó đã triển khai từ 17/3-16/6), đồng thời tiếp tục bổ sung nâng cao các chương trình thưởng hỗ trợ doanh thu cho tài xế Be nói chung", đại diện BeGroup chia sẻ với Dân Việt.

Đối với những tài xế xe công nghệ, khoản thưởng chính là thu nhập mà nhiều người hướng đến trong thời kỳ giá xăng tăng cao kỷ lục như hiện nay.

Với Grab, hãng xe công nghệ này đang áp dụng chương trình thưởng 50 - 300 nghìn đồng/ngày khi tài xế đạt đủ số "ngọc" từ 260 - 690/ngày. Số "ngọc" được quy đổi từ những chuyến xe mà tài xế hoàn thành, các quận trung tâm sẽ được nhiều "ngọc" hơn.

Điều kiện nhận thưởng là tài xế phải có tỷ lệ nhận chuyến theo ngày >= 80% và tỷ lệ huỷ chuyến theo ngày <= 20%.

Mặc dù chính sách thưởng khá hấp dẫn, nhưng tài xế xe công nghệ vẫn cho rằng rất khó để đạt được mốc thưởng.

"Người không chạy nghe chương trình thưởng như vậy thấy cao, nhưng phải chạy mới biết được. Gần đến một mốc thưởng nào đó mà sắp hết giờ để nhận "ngọc", ứng dụng sẽ chậm bắn cuốc xe hơn dù tài xế ở khu vực trung tâm nhiều người đặt xe, đến khi có cuốc xe lại quá giờ để nhận thưởng. Do đó, dù nhiều khung giờ cao điểm trong ngày, nhưng tài xế khó đạt được trọn vẹn mốc thưởng cao nhất", tài xế Nguyễn Hoàng chia sẻ.

Khi chương trình thưởng chưa bao giờ được tài xế đánh giá là công bằng thì việc nhiều người đồng loạt tắt ứng dụng để chạy ngoài là điều khó tránh khỏi. Hãng xe cần phải triển khai nhiều chương trình thưởng hấp dẫn hơn để đảm bảo thu nhập, giữ chân tài xế và mang đến trải nghiệm tốt hơn với khách hàng trong thời kỳ giá xăng tăng kỷ lục như hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem