“Giấc mơ dong riềng” của Thúy

Chủ nhật, ngày 29/12/2013 06:38 AM (GMT+7)
Ẩn sau vẻ nhỏ nhắn của Hoàng Thị Thúy (dân tộc Tày) là một khát khao lập nghiệp cháy bỏng với tâm huyết tạo việc làm cho thanh niên địa phương.
Bình luận 0
Cháy bỏng khát khao thoát nghèo

Chúng tôi có mặt tại xã Đường Âm (huyện Bắc Mê, Hà Giang) vào đúng giữa trưa, khi mặt trời đang chiếu những tia nắng nhạt của mùa đông trên vùng rẻo cao. Nhân vật mà chúng tôi tìm gặp là Hoàng Thị Thúy - Chủ nhiệm HTX Vận tải, du lịch và sản xuất dong riềng ở thôn Độc Lập, xã Đường Âm. Cô gái trẻ người dân tộc Tày vừa tròn 23 tuổi nhưng đã nung nấu một ước mơ cháy bỏng đó là làm sao giúp bà con có nguồn thu từ cây dong riềng - nguyên liệu mà lâu nay bị xem như bỏ đi. Thúy cũng chính là một trong 300 thanh niên xuất sắc của cả nước, một trong 52 thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu được Trung ương Đoàn vinh danh bằng Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 8 (tổ chức tháng 9.2013 tại Nghệ An).

Thúy đang thu hoạch dong riềng.
Thúy đang thu hoạch dong riềng.

Tiếp chuyện chúng tôi, Thúy cho biết cô sinh ra ở huyện Bắc Quang, sau khi học hết THPT thì kết hôn và ở nhà phụ giúp gia đình làm trang trại. Suốt 2 năm chỉ quanh quẩn với con cá, mớ rau, Thúy bắt đầu thấy chán. Năm 2008, tình cờ Thúy cùng chồng lên huyện Bắc Mê thăm nhà người quen. Thấy đường sá đi lại khó khăn mà dịch vụ vận tải lại hiếm hoi, hai vợ chồng đem câu chuyện kể với bố mẹ và xin hỗ trợ vốn để mua 2 xe khách kinh doanh vận tải. “Thế là vợ chồng em dọn lên vùng đất mới, làm nhà ở xã Đường Âm, mở dịch vụ tạp hóa… Việc kinh doanh đều một tay chồng cáng đáng, em chỉ ở nhà trông con và bán hàng. Sống ở đây một thời gian, em nhận thấy diện tích trồng sắn, dong riềng toàn xã rất lớn, nhưng chỉ trồng tự phát, phần sản lượng thu được, người dân để ăn hàng ngày, không dùng thì cứ để khô héo chứ không có quy hoạch bài bản gì. Có hộ còn không thu hoạch mà năm sau cây vẫn tự sinh chồi” -Thúy nhớ lại.

Thế rồi, cô gái Tày lại một lần nữa táo bạo chọn cây dong riềng để phát triển kinh tế. Thúy tự tay lên đồi trồng thử nghiệm, sau đó xuống Hà Nội tìm thị trường để cung ứng đầu ra cho sản phẩm. “Ban đầu em bán nguyên củ tươi cho khách hàng ở Hà Nội, Hưng Yên… Thấy việc thật, người thật, cán bộ xã đã cùng em tham gia vận động bà con xóa nghèo bằng việc cải tạo, trồng lại cây dong riềng theo quy mô thôn, tổ để vừa tạo cho bà con nguồn thu nhập, vừa tạo được việc làm cho thanh niên nông thôn” - Thúy bộc bạch.

Lập HTX: Vừa tăng thu nhập, vừa tạo việc làm

Tháng 12.2012, HTX Vận tải, du lịch và sản xuất dong riềng do Thúy làm chủ nhiệm được thành lập. HTX có 6 hội viên, vốn khởi điểm 300 triệu đồng. Sau khi có vốn, các xã viên đầu tư xây dựng 130m2 mặt bằng, bể đựng bột, máy rửa, nghiền, khuấy và máy hút nước với tổng số vốn hơn 500 triệu đồng. Sau 1 năm đi vào hoạt động, HTX đã thu hút hàng chục gia đình tham gia trồng dong riềng. Cơ sở chế biến dong riềng trong HTX của Thúy đã giải quyết việc làm ổn định cho 12 lao động thường xuyên với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng.

Anh Lý Văn Thiện ở thôn Độc Lập, một trong những gia đình có diện tích trồng dong riềng nhiều nhất của xã cho biết: “Trước đây đến mùa thu hoạch, ai lên hỏi thấy được giá là tôi bán chứ không biết giá dưới xuôi như thế nào. Sau này có chị Thúy mua với giá cao gấp 2 lần giá bán và còn đưa cây dong riềng trồng mới thay cho cây sắn nên tôi để hàng ổn định tại HTX của chị luôn”.

Khi trả lời câu hỏi, bài học gì rút ra từ quá trình lập nghiệp? Thúy nhận xét, bên cạnh nguồn vốn, doanh nghiệp trẻ cần lưu ý tới kỹ năng quản lý doanh nghiệp, công tác nhân sự và cập nhật kiến thức. “Có được lao động giỏi đã khó, nhưng giữ được họ gắn bó lâu dài với mình càng khó hơn. Nhiều lao động trẻ thường lẫn lộn công việc với bè bạn, đặc biệt là lao động nông thôn, vùng dân tộc miền núi thiểu số. Khi nhận thức của họ chưa sâu sắc về việc làm, nếu một người nghỉ việc thì cả nhóm cũng nghỉ theo. Bởi vậy, người làm lãnh đạo phải am hiểu tâm lý lao động” -Thúy bổ sung.

“Đầu tàu cần được hỗ trợ tăng mã lực”

Đánh giá về kết quả ban đầu của HTX, ông Hoàng Đức Hưởng – Bí thư Huyện đoàn Bắc Mê nhận định: “Sau khi đưa sản phẩm dong riềng vào sản xuất, bà con xã Đường Âm đã có thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/hộ/năm”.

"Năm 2014 tới, nếu mở rộng được mặt bằng, đầu tư thêm hệ thống máy sản xuất miến thì em sẽ tiếp tục hỗ trợ giống để thu hút thêm bà con nông dân tham gia sản xuất dong riềng, tạo thêm việc làm cho thanh niên của thôn”.
Hoàng Thị Thúy

Chia sẻ mong muốn của mình, Thúy nói: “Em chỉ mong HTX được hỗ trợ vốn để mở rộng mặt bằng sản xuất, đầu tư mua hệ thống máy móc dây chuyền sản xuất ra thành phẩm miến dong. Tôi dự kiến vừa xây dựng mặt bằng vừa đầu tư hệ thống máy sản xuất miến dong và khắc phục những khó khăn cho sản phẩm đang tồn kho năm 2013 sẽ cần khoảng 500 triệu đồng”. Tuy nhiên, khi được hỏi nếu có tiền mua dây chuyền công nghệ như mong muốn thì Thúy sẽ mua dây chuyền công nghệ với những yêu cầu cụ thể nào? Cô chủ nhiệm trẻ chỉ nói có khả năng làm đến đâu sẽ tính đến đó. Thúy đang rất cần được hỗ trợ để trở thành một “đầu tàu” mạnh mẽ hơn, cùng người dân sở tại có thêm động lực vượt nghèo bền vững.

Điện thoại của chị Hoàng Thị Thúy: 01257769122.

Ngô Xuân – Hoàng Sơn (Ngô Xuân – Hoàng Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem