Từ đánh giá thực trạng phát triển của ngành thư viện, xuất bản, tình hình văn hóa đọc hiện nay vốn được đông đảo xã hội quan tâm, dự thảo Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 của Bộ VHTTDL đặt ra nhiều kỳ vọng: Nâng tỷ lệ người đọc thường xuyên từ 30% (hiện nay) lên 40% vào năm 2015 và 65% vào năm 2020; giảm tỷ lệ số người hoàn toàn không đọc từ 26% xuống còn 20% vào năm 2015 và 15% vào năm 2020.
|
Tìm sách ở tủ sách họ Vũ thôn Cẩm Khê, Tứ Minh, TP.Hải Dương. |
|
Tìm hiểu dự thảo, nhà văn Nguyễn Đình Tú (Tạp chí Văn nghệ quân đội) cho biết: “Tôi rất tâm đắc với quan điểm phát triển văn hóa đọc phải được đặt trong bối cảnh sự đa dạng về phương tiện truyển tải thông tin và chữ viết - một vấn đề sẽ chi phối khá lớn đến phương thức đọc, cách đọc và đối tượng đọc ở tương lai”.
Những vấn đề đặt ra đều liên quan đến “sự đọc” ở các vùng nông thôn. Cùng với các mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm về văn hóa đọc, hình thành thói quen đọc, xây dựng định hướng đọc lành mạnh và trang bị kỹ năng đọc, dự thảo nhấn mạnh: “Xây dựng môi trường đọc thuận lợi, đảm bảo cho người dân ở mọi độ tuổi, trình độ, ngành nghề, địa bàn cư trú, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể tiếp cận và sử dụng tài liệu, sách báo, thông tin được dễ dàng, thuận lợi, phù hợp với nhu cầu đọc đa dạng, luôn thay đổi của người đọc”.
Theo đó, đến năm 2015, 100% huyện phải có thư viện công cộng, 80% nhà văn hóa xã/điểm bưu điện văn hóa xã phục vụ sách báo thường xuyên. Con số này vào năm 2020 là 100% và các thư viện huyện phải khang trang, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.
Để phấn đấu cho những “giấc mơ” này, nhiều bước đi sẽ được thực hiện với các đề án về nâng cao ứng dụng thông tin cho thư viện tỉnh, huyện miền núi phía Bắc và Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015, đề án nâng cao năng lực mạng lưới thư viện huyện giai đoạn 2011-2020. Đặc biệt là đề án xây dựng thư viện lưu động phục vụ cộng đồng và chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020.
Theo Ths Nguyễn Thị Thanh Mai - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), đơn vị soạn thảo dự án, thư viện lưu động là một mũi nhọn và có thể ứng dụng linh hoạt tại nhiều nơi, nhất là những nơi dân cư khó có khả năng tập trung về thư viện, phòng đọc ở trung tâm. Những năm tới rất cần đầu tư, phát triển cho mô hình này.
Hoàng Thi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.