Giấc mơ rau quả an toàn

Nguyễn Mỹ Linh Thứ hai, ngày 27/11/2023 07:00 AM (GMT+7)
Giấc mơ này là giấc mơ mà nhân loại theo đuổi từ vài thập kỷ trở lại đây, khi mà những phát kiến về khoa học kỹ thuật để giúp nâng cao sản lượng nông nghiệp đã khiến loài người về cơ bản không còn bị ám ảnh vì sợ đói
Bình luận 0
Mấy ngày vừa rồi, báo chí cũng như nhiều cơ quan quản lý đưa tin hồ hởi về một giống cam mới được trồng ở miền Bắc, hoàn toàn bằng nông nghiệp hữu cơ, rất kỳ công theo tiêu chuẩn của Mỹ và giá thành phẩm lên gần 100USD/kg.

Thật là một tin đáng phấn khởi, nó cho thấy sự giác ngộ của người làm nông nghiệp Việt Nam với xu hướng nông nghiệp xanh đang là mơ ước của toàn nhân loại. 

Giấc mơ này là giấc mơ mà nhân loại theo đuổi từ vài thập kỷ trở lại đây, khi mà những phát kiến về khoa học kỹ thuật để giúp nâng cao sản lượng nông nghiệp đã khiến loài người về cơ bản không còn bị ám ảnh vì sợ đói và an ninh lương thực không còn là mối đe doạ lớn.

Hết mối lo ấy rồi thì người ta lại nhận ra rằng chính những phát kiến để nâng cao năng suất như thuốc diệt cỏ, kích thích tăng trưởng, trừ sâu tổng hợp lại là mối đe doạ cho môi trường, cho sức khoẻ con người. 

Thế là lại tìm cách để trở về với nông nghiệp hữu cơ.

Thật là loanh quanh, ôi nhân loại. 

Nhiều năm trước, khi mới đến Pháp và tìm hiểu về nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, tôi có một niềm thán phục lớn với những người kiên quyết theo đuổi việc nuôi trồng nông nghiệp “xanh - sạch - bền vững" và mơ ước về một hành tinh mà ở đó chỉ còn toàn rau củ, quả, lúa, lợn gà hoàn toàn hữu cơ và chăn thả tự nhiên không GMO, không kháng sinh.

Ở châu Âu hai thập niên trước, nói về hữu cơ và làn sóng sống xanh là chuyện vô cùng thời thượng, nó đi cùng với sự lớn mạnh của các đảng Xanh và được nhìn như nếp sống của những người tiến bộ. Làn sóng này tạo ra những thay đổi lớn trong nhiều quyết định về chính sách kinh tế của châu Âu, hoặc ngược lại là nhiều quyết sách về kinh tế của châu Âu đã được thay đổi để bảo vệ môi trường và khuyến khích một sự chuyển đổi trong nông nghiệp, tăng cường nông nghiệp hữu cơ.

Sao mà không thích được chứ?

Rõ ràng là quả táo trồng không phân bón, không thuốc trừ sâu nhìn có sài đẹn xấu mã hơn, nhưng thơm hơn và vị có khác thật. Còn dâu tây – dâu trồng công nghiệp quả to cồ cộ không mùi không vị chả có gì để so sánh với dâu ở những cánh đồng thửa nhỏ mà nông dân canh tác theo hướng an toàn, chứ chưa nói đến hữu cơ.

Thật khiếp đảm khi xem những phim tài liệu về chăn nuôi gà theo kiểu công nghiệp, giống ngắn ngày. Hàng ngàn con gà chen chúc nhau trong những khu chăn nuôi, sinh ra rồi cứ đứng loanh quanh trong hơn 20cm2 một con, chỉ ăn đứng và nằm. Quá ngày mà chưa kịp đem đi thịt thì xương tự yếu và gãy.

Tìm hiểu như thế thì thấy loài người thật ác, chỉ vì mỗi miếng ăn mà ác và tất nhiên nông nghiệp hữu cơ là một giải pháp lớn để cải tạo môi trường và sức khoẻ.

Nhưng xách máy quay ra chợ xem người ta sống thì lại khác. 2,5€/kg dâu công nghiệp lúc rộ mùa. 8€/kg dâu được trồng trong các trang trại. 16€/kg dâu được trồng hữu cơ. 3,90€/kg quýt Tây Ban Nha được trồng có kiểm soát an toàn. 16€/kg quýt Pháp hữu cơ... 

Với đồng lương cơ bản 1400€/tháng của người Pháp (đã cao hơn nhiều nước châu Âu khác) thì dùng hàng hữu cơ đúng là một giấc mộng.

Mộng dài.

Tôi đã từng đi theo một bà mẹ, dẫn con đi siêu thị, bà nhìn kỹ từng loại giá, so sánh từng vài xu trước khi chọn. Vậy thì cơ hội dùng hàng hữu cơ ngay cả ở những nước phát triển hữu cơ nhiều như Pháp và Đức, đồng lương người có thu nhập trung bình là khó có cơ hội.

Trừ khi loài người phải được giáo dục lại về cách tiêu dùng.

Là ăn tinh thì phải kèm với ăn thanh - nghĩa là ít.

Điều này thật bi kịch – quá khó.

Nhiều thập kỷ loài người đã trở thành nạn nhân của chính mình trong tiêu dùng. Càng tăng trưởng càng tiêu dùng. Lối sống công nghiệp và fast food đã khiến người ta bị méo mó trong tiêu thụ thực phẩm. Những chiếc double Big Mac, với ba lần thịt chồng lên nhau, những xô cánh gà chiên to vật vã, những bán bún đủ topping tính ra phải hơn 300gram thịt đã tạo ra thói quen ăn nhiều hơn sự đòi hỏi của cơ thể từ nhiều thập niên mất rồi.

Chưa kể, nhân loại tăng trưởng vù vù, vèo cái đã gần 8 tỷ người, chẳng có nông nghiệp hữu cơ nào nuôi đủ. Chả có thức ăn hữu cơ nào áp được vào đồng lương cho người lao động phổ thông.

Thế là ngay cả châu Âu đi đầu trong làn sóng thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ cũng nhận ra rằng cần phải từ tốn, bởi hữu cơ dù là giải pháp tốt tuy thế không thế tồn tại một đất nước mà nông nghiệp hữu cơ 100%, trừ khi loài người lại có những phát minh mới để nông nghiệp hữu cơ vẫn giúp tăng trưởng nhanh, mạnh để đủ nuôi gần 8 tỷ cái miệng đòi ăn.

Tính đến năm 2022, diện tích nông nghiệp hữu cơ ở châu Âu đạt hơn 15 triệu ha, trong đó Pháp là nước đi đầu, theo sau là Tây Ban Nha, Ý, Đức và chiếm gần 58% diện tích nông nghiệp hữu cơ của toàn châu Âu.

Như vậy là diện tích nông nghiệp hữu cơ của châu Âu có tăng trưởng nhưng vẫn tập trung ở một số quốc gia có nền kinh tế cao, ổn định và quan trọng hơn cả là có khả năng kiểm soát chặt chẽ để khái niệm hữu cơ được minh bạch và không gian lận.

Gian lận trong nông nghiệp hữu cơ ở châu Âu như tất cả các nơi trên thế giới. Luôn luôn tồn tại. Phàm đã có lợi nhuận cao thì thể nào cũng sinh ra gian lận. Chỉ khác nhau về cấp độ, phạm vi và khả năng kiểm soát của chính quyền.

Tính cho đến hiện tại, diện tích đất nông nghiệp dành hữu cơ ở châu Âu chiếm khoảng 9,9%, ở Pháp là 10%. Như vậy là 90% đất nông nghiệp còn lại vẫn dành để canh tác nông nghiệp an toàn, với sự kiểm soát về thuốc bảo vệ thực vật, phân bón một cách cực kỳ chặt chẽ với các quy định được bổ sung hàng năm.

**************

Quay trở về với câu chuyện nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam.

Có một thực tế rằng rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm đường xuất khẩu rau quả sang châu Âu đều gặp phải hàng rào kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm đánh trượt. Nghĩa là người Việt Nam về cơ bản ruột gan đã được tôi luyện với các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tóm lại là dư lượng thuốc đều vượt ngưỡng an toàn cho sức khoẻ.

Rồi chúng ta lại hăng hái tham dự vào một cuộc chơi sang là trồng rau quả hữu cơ với giá bán nếu tính theo GDP của Việt Nam gọi là cắt cổ. Nó làm cho tôi nghĩ đến những đoàn người đi trong đêm ở đại dịch Covid-19, tài sản cả gia đình buộc vào một chiếc xe máy là hết. Mà có lẽ cũng chả cần phải so sánh với mức thu nhập của người lao động thấp, người lao động có mức lương 10 triệu đồng/tháng ở Việt Nam chắc cũng khó mà với tới cân trái cây có giá 2,2 triệu đồng. Hoặc là ăn vài lần một năm để nếm chứ không thể nói là để bảo vệ sức khoẻ.

Năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã phân loại glyphosate là “chất có thể gây ung thư” cho con người. Năm 2021, Viện Nghiên cứu Sức khoẻ và Y tế Pháp kết luận rằng glyphosate có đặc tính gây rối loạn nội tiết.

Vào đầu tháng 9/2023, một nghiên cứu mới đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với glyphosate và dấu hiệu sinh học của tổn thương thần kinh.

Tháng 10 năm ngoái, Ủy ban Bồi thường cho nạn nhân trẻ em phơi nhiễm thuốc trừ sâu trước khi sinh đã đưa ra một quan điểm, lần đầu tiên ở Pháp, xác định mối liên hệ nhân quả giữa dị tật và phơi nhiễm glyphosate trước khi sinh.

Sao giấc mơ của Việt Nam không là một giấc mơ cho chung cho hơn 100 triệu người, nghĩa là thay vì thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ thì tăng cường kiểm soát chặt chẽ nông nghiệp an toàn. để người dân nào cũng có thể yên tâm mà ăn trái cây mà không ngậm ngùi vì nghèo mà chấp nhận bệnh tật? 

Hay nền nông nghiệp của Việt Nam thay vì hầu hết chỉ đủ tiêu chuẩn xuất sang các nước dễ tính như Trung quốc thì có thể xuất sang châu Âu một cách rộng rãi hơn.

Việt Nam thường đi sau xu hướng của các nước phát triển, phải chăng nên nhìn họ để hiểu mình mà đi cho phù hợp? 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem