Giấc mơ có thật ở bản Ngùa

Thứ tư, ngày 21/12/2011 10:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ bao đời nay, người dân bản Ngùa, xã Chiềng Pằn (Yên Châu, Sơn La) luôn ao ước thoát cảnh "ở nhà tạm, dùng nước suối". Và Ngân hàng CSXH đã giúp người dân bản Ngùa biến ước mơ đó thành hiện thực.
Bình luận 0

Bản Ngùa có 141 hộ, trong đó 96% là đồng bào dân tộc Thái. Từ bao đời nay, bà con phải lấy nước suối để tắm, giặt, còn nước ăn uống hàng ngày họ phải đi xa nhiều cây số gánh về. Ngày nắng còn đỡ, khổ nhất là ngày mưa, nước từ đầu nguồn đổ về đỏ ngầu mang theo bùn đất, giun sán... nên có rất nhiều người dùng đã bị tiêu chảy. Có nước sạch để dùng là nỗi khát khao của người dân nơi đây.

img
Niềm vui của ông Lò Văn Hoàn có nước sạch để sinh hoạt.

Nước sạch về

Ông Lò Văn Hùng- Trưởng bản Ngùa cho hay, năm 2007, chương trình cho vay đầu tư công trình nước sạch của Ngân hàng CSXH triển khai, bản đã sớm "nhắm" vào nguồn vốn này. Nhưng nếu cho từng hộ vay để đào giếng thì rất khó, bởi địa hình dốc.

"Ở núi Ngùa cách bản 2km có nguồn nước tự chảy rất trong và ổn định. Sau khi họp dân, bà con nhất trí góp tiền mua ống dẫn nước từ núi Ngùa về. Nước được dồn về bể chứa khoảng 70m3 ở đầu bản, rồi theo đường ống đến các hộ"- ông Hùng cho biết.

Mỗi hộ góp từ 3- 4 triệu đồng mua ống dẫn và tiền xây bể chứa. Ngân hàng CSXH cho 111 hộ vay tiền làm đường ống dẫn nước từ bể chung về gia đình và xây bể chứa nước (8 triệu đồng/hộ). Bản bầu ra một tổ chuyên vận hành, bảo dưỡng đường ống, bể nước. Mỗi hộ được gắn một đồng hồ nước và đóng phí 300 đồng/m3 (70% dùng trả công cho đội vận hành và 30% để tu bổ đường ống).

Xả nước trong vắt từ vòi để rửa bát, chị Mè Thị Vui phấn khởi: "Từ khi có nước sạch, chúng tôi được ăn, uống, tắm giặt cái nước sạch, ai cũng phấn khởi. Nước chảy tự nhiên nên dù mất điện nhà mình vẫn có nước".

Cất nhà mới

Không chỉ được vay vốn đầu tư công trình nước sạch, gia đình ông Lò Văn Hoàn còn được vay vốn cho đối tượng học sinh -sinh viên. Hiện gia đình ông có 2 con đang học đại học và cao đẳng tại Sơn La. Trước kia, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn.

"Hết bán lợn, gà, lúa, ngô lại chạy đi vay anh em, nhiều khi phải vay nóng để đóng học cho con. Nếu không được Nhà nước hỗ trợ vay vốn, chắc các cháu cũng đành bỏ học giữa chừng. Bây giờ được vay vốn và các cháu năm nào cũng được học bổng nên vợ chồng tôi đỡ lo" - ông Hoàn tâm sự.

img Đến hết tháng 10.2011, dư nợ của Ngân hàng CSXH là 124 tỷ đồng với 19.400 hộ vay. Trong đó cho vay hộ nghèo là 20 tỷ đồng (1.130 hộ); cho vay NS-VS-MT 3 tỷ đồng (373 hộ); cho vay HS-SV 1,3 tỷ đồng (280 hộ). img

Trước kia, gia đình anh Hà Văn Thương có 4 khẩu nhưng chỉ có cái lều nhỏ để ở, khổ nhất là vào mùa mưa muốn tìm một chỗ khô nằm ngủ cũng khó. Năm 2009, anh được Ngân hàng CSXH cho vay 12 triệu đồng và nhờ anh em, làng xóm giúp ngày công nên đã cất được ngôi nhà ba gian.

Ngày lên nhà mới ở, vợ chồng anh mừng lắm, bà con người thì giúp thóc, người giúp con gà để làm cỗ... Năm 2010, Ngân hàng CSXH huyện cho vay thêm 20 triệu đồng, anh mua một con bê và một con nghé về nuôi. "Con bê thành bò rồi, sắp đẻ. Con nghé thì giờ cũng bắt đầu cày bừa được rồi, sang năm nó đẻ là mình có lãi rồi" - anh Thương khoe.

Ông Hùng cho hay, không chỉ có hộ ông Hoàn, anh Thương, chị Vui mà ở bản Ngùa có hàng chục hộ được vay vốn theo các chương trình nước sạch, học sinh - sinh viên, làm nhà ở... Năm 2010, bản làm được 5 nhà theo Chương trình 167, hiện bản có 12 em đang học đại học, cao đẳng ở các trường trong cả nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem